Thực hiện chỉ thị 11 CT/TW của Bộ Chính trị:

Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập

Ngày 13 tháng 4 năm 2007 Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị số 11 CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập".

Chỉ thị nêu rõ "Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng về chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình "xã hội học tập" và tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới".

 

Việt Nam là một đất nước ngàn năm văn hiến. Dân tộc VN vốn có truyền thống hiếu học lâu đời. Người VN lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người, "nhân bất học bất tri lý". Do đó trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, qua mọi giai đoạn thăng trầm của lịch sử, giáo dục luôn là một lĩnh vực được coi trọng và đề cao.

 

Từ ngày có Đảng, nhất là từ sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học, xem học tập là nhu cầu của cuộc sống đã được thể hiện một cách nhất quán trong đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ngay từ ngày đầu mới giành được độc lập, khi vận mệnh nước nhà đang như ngàn cân treo sợi tóc, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương cùng một lúc chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm, xem chống giặc dốt cũng quan trọng, cũng cấp bách như chống giặc đói để dân được ấm no và chống giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập nước nhà. Trong suốt cuộc đời hy sinh cho đất nước, cho dân tộc, Bác Hồ chỉ có một ham muốn, "ham muốn tột bậc là nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Như vậy bác xem sự học là nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Bác còn cảnh báo: "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập đã bắt gặp xu thế của thời đại khi trên thế giới giáo dục và đào tạo đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia, trong bối cảnh toàn cầu hoá phát triển rộng khắp, cách mạng khoa học công nghệ đạt những bước tiến kỳ diệu, cách mạng thông tin bùng nổ mạnh mẽ, tri thức của nhân loại tăng trưởng không ngừng. Đảng ta cũng khẳng định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Trong vòng mấy chục năm gần đây, tri thức nhân loại tích luỹ được đã bằng tổng số tri thức có được trong hai thiên niên kỷ trước đó. Người ta dự báo đến năm 2020, tri thức nhân loại sẽ tăng gấp 4 lần so với tri thức đã có năm 2000. Công nghệ phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, vòng đời của công nghệ ngày càng được rút ngắn. Tri thức đã trở thành tài nguyên quan trọng nhất và sự tụt hậu về tri thức trở thành nguyên nhân chủ yếu tạo ra sự cách biệt thành công giữa người này với người khác, khoảng cách phát triển giữa vùng này với vùng nọ, giữa quốc gia này với quốc gia khác.

 

Thời đại ngày nay đòi hỏi con người phát triển kiến thức về nhiều mặt, do đó giáo dục có nhiệm vụ chuẩn bị cho người học kiến thức toàn diện. Tuy nhiên, kiến thức nhận được ở các trường phổ thông và đại học sẽ nhanh chóng lạc hậu nếu không được bổ sung bằng những kiến thức mới phù hợp với sự phát triển và đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực, từng môi trường, từng hoàn cảnh.

 

Trong bối cảnh quốc tế đó, khi làn sóng kinh tế tri thức đang dâng trào, chúng ta không thể thực hiện công nghiệp hoá đất nước theo mô hinh cũ của các nước đi trước mà phải gắn công nghiệp hoá với hiện đại hoá. Nói một cách khác, chúng ta phải chuyển nền kinh tế chủ yếu còn là kinh tế nông nghiệp cùng một lúc vừa sang nền kinh tế công nghiệp vừa sang nền kinh tế tri thức trên một số lĩnh vực. Và để làm được điều đó, dân trí phải được nâng cao, nguồn nhân lực phải được đào tạo dồi dào, nhân tài phải được phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng.

 

Hội Khuyến học VN ra đời là nhằm góp phần đáp ứng những yêu cầu đó. Là một tổ chức xã hội, Hội Khuyến học VN có nhiệm vụ khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, vừa có những hoạt động hỗ trợ hệ thống giáo dục chính qui trong nhà trường trong quá trình chấn hưng nền giáo dục nước nhà, và động viên, tổ chức việc học tập cho người lớn, những người về hưu, những người không có điều kiện học tập ở nhà trường để nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức và hoàn thiện tính cách. Với dân số 84 triệu người, nếu hệ thống nhà trường hiện nay từ mẫu giáo đến đại học thu nhận từ 22-23 triệu người, thì ngoài xã hội còn trên 60 triệu người phải được tạo điều kiện để học tập.

 

Từ năm 1996 đến nay, với 10 năm tồn tại và phát triển, đặc biệt là từ khi có chỉ thị 50 CT/TW năm 1999 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với Hội Khuyến học VN,  Hội đã có một bước phát triển đột phá. Hội đã được tổ chức ở tất cả 64 tỉnh, thành, hơn 99% huyện, thị, quận, khoảng 97% xã phường, thị trấn trong cả nước. Hội còn lan toả đến tận thôn làng, bản phum, sóc... đến cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang... với tổng số hội viên trên 5 triệu người. Phong trào khuyến học, khuyến tài do Hội phát động đã nhanh chóng bao trùm hầu như toàn xã hội, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, thấm nhuần và thể hiện sinh động tinh thần xã hội hóa giáo dục. Nhiều mô hình khơi dậy tinh thần hiếu học trong nhân dân như "Gia đình hiếu học", "Dòng họ khuyến học", "Cụm dân cư khuyến học" đã được xây dựng và phát triển rộng rãi. Hiện nay đã có gần 4 triệu gia đình đăng ký trong số đó gần 1,5 triệu gia đình được công nhận là "Gia đình hiếu học", trên 5 vạn dòng họ được công nhận là "Dòng họ khuyến học".

 

Thời gian qua chính các mô hình tổ chức này đã góp phần tích cực và có hiệu quả thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" do Bộ GD&ĐT phát động, góp phần làm giảm tình trạng lưu ban, bỏ học, góp phần chống các biểu hiện tiêu cực, tạo môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường. Đó là chưa nói đến việc Hội thông qua Quỹ khuyến học cấp học bổng cho hàng chục vạn trẻ em nghèo được đến trường, xây dựng một số trường dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, giúp đỡ nhiều trẻ em học giỏi phát triển tài năng, giúp đỡ nhiều thầy cô giáo dạy tốt nhưng gặp khó khăn trong cuộc sống.

 

Đồng thời để tạo cơ sở học tập thường xuyên cho người lớn ở xã phường, thị trấn, Hội đã đẩy mạnh vịêc xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Hiện, cả nước đã có khoảng 8.500 TTHTCĐ. Các TTHTCĐ đã tổ chức được 66.600 lớp học với trên 6 triệu lượt người tham gia, chủ yếu phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến kinh nghiệm và tiến bộ khoa học, công nghệ để ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các TTHTCĐ ã tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho hơn 2 vạn người, góp phần phổ cập tiểu học và trung học cơ sở cho thanh, thiếu niên không có điều kiện theo học ở các trường chính qui.

 

Để góp phần thực hiện khuyến tài, hai năm qua, Hội đã tổ chức các cuộc thi "Nhân tài đất Việt" trên lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để phát hiện, khuyến khích và động viên tài năng trẻ.

 

Phong trào khuyến học, khuyến tài cùng với những mô hình tổ chức phù hợp và có hiệu quả nêu trên đã trở thành tiền đề cho việc xây dựng xã hội học tập.

 

Thế nào là xã hội học tập và làm sao xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập?

 

Xã hội học tập là một xu thế mới trong quá trình phát triển của loài người ở thời kỳ hậu công nghiệp. Đó là đòi hỏi của cách mạng công nghệ và phát triển kinh tế và cũng là đòi hỏi của sự phát triển con người bền vững trong thế kỷ 21. Khái niệm xã hội học tập ngày nay gắn với khái niệm xã hội tri thức, xã hội thông tin, đều tập trung và đặt con người vào vị trí trung tâm, tạo điều kiện cho con người phát triển bền vững và cũng là điều kiện của sự phát triển kinh tế, xã hội.

 

Nội dung cơ bản của khái niệm xã họi học tập là "Giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời" đúng như UNESCO đã khẳng định trong Tuyên bố ngày 20/12/1999 "Giáo dục không còn là một quá trình mà con người chỉ tham gia trong thời gian đầu của cuộc đời".

 

Giáo dục thường xuyên, liên tục gắn bó hữu cơ giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.

 

Đặc trưng của xã hội học tập là mỗi cá nhân, mỗi thành viên xã hội đều phải học, xem đó là một yêu cầu mang tính đạo đức của xã hội hiện đại. Giáo dục nhà trường và giáo dục ngoài nhà trường là những khâu liên hoàn, con người vừa học vừa làm, vừa làm vừa học. Trong xã hội học tập, nền giáo dục mang tính mềm dẻo, linh họat, đa dạng, phong phú, kết hợp với các hình thức giáo dục chính qui, giáo dục không chính qui (non formal) và giáo dục phi chính qui (in formal). Trường học được tổ chức theo nhiều hệ thống quản lý khác nhau, hệ thống trường công lập và hệ thống ngoài công lập cùng đồng hành phát triển. Đồng thời bên cạnh trường học còn nhiều thiết chế có chức năng giáo dục như Trung tâm giáo dục thường xuyên, TTHTCĐ, nhà văn hóa, câu lạc bộ,...

 

Xã hội học tập kết hợp hai phương thức học: học có hệ thống để làm giàu tri thức một cách toàn diện và học theo yêu cầu, cần gì học nấy, học để nâng cao tay nghề phục vụ sản xuất, công tác. 

 

Nguyễn Mạnh Cầm

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

(Còn nữa)