Thực hiện chỉ thị 11 CT/TW của Bộ Chính trị:

Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập (Tiếp)

(Dân trí) - Trên cơ sở phong trào khuyến học, khuyến tài được phát động và trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng với những mô hình độc đáo đã khơi dậy tinh thần hiếu học và tiềm năng trí tuệ của dân tộc.

Đảng và Nhà nước đã sớm đề ra chủ trương xây dựng xã hội học tập. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức chính qui và không chính qui, thực hiện giáo dục cho mọi người”. “Cả nước trở thành một xã hội học tập”.

Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 7 (khoá IX) đã cụ thể hoá phương hướng “xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”, theo đó giáo dục đào tạo không chỉ dành cho thế hệ trẻ mà là đối với tất cả mọi người dân không phân biệt già, trẻ, nam, nữ, giàu nghèo, dân tộc, cương vị xã hội và bất cứ ở đâu: thành thị, nông thôn, vùng núi, hải đảo... ai muốn học, muốn học gì, học bằng cách nào, học như thế nào phù hợp ở hoàn cảnh, năng lực và khả năng tiếp thu của mình đều được đào điều kiện tốt nhất để học. Hệ thống giáo dục chính qui trong nhà trường gắn kết với hệ thống giáo dục linh hoạt ngoài xã hội thành một chỉnh thể tác động và hỗ trợ lẫn nhau. Một nền giáo dục như vậy mới thực sự là nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. Và đây mới chính là nội dung chủ yếu của xã hội hoá giáo dục. Như vậy quan niệm về giáo dục đào tạo không chỉ gói gọn trong hệ thống chính qui của nhà trường mà phải bao trùm cả hệ thống học tập ngoài nhà trường, nhất là khi giáo dục sau nhà trường đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu chủ yếu của xã hội học tập phải là:

- Khuyến khích thói quen học tập đối với mọi người trên cơ sở quán triệt tinh thần tự học, lấy tự học làm gốc. Có tinh thần tự học thì bất cứ hoàn cảnh nào, dù điều kiện khó khăn thiếu thốn đến đâu cũng có thể tìm ra được cách học, cách nâng cao trình độ dù có lớp hay không có lớp.

- Phải coi công nghệ thông tin, bao gồm công nghệ thông tin đại chúng là công cụ cho việc làm phong phú thêm việc học tập.

- Phải đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người để từng thành viên trong xã hội có điều kiện và cơ hội nâng cao kiến thức, tự hoàn thiện mình và trên cơ sở đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính mình, cho gia đình, cho họ tộc, cho thôn xóm, phường xã, góp phần xoá đói giảm nghèo cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt quan tâm đến những người nghèo, người chịu thiệt thòi, con em đồng bào thiểu số vùng sâu, vùng xa, trẻ em tàn tật, con em thuộc diện chính sách, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

- Phải huy động được các lực lượng xã hội tham gia để đào tạo một nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng với nhiều trình độ, nhiều năng lực khác nhau đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, của công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, trong một thị trường lao động đang biến động và phát triển dưới tác động của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ.

Xu thế toàn cầu hoá đang lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa đào tạo ra những cơ hội và điều kiện phát triển, vừa đặt ra những thách thức lớn. Một nền giáo dục tạo ra được những năng lực nội sinh về khoa học công nghệ, bảo tồn và phát huy được bản sắc dân tộc sẽ bảo đảm cho đất nước vững vàng đi lên.

- Phải phát hiện được nhân tài, có chính sách thích hợp bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, xây dựng một đội ngũ nhân tài vì sự đi lên của đất nước trong điều kiện cạnh tranh và giành giật chất xám diễn ra gay gắt ở khu vực cũng như trên thế giới.

Tuy xã hội học tập là một vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, nhưng với những mầm mống ban đầu chứa đựng trong các chủ trương của Đảng và Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học ngay từ khi giành được độc lập, phát huy truyền thống dân tộc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa phát triển thực tiễn, vừa đúc kết lý luận, chúng ta nhất định ra sức tạo cho được mô hình xã hội học tập ở Việt Nam.

Trong những năm trước mắt phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam với vai trò nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập mà Chỉ thị 11 CT/TW của Bộ Chính trị đã giao phó sẽ tập trung mọi cố gắng thực hiện Đề án của Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam thời kỳ 2005-2010”. Trong quá trình này, với điều kiện đặc thù của nước ta, việc xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của các Trung tâm học tập cộng đồng ở phường, xã, thị trấn phải được đặc biệt quan tâm.

Trong vài năm tới, phải làm cho tất cả xã phường trong cả nước đều có Trung tâm học tập cộng đồng với qui chế hoạt động thích hợp, cơ chế quản lý hợp lý, có chương trình học tập phong phú, thiết thực, đáp ứng yêu cầu của nhân dân từng nơi, từng lúc.

Trong điều kiện cụ thể của chúng ta, để Trung tâm học tập cộng đồng duy trì được vai trò là đòn bẩy chủ yếu và lâu dài của xã hội học tập cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về tài chính và điều kiện vật chất. Trung tâm học tập cộng đồng là rất quan trọng, nhưng chưa đủ, ta phải ra sức phát triển các cơ sở học tập thường xuyên, vừa làm vừa học, vừa làm vừa nâng cao trình độ ở các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang... để bắt kịp tiến bộ của thế giới. Cũng cần xây dựng các Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp ở huyện, thị.

Bằng cách đó, một mạng lưới học tập được hình thành rộng khắp trong cả nước từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng, trung du đến miền núi, gắn kết chặt chẽ với hệ thống giáo dục chính qui trong nhà trường để nơi nào cũng có người học, chỗ học.

Hội sẽ sát cánh với ngành GD&ĐT phát triển đa dạng các hình thức học tập, kết hợp học tập tại trường với học tập tại chức, học tập từ xa, học tập tại nhà với học tập trên thực địa, gắn học với hành. Sau khi cả nước đạt trình độ phổ cập bậc trung học, Hội Khuyến học sẽ mở rộng hơn nữa các hình thức học tập dành cho việc bổ túc sau trung học và từng bước đưa chiến lược đại chúng hoá đại học vào cuộc sống. Cao hơn nữa, tại các trường đại học, các viện nghiên cứu sẽ hình thành những cộng đồng lao động sản sinh và tái tạo trí thức, tạo ra không gian trao đổi và giao lưu tri thức, vận dụng công nghệ thông tin để điều hoà và chuyển giao tri thức. Những cộng đồng này được coi là những cộng đồng trí thức, những thành viên quan trọng của xã hội học tập trong điều kiện đất nước đi vào kinh tế trí thức.

Xã hội học tập sẽ từng bước được xây dựng và củng cố trên nền tảng phong trào khuyến học, khuyến tài không ngừng được củng cố và phát triển với việc mở rộng các mô hình đã được thực tế chứng minh là có hiệu quả đúng như Chỉ thị 11CT/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “mở rộng và nâng cao phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong giảng dạy và học tập; xây dựng gia đình hiếu học, cộng đồng, dòng họ, cơ quan doanh nghiệp, đơn vị khuyến học. Tiếp tục đẩy mạnh các Trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân từng địa phương, đơn vị... Củng cố xây dựng Hội Khuyến học các cấp vững mạnh, làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hoá giáo dục”.

Dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đại hội IX và Đại hội X của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị 11 CT/TW của Bộ Chính trị, được sự tăng cường lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến cơ sở, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, sự hợp tác của các ngành, các giới, Hội Khuyến học Việt Nam sát cánh cùng Ngành Giáo dục & Đào tạo quyết tâm thực hiện nhiệm vụ mà Bộ chính trị đã giao cho Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục & Đào tạo và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam góp phần tích cực để chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập” sớm đi vào cuộc sống.

Nguyễn Mạnh Cầm
(Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam)