Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Thiết kế vi mạch Analog-AICD”

(Dân trí) - Nhằm thúc đẩy hoạt động giáo dục và nghiên cứu của sinh viên cũng như các trường ĐH Việt Nam về lĩnh vực thiết kế analog, ĐHQG TPHCM đã quyết định đứng ra tổ chức cuộc thi “Thiết kế vi mạch Analog-AICD” lần thứ nhất cho sinh viên các trường ĐH ở Việt Nam.

Chủ đề của cuộc thi năm 2010 là “Tìm giải pháp ổn áp tuyến tính LDO”. Mỗi đội lọt vào vòng chung kết sẽ nhận được bản thiết kế cơ bản của mạch LDO. Dựa trên thiết kế này các đội tham gia thực hiện công việc tối ưu các thông số của LDO thông qua thay đổi giá trị các phần tử trong mạch, chỉnh sửa thiết kế,…

Tham gia vào cuộc thi, các bạn sinh viên sẽ được đào tạo miễn phí về phần mềm thiết kế vi mạch analog của công ty thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới Synopsys. Các bạn sinh viên sẽ được tham dự những hội thảo về chuyên ngành “thiết kế vi mạch analog”, “quản lý nguồn năng lượng” của các chuyên gia đến từ Analog Devices (Mỹ), MINATEC-CEA (Pháp), Synopsys (tại Singapore).

Ngoài ra, cuộc thi là môi trường thích hợp để các bạn sinh viên rèn luyện, nâng cao khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh của mình trước trước hội đồng ban giám khảo trong và ngoài nước.

Đối tượng tham dự cuộc thi là tất cả các sinh viên quan tâm đến thiết kế vi mạch analog. Sinh viên sẽ tham gia theo nhóm (tốt nhất là 3-4 thành viên/nhóm). Không giới hạn đội tham gia của một trường ĐH.

Để biết thêm về thông tin, phương thức dự thi và cơ cấu giải thưởng xin truy cập website: http://www.icdrec.edu.vn/

Tại buổi lễ phát động cuộc thi tại Hà Nội vào sáng ngày 22/1, Th.S Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch thuộc ĐH Quốc gia TPHCM - Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết: Ban tổ chức sẽ đánh giá vào ý tưởng của những người tham gia. Nếu các ý tưởng đó hay và độc đáo thì sẽ được đăng ký bản quyền và tiếp tục được hỗ trợ để hoàn thành

Theo G.S Phan Anh - Chủ tịch Hiệp hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, vi mạch analog là giải pháp cho hàng loạt vấn đề cơ bản như công suất tiêu tán, ảnh hưởng nhiệt độ, tốc độ hoạt động... cho các vi mạch và linh kiện điện tử ngày càng phức tạp và tinh vi. Ngoài ra, vi mạch analog còn cung cấp giải pháp rất quan trọng trong các thiết bị điện tử ngày nay là “quản lý nguồn năng lượng” (power management).

Ở Việt Nam hiện nay, ngành công nghiệp vi mạch analog đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu cao về một nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế analog. Trong khi đó, chương trình giáo dục, đào tạo và nghiên cứu về thiết kế vi mạch analog tại các trường đại học của Việt Nam từ Bắc đến Nam đều còn yếu kém và không hiệu quả.

Nguyễn Hùng