Học sinh đi trải nghiệm 200km, phụ huynh ấm ức: "Hà Nội thiếu gì chỗ chơi"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch của cả nước song học sinh Thủ đô được sắp xếp đi tham quan, trải nghiệm ở các tỉnh khác với hành trình cả trăm cây số kèm chi phí đắt đỏ.

Chuyến trải nghiệm tiền triệu mua "combo" mệt mỏi + tắc đường

Năm học 2022-2023, Phạm Minh Nguyệt (Thanh Xuân, Hà Nội) đi cùng con trai trong chuyến tham quan trải nghiệm tại khu du lịch Quảng Ninh Gate tại Đông Triều, Quảng Ninh. Chương trình do nhà trường tổ chức cho toàn khối 9. 

Chi phí đóng góp trên mỗi học sinh khoảng 700.000 đồng. Phụ huynh đi cùng đóng mức tương đương. Chị Nguyệt cho biết, chi phí thực tế ước chừng lên đến hơn 1 triệu đồng/học sinh, bởi  các con đều được bố mẹ cho thêm tiền mua đồ ăn, thức uống, quà lưu niệm, chơi game… Trung bình mỗi học sinh tiêu thêm 200.000-400.000 đồng. 

Chuyến đi tiêu tiền triệu trong ngày đó với chị Nguyệt là một trải nghiệm của mệt mỏi. "Hà Nội thiếu gì chỗ chơi, chi phí lại rẻ, đi lại thuận tiện. Tại sao phải tha lôi các con đi hàng trăm cây số, tắc đường, nắng nôi, mỏi mệt, đồ ăn đắt đỏ và không trải nghiệm được gì đáng giá?", chị Nguyệt đặt câu hỏi?

Học sinh đi trải nghiệm 200km, phụ huynh ấm ức: Hà Nội thiếu gì chỗ chơi - 1

Học sinh Hà Nội tìm hiểu lịch sử tại hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Hoàng Hồng).

Từ Hà Nội về Quảng Ninh, cả đoàn tắc hơn 30 phút ở cầu Thanh Trì. Chiều ngược lại, họ bị tắc 1 tiếng. Sau hành trình dài 100 cây số, học sinh được đưa vào một tổ hợp vui chơi có thể gặp ở bất kỳ đâu với công viên nước, nhà ma, bảo tàng tranh 3D để chụp hình "sống ảo", khu ẩm thực... Khuôn viên thưa vắng cây xanh, nắng nôi và ngột ngạt.

Vì chuyến đi là hoạt động tập thể nên học sinh không được chơi tự do mà tập trung theo đoàn, đang chơi dở cũng phải đứng lên đi tiếp. Mỗi khu các con chơi được chừng mười lăm, hai mươi phút. Thời gian chơi chỉ chừng 4 tiếng đồng hồ, gồm 3 tiếng trước ăn trưa và 1 tiếng sau ăn trưa. Khoảng 15g30 chiều, đoàn khởi hành về Hà Nội khi cả trò, cả cô, cả phụ huynh đi cùng đã thấm mệt vì nắng và "oải".

"Tôi nghĩ mãi rằng những đứa trẻ thành phố như các con đã được trải nghiệm gì ở đó, nơi mà mọi thứ đã quá quen thuộc với chúng? Vậy mà lần này, để chơi những thứ quen thuộc, chúng cần đi về 200km cả thảy. Còn bố mẹ phải bỏ ra một số tiền bằng 3 ngày lương", chị Nguyệt tâm sự.

Chị Nguyệt cho biết thêm, các năm học trước đó, nhà trường cũng phối hợp với đơn vị tổ chức tour đưa học sinh tới các khu du lịch tương tự ở Hòa Bình, Ba Vì. 

"Hoàn toàn không có hoạt động học tập, trải nghiệm ý nghĩa nào được lồng ghép. Đó thực chất là các khu vui chơi. Nội dung tìm hiểu về văn hóa làng quê, văn hóa địa phương rất nhạt nhòa với không gian dàn dựng thiếu tinh tế và thiếu chiều sâu", chị Nguyệt nhận định.

Đồng quan điểm, chị Phạm Mai Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng những chuyến đi tham quan, trải nghiệm tới các khu du lịch sinh thái, tổ hợp vui chơi giải trí mà nhiều trường học đã và đang tổ chức chỉ nên gọi theo đúng nghĩa đen là "đi chơi", vì không có nội dung trải nghiệm hữu ích.

"Các con không được học bất kỳ kỹ năng sống nào thông qua những hoạt động này. Nếu so chuyến tham quan đó với một buổi cắm trại bên sông Hồng, tôi e là còn khập khiễng. Vì khi đi cắm trại, các con phải chủ động và tự lập, tự mang vác đồ đạc, tự dựng trại, tự đốt lửa, làm đồ ăn. 

Còn đi tham quan do nhà trường tổ chức, các con được lo từ A đến Z bởi đơn vị tổ chức tour", chị Phương nêu quan điểm.

Tài nguyên du lịch, trải nghiệm của Hà Nội bị các trường học thờ ơ?

Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử lớn nhất cả nước. Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, số lượng di tích trên địa bàn thủ đô dẫn đầu toàn quốc với 5.922 di tích được kiểm kê. Trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố.

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống ven ngoại thành Hà Nội đang hoạt động và phát triển mạnh như làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề thêu thủ công Quất Động, làng nghề mây tre đan Chương Mỹ, làng gốm Bát Tràng…

Tất cả các làng nghề này đều có chương trình tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa và thực hành nghề thủ công dành cho học sinh.

Học sinh đi trải nghiệm 200km, phụ huynh ấm ức: Hà Nội thiếu gì chỗ chơi - 2

Học sinh trải nghiệm làm tranh sơn mài tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (Ảnh: Hương Thảo).

Điều đáng nói, ngay tại Hà Nội, nhiều tour du lịch văn hóa, lịch sử đã xây dựng được thương hiệu mạnh, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước như tour "Đêm thiêng liêng" tại di tích nhà tù Hỏa Lò, tour đêm "Giải mã hoàng thành Thăng Long", tour đền Gióng - Cổ Loa, tour làng cổ Đường Lâm - thành cổ Sơn Tây… Mới đây nhất là tour đêm "Tinh hoa đạo học" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Chị Phạm Minh Nguyệt bày tỏ: "Nếu các tour du lịch văn hóa, lịch sử này được thiết kế riêng chương trình dành cho học sinh thì học sinh thủ đô không cần phải đi đâu cả. Các con sẽ học được rất nhiều điều bổ ích sau một chuyến đi, chứ không phải mấy trò chơi vô bổ. 

Đây cũng là những điểm di tích do nhà nước quản lý, mọi thứ có quy củ, đảm bảo an ninh, an toàn cho con trẻ. Chi phí tham quan phù hợp. Bố mẹ cho các con đi cũng vui vẻ, yên tâm.

Tuy nhiên lâu nay, tài nguyên du lịch, trải nghiệm của Hà Nội dường như đang bị trường học thờ ơ".

Mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cũng bày tỏ quan ngại về việc các trường học tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội.

Nguy cơ xảy ra rủi ro, mất an toàn giao thông luôn thường trực. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh tương đối phức cảm, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của đơn vị tổ chức chuyến đi.

Ông Cương khuyến khích các trường học tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm trong phạm vi Hà Nội trên cơ sở đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu.