Sinh viên Huế du xuân đầm phá Tam Giang

(Dân trí) - Trong tiết trời ấm áp ngày xuân, vào ngày 7/2/2010, gần 120 sinh viên lớp K31, K32 khoa tiếng Nhật trường Cao đẳng sư phạm Huế đã tham gia chương trình du lịch khám phá vùng đầm phá Tam Giang.

Đây là lần đầu tiên, hệ đầm phá Thừa Thiên Huế được đưa vào phục vụ du lịch và dành riêng cho đối tượng sinh viên.

Em Võ Thị Giỏi, sinh viên K31 cười vui vẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham quan đầm phá Tam Giang của quê hương. Có đi mới biết đây là vùng nước lợ lớn nhất Đông Nam Á với nguồn hải sản khổng lồ. Ngạc nhiên hơn, đầm phá được hợp lưu từ 3 dòng sông, đó là sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu trước khi đổ ra biển”.

Còn em Nguyễn Thị Nhung vốn ham thích tìm hiểu văn hoá Huế cho biết chuyến đi đã tăng cho em một lượng kiến thức “sống” đáng kể: “Trên đường từ bến đò Vĩnh Tu đến biển Quảng Ngạn, em thấy nhiều lăng mộ được xây đựng rất độc đáo lạ mắt. Điệu Múa Náp hay còn gọi là Múa Đèn do các em nhỏ dưới 16 tuổi biểu diễn cũng rất ấn tượng. Thích nhất là Làng cổ Phước Tích nổi tiếng với nghề gốm sứ cùng nhiều ngôi nhà cổ đẹp tuyệt vời. Dù đã xem qua sách báo, truyền hình nhiều lần, nhưng đến giờ em mới tận mắt thấy”.

Sinh viên Huế du xuân đầm phá Tam Giang - 1
Xem điệu múa Náp độc đáo ở nhà dân vùng đầm phá.

Trong hành trình tour du lịch còn có 7 trò chơi lớn nhỏ gây nhiều hứng thú cho các bạn sinh viên như trò kẹp bóng, nhảy bao bố, dùng miệng buộc thun cổ chai, lấy nước đại dương… Em Nguyễn Công Cường mồ hôi nhễ nhại, vừa thở vừa khoe: “Sau những giờ học căng thẳng trên lớp, em thấy đi du lịch như này rất vui, người khoẻ cả ra. Bạn bè trong lớp gắn chặt tình cảm với nhau hơn. Qua nhiều trò chơi, em vừa mới tìm ra thêm vài bạn cùng sở thích với mình”.

Sinh viên Huế du xuân đầm phá Tam Giang - 2
Chơi “dùng miệng buộc thun cổ chai” bên phá Tam Giang.
 
Sinh viên Huế du xuân đầm phá Tam Giang - 3
“Kẹp bóng” tăng tình đoàn kết.

Bài, ảnh: Ngọc Nghĩa - Đại Dương