Hiệu trưởng rót tiền tỷ nuôi 30 sinh viên thành thầy cô tiếng Anh miền núi

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie - quyết định chi 6-12 tỷ đồng nuôi 30 sinh viên ăn học với cam kết các bạn sẽ về Mèo Vạc dạy tiếng Anh sau khi tốt nghiệp.

Việc hỗ trợ đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc, Hà Giang là hoạt động cụ thể hóa dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Ngày 25/11, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang tuyên bố và cam kết hỗ trợ đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, theo hình thức cử tuyển và xã hội hóa.

9 sinh viên đầu tiên của các Trường Đại học Khoa học và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên), Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Học viện Hành chính quốc gia sẽ nhận hỗ trợ từ dự án này. Nhóm sinh viên này sẽ trở về Mèo Vạc dạy tiếng Anh ngay sau khi tốt nghiệp.

Hiệu trưởng rót tiền tỷ nuôi 30 sinh viên thành thầy cô tiếng Anh miền núi - 1

Ông Nguyễn Xuân Khang và đại diện UBND huyện Mèo Vạc ký cam kết thực hiện dự án đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Mức hỗ trợ mà mỗi sinh viên nhận được là 5 triệu đồng/tháng trong 4 năm liên tục bắt đầu từ tháng 12/2023. Tiền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của sinh viên vào ngày cố định trong tháng, không thông qua bước trung gian. 

Tùy vào thực tế giá cả sinh hoạt và thành tích học tập của sinh viên mà mức hỗ trợ có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng. Dự kiến, tổng kinh phí để đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc là khoảng 6-12 tỷ đồng.

Những sinh viên do chính UBND huyện Mèo Vạc lựa chọn vào dự án, đồng thời cam kết tiếp nhận, bố trí công việc đúng chuyên môn, vị trí sau khi tốt nghiệp.

Nói về lý do thực hiện dự án này, ông Nguyễn Xuân Khang chia sẻ về cơ duyên với việc dạy tiếng Anh tại huyện Mèo Vạc.

Theo đó, năm 2021, trường của ông thực hiện trồng hai vạn cây sa mộc tại xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc hưởng ứng đề án quốc gia trồng một tỷ cây xanh. Tiếp đó, trường ông hỗ trợ sách truyện và đồ dùng học tập cho một số trường ở địa bàn huyện.

Hiệu trưởng rót tiền tỷ nuôi 30 sinh viên thành thầy cô tiếng Anh miền núi - 2

Ông Nguyễn Xuân Khang bên cạnh các sinh viên được hỗ trợ trong đợt đầu của dự án (Ảnh: Marie Curie).

Từ những chương trình hỗ trợ này, vị hiệu trưởng được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc Bùi Văn Thư đề nghị hỗ trợ việc dạy tiếng Anh cho 2.600 học sinh lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới do cả huyện chỉ có duy nhất 1 giáo viên tiếng Anh tiểu học.

Một dự án được lập ra và triển khai chỉ trong chưa đầy 3 tuần chuẩn bị. Ông Nguyễn Xuân Khang đã tuyển 22 giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho toàn bộ học sinh lớp 3 ở Mèo Vạc từ năm học 2022-2023. Tới nay, dự án bước sang năm học thứ hai và dự kiến kéo dài hết năm học 2024-2025, khi lứa học sinh này tốt nghiệp tiểu học.

Dự án dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh tiểu học Mèo Vạc có sức lan tỏa lớn. Năm học 2023-2024, huyện Mèo Vạc nhận được sự hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cùng một nhóm thiện nguyện tại TPHCM để dạy tiếng Anh trực tuyến cho lứa học sinh lớp 3 mới.

Nhiều huyện của tỉnh Hà Giang cùng các tỉnh thành vùng cao khác áp dụng mô hình này của Mèo Vạc để giải quyết bài toán dạy tiếng Anh theo chương trình mới.

Tuy nhiên, ông Khang xác định dạy trực tuyến tiếng Anh không phải giải pháp căn cơ, lâu dài.

"Nếu ba năm xong lứa học sinh này, mình có làm gì tiếp cho Mèo Vạc không?

Tôi nghĩ đến việc phải đào tạo người địa phương trở thành giáo viên tiếng Anh để dạy lâu dài. Làm được điều này thì sẽ giải quyết tận gốc vấn đề thiếu giáo viên", thầy Khang nói.

Tại buổi ký kết thực hiện dự án đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc, ông Nguyễn Xuân Khang tâm sự với các sinh viên: "Nếu các con và gia đình đồng ý, thầy Khang xin nhận các con là con của mình. Thầy sẽ cung cấp tiền ăn, ở, học tập cho các con. Sau khi học xong, các con sẽ trở về quê hương giảng dạy. Chúc các con học tốt, xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình, thầy cô và của chính thầy".

Vàng Thị Lía, nữ sinh viên người H'Mông đến từ xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc,  đang học năm thứ nhất ngành ngôn ngữ Anh Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, xúc động chia sẻ:  "Em rất biết ơn dự án này đã tạo điều kiện cho chúng em có cơ hội theo đuổi ước mơ. Đây là nguồn động lực lớn lao giúp em phải quyết tâm học, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại tốt và chắc chắn sẽ trở về làm cô giáo dạy học ở quê hương Mèo Vạc".

Trước khi nhận hỗ trợ từ dự án, Vàng Thị Lía được bố mẹ chu cấp mỗi tháng 500.000 đồng, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Hiệu trưởng rót tiền tỷ nuôi 30 sinh viên thành thầy cô tiếng Anh miền núi - 3

9 sinh viên đầu tiên nhận được hỗ trợ từ dự án (Ảnh: Marie Curie).

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chia sẻ đã theo dõi rất sát chương trình dạy tiếng Anh trực tuyến cho Mèo Vạc và đánh giá rất cao đóng góp vì cộng đồng cũng như sức lan tỏa của dự án. 

Ông Tuấn mong muốn dự án sẽ được nhân rộng đến các trường học khác trên địa bàn Hà Nội để các địa phương còn khó khăn khác trên cả nước nhận được sự chung tay, góp sức từ cộng đồng.