Ngành bị chê "vô dụng, không học cũng biết" có điểm chuẩn top đầu

Hoài Nam

(Dân trí) - Liên tục bị các TikToker chê là ngành "không học cũng biết" nhưng ngôn ngữ Anh luôn có điểm chuẩn đầu vào ở nhóm cao tại các trường đại học.

Ngôn ngữ Anh là ngành bị gọi tên nhiều nhất trong loạt ngành học bị nhiều TikToker bêu rếu vô dụng, lãng phí, thất nghiệp thời gian qua. 

Các nhà "tư vấn tuyển sinh trên mạng" lý giải thời đại này ai không biết tiếng Anh, ra trường chỉ biết tiếng Anh sẽ trở nên vô dụng. Thay vì học ngôn ngữ Anh thì nên học ngành khác rồi sau đó thi lấy chứng chỉ IELTS.

Bất chấp những lời chê bai này, nhiều năm nay, đây là ngành nhiều trường đại học tham gia đào tạo và cũng là ngành có điểm chuẩn đầu vào ở nhóm cao hàng đầu tại các trường. 

Ngành bị chê vô dụng, không học cũng biết có điểm chuẩn top đầu - 1

Tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn đầu vào theo học bạ cao nhất với 25 điểm (Ảnh: Fanpage trường).

Thông tin từ Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) kết thúc đợt 1 xét tuyển học bạ kéo dài từ ngày 20/1 đến hết ngày 30/4, có hơn 6.700 thí sinh đăng ký xét tuyển với gần 12.000 nguyện vọng.

Trong đó ngôn ngữ Anh là một trong 3 ngành (cùng với ngôn ngữ Trung Quốc và quan hệ quốc tế) có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển nhất.

Đối với phương thức xét điểm học bạ THPT đợt 1 vào HUFLIT, mức điểm chuẩn dao động 18-25 điểm tùy ngành. Ngành ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất lên đến 25.

Theo thông báo kết quả xét tuyển sớm năm 2024 tại Học viện Hàng không Việt Nam, ngành Ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn theo đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là 650 và điểm chuẩn học bạ 20.

Đây cũng là ngành duy nhất tại trường thí sinh phải có điểm học kì 1 và cả năm lớp 12 môn tiếng Anh phải từ 7.0 trở lên mới đủ điều kiện trúng tuyển.

Ngành bị chê vô dụng, không học cũng biết có điểm chuẩn top đầu - 2

Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam (Ảnh: Hoài Nam).

Năm nay, Ngôn ngữ Anh cũng là ngành có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất tại Học viện Hàng không với 540.

Tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, theo kết quả phương thức xét tuyển học bạ học bạ đợt 1 năm nay cho thấy ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn nằm ở top đầu. Cụ thể, trung bình 3 học kỳ phải đạt từ 6.5 và tổng điểm 3 môn tổ hợp từ 19 điểm.

Vào mùa tuyển sinh năm 2023, tại nhiều trường đại học, ngôn ngữ Anh cũng đứng đầu về điểm chuẩn trúng tuyển dù theo phương thức nào. 

Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn đầu vào dẫn đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ với 25.1 điểm theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT; 28.25 theo điểm học bạ và 24.98 điểm theo phương thức xét tuyển học bạ kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) ngôn ngữ Anh cũng là "chị cả" trong lĩnh vực ngôn ngữ về đầu vào, bỏ xa các ngôn ngữ khác.

Cụ thể, theo phương thức điểm tốt nghiệp THPT ngành này có điểm chuẩn lên đến 26.05; theo điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM là 850; ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2023 theo quy định của Đại học Quốc gia là 28 điểm…

Ngành bị chê vô dụng, không học cũng biết có điểm chuẩn top đầu - 3

Ngôn ngữ Anh là ngành có điểm chuẩn top đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: NTCC).

Tại Trường Đại học Sài Gòn, điểm chuẩn theo phương thức điểm tốt nghiệp THPT 2023 của ngành ngôn ngữ Anh là 24.58.

Tại Trường Đại học Luật TPHCM, điểm chuẩn ngành ngôn ngữ Anh là 24.78 ở tổ hợp D01 và D84; 25,78 ở tổ hợp D14 và D66.

Trường Đại học Tài chính - Marketing điểm chuẩn trúng tuyển ngành ngôn ngữ Anh năm 2023 theo điểm tốt nghiệp THPT là 24, điểm chuẩn học bạ 26,5; điểm chuẩn học bạ theo tổ hợp môn 27.5 và điểm đánh giá năng lực 710.

Bên cạnh chỉ tiêu cao, điểm chuẩn đầu vào ở top cao, theo khảo sát tình hình việc làm tại nhiều trường đại học, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh ra trường cũng luôn có tỷ lệ việc làm ở nhóm dẫn đầu

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, nói Ngôn ngữ Anh là ngành học vô dụng, chỉ cần học IELTS là cách nhìn phiến diện nếu không muốn nói là hời hợt, nông cạn. Chứng chỉ IELTS không thể giải quyết các vấn đề chuyên sâu về ngôn ngữ cho nhân lực.

Tại các trường đại học, ngành ngôn ngữ Anh cung cấp cho sinh viên các kiến thức khác nhau để bổ trợ cho trình độ chuyên môn như kinh tế, tài chính ngân hàng, quan hệ quốc tế; các kiến thức chung, chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa, con người của các quốc gia sử dụng tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ ưu tiên; các kiến thức, kỹ năng giao tiếp giúp làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực cần sử dụng đến tiếng Anh...

Sinh viên ngành này có thể làm ở ba nhóm công việc biên, phiên dịch viên/biên tập viên; giáo viên tiếng Anh/nghiên cứu viên hoặc thư ký văn phòng/trợ lý và các công việc liên quan đến đối ngoại, truyền thông với nhiều cơ hội việc làm.

Ngành bị chê vô dụng, không học cũng biết có điểm chuẩn top đầu - 4

Ngôn ngữ Anh là một trong những ngành học thường bị các TikToker cho là vô dụng, lãng phí nhất (Ảnh chụp lại màn hình).

Theo các chuyên gia việc làm, trong bối cảnh đầu tư và thương mại toàn cầu tăng trưởng mạnh, cơ hội việc làm ngành ngôn ngữ ngày càng phong phú, đa dạng. Nhu cầu tuyển dụng phiên dịch viên phát triển mạnh tại khối doanh nghiệp, khối nhà nước và các tổ chức chính phủ.

Thị trường việc làm Việt Nam có nhu cầu rất lớn với nguồn nhân sự giỏi ngoại ngữ, được đào tạo bài bản về chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ không chỉ riêng tiếng Anh mà cả các ngôn ngữ khác.