Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo chương trình liên kết quốc tế 2+2

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Năm 2024, Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) dự kiến tuyển sinh 5 chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Các chương trình đào tạo liên kết 2+2 đảm bảo yêu cầu quy định của Bộ GD&ĐT và theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo chương trình liên kết quốc tế 2+2 - 1

Đại học Công nghiệp Hà Nội làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhằm nâng cao hợp tác với các trường đại học và tổ chức hàng đầu của Trung Quốc trong tương lai (Ảnh: HaUI).

Tiết kiệm 30-50% chi phí so với du học toàn phần

Bên cạnh ngành ngôn ngữ Anh 2+2 đã triển khai thành công, năm 2024, Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển sinh 4 chương trình đào tạo liên kết quốc tế gồm quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, ngôn ngữ Trung Quốc và marketing theo mô hình 2+2 đang thu hút sự quan tâm của người học.

Lãnh đạo HaUI cho biết, trong 4 năm đào tạo theo chương trình liên kết 2+2, sinh viên sẽ được học 2 năm tại trường và 2 năm tại trường đại học ở Trung Quốc.

Trong đó, 2 năm học tập tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên sẽ được học các môn kiến thức đại cương, cơ sở ngành và bồi dưỡng năng lực tiếng Trung nhằm xây dựng tiền đề để các em học tốt các môn học chuyên ngành khi chuyển tiếp và hòa nhập với môi trường văn hóa Trung Quốc.

Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên sẽ được cấp song bằng: một do Đại học Công nghiệp Hà Nội cấp và một do đại học Trung Quốc cấp.

Ước tính, sinh viên tham gia chương trình liên kết đào tạo liên kết 2+2 tiết kiệm chi phí từ 30% đến 50% so với sinh viên tự túc đi học toàn phần tại Trung Quốc và có cơ hội nâng cao năng lực giao tiếp ngoại ngữ 2 là tiếng Trung trong môi trường bản ngữ.

Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo chương trình liên kết quốc tế 2+2 - 2

Đại học Công nghiệp Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đại học của Trung Quốc (Ảnh: HaUI).

Đối với chương trình ngôn ngữ Trung Quốc 2+2, nhà trường chỉ tuyển sinh mới đối với đối tượng đã tốt nghiệp THPT. Còn các ngành khác, thí sinh sau khi trúng tuyển ngành chính quy ban đầu, có thể đăng ký 2+2.

Trong quá trình học, nếu sinh viên gặp khó khăn trong hoàn thành chương trình, các em sẽ được hỗ trợ chuyển sang học chương trình của Việt Nam theo ngưỡng trúng tuyển ban đầu.

Đại học Công nghiệp Hà Nội và các đối tác Trung Quốc có nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên. Nhờ chính sách này, sinh viên theo chương trình hợp tác sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, môi trường học tập thuận lợi, giảm chi phí và có nhiều thuận lợi so với sinh viên bản địa.

Chương trình tiên tiến nước ngoài, kỹ năng làm việc quốc tế

Hiện tại, có hai đại học liên kết cùng Đại học Công nghiệp Hà Nội gồm: Đại học Bách khoa Quế Lâm và Đại học Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc).

Đây là hai cơ sở giáo dục đại học nằm trong top các trường đại học có chất lượng giảng dạy uy tín tại Quảng Tây, Trung Quốc, thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học tập nghiên cứu, trong đó có nhiều sinh viên đến từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Trong đó, theo đánh giá của CWUR (thuộc Trung tâm xếp hạng các trường đại học trên thế giới - Center for World University Ranking) năm 2022, Đại học Bách khoa Quế Lâm đứng hạng 230 và nằm trong top 3 trường nổi tiếng của Quảng Tây, Trung Quốc.

Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo chương trình liên kết quốc tế 2+2 - 3

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trang bị phòng học thực hành phiên dịch góp phần tăng cơ hội thực hành kỹ năng phiên dịch cho sinh viên (Ảnh: HaUI).

Theo lãnh đạo Đại học Công nghiệp Hà Nội, thời gian qua nhà trường đã triển khai hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục, các tổ chức, các viện nghiên cứu uy tín từ các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

"Nhà trường có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, trình độ cao được đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng trong nước và quốc tế, đặc biệt có sự tham gia giảng dạy trực tiếp của giảng viên đến từ Trung Quốc", đại diện HaUI cho biết.

Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế cho phép sinh viên được tiếp cận với các chương trình tiên tiến của nước ngoài, sở hữu các kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng, trải nghiệm học tập, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc.

Ngoài học tập, sinh viên sẽ tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện tư duy sáng tạo và phát triển các kỹ năng quan trọng trở thành công dân toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa Đại học Công nghiệp Hà Nội và các cơ sở giáo dục Trung Quốc giúp sinh viên học tập trong môi trường đa văn hóa, phát triển toàn diện về tri thức, kỹ năng và nhân cách, đồng thời đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học cho đội ngũ sinh viên và giảng viên nhà trường; thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế đến Việt Nam.

Ngoài ra, quốc tế hóa giáo dục còn được xem là một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh uy tín, vị thế, chất lượng đào tạo và thứ hạng của Đại học Công nghiệp Hà Nội trên các bảng xếp hạng khu vực và thế giới.