Mẫu thi thử trắc nghiệm: Mất thời gian và dễ nhầm!

Một cán bộ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, HS chỉ có 60 phút để trả lời 50 câu hỏi trong khi việc phải tô đậm và lấp kín diện tích hết cả một ô tròn cho số báo danh, mã đề... rất mất thời gian.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 6/2006 và thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ (tháng 7/2006) khi các thí sinh học theo chương trình phân ban hay không phân ban đều thi môn Ngoại ngữ bằng hình thức thi trắc nghiệm (TN), ngày 14/1/2006, Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ thi thử TN đối với học sinh lớp 12 trên toàn quốc (điểm thi không tính vào kết quả học tập).

 

Đề thi do Bộ GD-ĐT ra chung cho cả nước. Trước kỳ thi, dư luận các nhà  tổ chức thi còn nhiều băn khoăn.

 

Làm bài theo kiểu tô tròn... mất thời gian!

 

Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT đã làm đề cho 1.448 phòng thi thuộc 98 điểm thi của 97 trường trung học phổ thông. Tổng số thí sinh dự kỳ thi diễn tập này là 33.175.

 

Theo kế hoạch, 10 giờ sáng  ngày 14/1/2006, Sở GD-ĐT sẽ đưa đề đến các Hội đồng thi ở ngoại thành (12 giờ trưa các hội đồng thi ở nội thành sẽ tự về Sở lấy đề thi) để kịp giờ thi vào 14 giờ chiều.

 

Bộ GD-ĐT đã lưu ý các học sinh tới 12 điểm yêu cầu, nhưng ông Nguyễn Quang Đông Thành, Phó Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở lưu ý thí sinh 3 điểm quan trọng: phải tô được số báo danh, tô được mã đề và tô được câu mình chọn. Sở cũng lưu ý giáo viên 1 điều quan trọng là phải phát đúng đề theo thứ tự học sinh.

 

Ông cho biết thêm về niềm băn khoăn của mình: Vì sao ngành GD-ĐT không chọn cách trả lời từ trước tới nay quen làm (và nhiều nước sử dụng)  là đánh dấu “v”  vào câu trả lời đúng, vừa nhanh vừa tiện lợi.

 

Ông e rằng phải tô đậm và lấp kín diện tích hết cả một ô tròn, như Bộ GD-ĐT yêu cầu, cho nào là số báo danh, mã đề và mỗi câu mình chọn để trả lời một câu hỏi... rất mất thời gian trong khi học sinh chỉ có 60 phút để trả lời 50 câu hỏi.

 

Quá rắc rối, phiền phức, dễ nhầm lẫn...

 

Đó là ý kiến của ông Hoàng Huy Lập - Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế khi nhận xét về quy trình hướng dẫn thi trắc nghiệm. Ông Lập cũng góp ý, 1  dấu “v”  cho câu trả lời  “khỏe” hơn cho cả thày lẫn trò. Tô tròn và tô kín diện tích khoảng 60 ô như thế sẽ mất rất nhiều thời gian.

 

Theo ông, hướng dẫn quy trình thi dài và phức tạp khiến cán bộ Sở còn học tập mấy buổi mới xong; ở dưới trường tập huấn tới, tập huấn lui vẫn còn lo nhầm lẫn: đề 1, đề 2... với nhiều nhóm đề, số lượng lớn rất dễ nhầm lẫn do lộn xộn và khó kiểm soát.

 

Mới tập dượt thi thử 1 môn đã rắc rối như thế này không hiểu đến lúc thi 6 môn cho 1 kỳ thi thì sẽ rối tung lên như thế nào; Bộ nên đơn giản hóa quy trình hơn, không nên chi tiết hóa nhiều, dễ nhầm hơn... là góp ý của nhiều nhà tổ chức thi.

 

12 yêu cầu đối với thí sinh thi trắc nghiệm

1) Thời gian làm bài thi là 60 phút đối với bài thi tốt nghiệp THPT và 90 phút đối với bài thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ;

2) Chỉ có Phiếu Trả lời Trắc nghiệm (TLTN) mới được coi là bài làm của thí sinh. Bài làm phải có 2 chữ ký của 2 giám thị phòng thi;

3) Trên phiếu TLTN chỉ được viết 1 thứ mực không phải là mực đỏ và tô chỉ đen ở ô tròn; không được tô bất cứ ô tròn nào trên phiếu TLTN bằng bút mực, bút bi;

4) Khi  tô các ô tròn bằng bút chì, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô; không gạch chéo, hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn;

5) Ứng với mỗi câu TN chỉ được tô 1 ô tròn;

6) Để cho bài làm của thí sinh được chấm (bằng máy), thí sinh phải giữ phiếu sạch sẽ, không làm rách, làm nhàu hoặc có vết gấp, mép giấy bị quăn;

 7) Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu TLTN. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm;

8) Thí sinh có thể viết nháp trên giấy nháp, nhưng không được chép lại bất cứ câu hỏi nào của đề thi ra giấy. Không được tháo rời từng tờ của đề thi;

9) Thí sinh làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp bài TN trước khi hết giờ làm bài;

10) Khi hết giờ làm bài thi TN, có lệnh thu bài, thí sinh phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống, úp sấp đề thi và phiếu TLTN xuống mặt bàn, chờ nộp phiếu TLTN và đề thi theo hướng dẫn của giám thị. Thí sinh không làm được bài vẫn phải  nộp phiếu TLTN và đề thi. Khi nộp phiếu TLTN thí sinh phải ký tên vào danh sách thí sinh nộp bài;

11) Thí sinh chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu TLTN, đề thi của cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về;

12) Thí sinh đuợc đề nghị phúc khảo  bài thi TN của mình để được phúc khảo, thí sinh làm các thủ tục theo quy chế.

Ngoài 12 yêu cầu, thí sinh còn có thêm 7 chú thích cho 12 yêu cầu trên như: bài làm của thí sinh (phiếu TLTN) được chấm bằng máy và một số máy không đọc được ô tròn tô bằng bút mực, bút bi do đó thí sinh chỉ tô các ô tròn bằng bút chì đen để cho tất cả các loại máy đều đọc được.

Trong lúc làm bài thí sinh phải để phiếu TLTN nằm trọn vẹn trên mặt bàn; tránh để một phần phiếu TLTN ra khỏi mặt bàn, cạnh bàn sẽ làm gãy phiếu TLTN thì máy mới có thể chấm; hoặc nếu làm trái quy định, thí sinh sẽ bị xử lý hoặc không được khiếu nại...

 

 

 Theo Tiền Phong