Học sinh khiếm thị làm văn miêu tả

(Dân trí) - Đã có không ít thí sinh khiếm thị giật danh hiệu thủ khoa ngành xã hội. Một nghiên cứu dưới đây của giảng viên Lê Thị Thuý Hằng, trường CĐ Sư phạm Trung ương về việc học văn miêu tả lớp 4 của học sinh mù sẽ phần nào giải thích được điều này.

Nghiên cứu được thực hiện qua cuộc khảo sát 38 giáo viên (GV) và 31 học sinh (HS) tại các trường tiểu học hoà nhập ở Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Hải Dương, Hoà Bình, Thái Bình, Quảng Ngãi.

Rất ngạc nhiên khi kết quả cho thấy, việc sử dụng các biểu tượng trong miêu tả đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày của HS khiếm thị có mức chính xác và rất chính xác khá cao (chiếm tới gần 66%), tiếp theo là phương tiện giao thông (chiếm gần 61%); đồ dùng vui chơi giải trí và học tập có tỷ lệ đạt mức chính xác và rất chính xác là 43,01% và 44,74%.

Đối với các vật nuôi trong nhà, các ý kiến của GV cho rằng HS khiếm thị sử dụng biểu tượng đạt mức chính xác chiếm tỷ lệ 34,21%, mức bình thường là 52,63%. Tuy nhiên, không có HS khiếm thị nào miêu tả được chính xác các loại gia cầm và các loại chim, chỉ có khoảng 2,63% miêu tả chính xác con vật dưới nước và các loài vật sống hoang dã; 13,6% miêu tả chính xác các loài gia súc…

Về sử dụng từ ngữ trong miêu tả của HS khiếm thị, nhóm từ chỉ chất liệu, kích cỡ, khối lượng hình dạng được các em sử dụng đạt mức chính xác và rất chính xác cao (có khoảng 40 đến 45% sử dụng chính xác các từ chỉ kích cỡ, hình dạng, chất liệu và khối lượng).

Nhưng đối với nhóm từ chỉ ánh sáng, tính chất chuyển động, màu sắc và phương hướng, HS khiếm thị sử dụng ít phù hợp và chính xác hơn, trong đó không có loại từ nào được GV đánh giá là HS khiếm thị sử dụng đạt mức rất chính xác.

Các HS khiếm thị cũng có khả năng tưởng tượng rất tốt. Có tới gần 45% có thể làm mới hình ảnh bằng cách chuyển đổi cảm giác đạt mức tốt và gần 29% làm được điều này một cách rất tốt. Cũng có tới 37% HS thực hiện tốt việc tái tạo hình ảnh dựa trên sự hồi tưởng đã biết về chính đối tượng và cũng có tương đương số này thực hiện tốt việc sáng tạo lại hình ảnh dựa trên thái độ và xúc cảm của chính bản thân về chính đối tượng.

Tuy nhiên, không có ý kiến nào của giáo viên HS khiếm thị có khả năng hư cấu được hình ảnh dựa trên sự kết hợp những chi tiết, hình ảnh từ đối tượng khác ở mức tốt và rất tốt.

Bà Hằng cũng đưa ra kết luận rằng: Về các từ ngữ HS khiếm thị sử dụng trong bài văn miêu tả vẫn còn những hạn chế và thiếu chính xác ở nhóm từ ngữ có liên quan đến các khái niệm chỉ mầu sắc, ánh sáng, tính chuyển động…Tuy nhiên, ở nhóm từ chỉ các đặc điểm nhận cảm của các giác quan còn lại, HS khiếm thị luôn phản ánh đúng về đối tượng và ngữ cảnh.

Về đặc điểm năng lực tưởng tượng của HS khiếm thị là do thiếu trải nghiệm nên khả năng sáng tạo của các em bị hạn chế cả về đối tượng và phạm vi. Dù vậy, các em vẫn có khả năng tưởng tượng và sáng tạo và có khả năng sử dụng những cảm nhận tinh tế nhờ các giác quan còn lại để tạo nên những nét độc đáo về đối tượng miêu tả.

Văn miêu tả là dạng bài văn phổ biến trong chương trình tiểu học và có ý nghĩa quan trọng cho quá trình học tập cũng như gắn liền với các mỗi liên hệ của mỗi cá nhân với sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh. Đối với HS khiếm thị, việc học và làm văn miêu tả đã gặp những khó khăn cơ bản do các em bị hạn chế khả năng quan sát, khả năng tưởng tượng và sử dụng từ rỗng nghĩa. Người thầy phải nỗ lực không chỉ bằng phương pháp mà phải bằng cả tấm lòng để bù đắp cho sự thiệt thòi này của các em.

M.M