Học bổng du học bằng ngân sách nhà nước:

Chưa chặt chẽ!

(Dân trí) - Sáng nay 17/1, Bộ GD - ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết các đề án đào tạo cán bộ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn (2000 - 2005). Tuy nhiên, việc tuyển sinh vẫn còn chậm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đã nảy sinh nhiều bất cập.

Đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 322/QĐ –TTg ngày 19/4/2000 (gọi tắt là Đề án 322). Ngày 28/4/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc điều chỉnh và gia hạn Đề án 322 đến năm 2014.

 

Chỉ tiêu đào tạo mỗi năm của Đề án 322 là 400 người. Trong đó, 50%  chỉ tiêu dành cho đào tạo tiến sĩ, 25% đào tạo thạc sĩ, 10% đào tạo trình độ đại học, 15% chỉ tiêu của cán bộ đi thực tập khoa học.

 

Vẫn còn nặng về hành chính

 

Tính đến nay, Đề án 322 đã sử dụng 53,43 triệu USD và đã có 2932 lưu học sinh đi học tại 29 nước, trong đó 1581 học sau đại học và 811 học đại học.

 

Số lưu học sinh được tuyển chọn đi học nhiều nhất thuộc các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật chiếm 41,49%, lĩnh vực khoa học tự nhiên14,55%; kinh tế quản lý 14,42%; khoa học xã hội  - nhân văn 12,90%... Trong số lưu học sinh được gửi đi học sau đại học, cán bộ thuộc các trường đại học, cao đẳng chiếm 57,26%, cán bộ các viện nghiên cứu 20,17%, cán bộ cơ quan nhà nước 22,57%. Trong số này đã có 532 lưu học sinh tốt nghiệp và về nước công tác.

 

Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động dự án này đã nảy sinh nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH QG TP. HCM cho biết: “ Bộ đưa ra kế hoạch tuyển sinh còn chậm, chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc thu học phí, thủ tục làm hồ sơ còn phức tạp, mất nhiều thời gian, các đề án gửi lên Bộ thì giải quyết quá lâu, có hồ sơ chúng tôi gửi từ tháng 8/2005 mà đến nay chưa được giải quyết. Hơn nữa, các trường ít các thông tin về các lưu học sinh của trường khi ra nước ngoài học để bố trí công việc sau này”.

 

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ cho hay: “Nhiều lưu học sinh khi ra nước ngoài học khi tốt nghiệp được chuyển tiếp lên thì không được cấp ngân sách học nữa, đành phải về nước, những trường hợp này rất tiếc. Bộ GD - ĐT nên xem xét”.

 

Về vấn đề này, Tiến sĩ Trương Duy Phúc, trưởng ban điều hành dự án thừa nhận rằng:  “Việc tuyển chọn và xem xét hồ sơ thực hiện chậm, kéo dài do sự phối hợp của các Vụ (thuộc Bộ GD- ĐT) chưa tốt. Một số Hội đồng tuyển sinh đánh giá kết quả nghiên cúu chưa chặt chẽ, cho điểm quá cao, khó phân biệt thí sinh giỏi và không giỏi. Ngân sách phê duyệt chưa tương xứng với với số lượng lưu học sinh học tập ở nước ngoài. Việc quản lý lưu học học sinh chưa được chặt chẽ, chủ yếu là qua các Đại sứ quán”.

 

Nên đào tạo theo địa chỉ

 

Kế hoạch tuyển sinh của Đề án 322 năm 2006 với các ngành nghề Công nghệ thông tin, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Vật liệu. Các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội mà trong nước chưa có điều kiện đào tạo hoặc có đào tạo nhưng chất lượng chưa cao.

 

Ông Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị: “ Trong tuyển sinh năm 2006, Bộ nên giao quyền chủ động cho các trường như tuyển sinh, ra đề thi, kinh phí. Bên cạnh đó, các trường sẽ có kế hoạch tuyển sinh theo những ngành nghề đang cần như kiến trúc, xây dựng”.

Cũng theo kế hoạch của Bộ thì sẽ quản lý, theo dõi đào tạo công tác lưu học sinh chặt chẽ hơn. Chống hiện tượng “chảy máu chất xám” đối với lưu học sinh đã được Nhà nước dùng kinh phí từ ngân sách để đào tạo.

 

Ông Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ - ĐH QG Hà Nội đưa ra kiến nghị: “Tránh tình trạng  chảy máu chất xám nên đào tạo một nửa thời gian trong nước và nửa thời gian nước ngoài như vậy các trường dễ quản lý học sinh và có lợi cho người đi học khi quay trở lại công tác. Nhiều lĩnh vực đào tạo ở nước ngoài  khi lưu học sinh đi học về không còn phù hợp nữa. Nên đào tạo theo địa chỉ, do vậy phải giao quyền chủ động cho các trường”.

 

Trước những ý kiến trên, thứ trưởng Bộ GD- ĐT Trần Văn Nhung cho biết: Với phương thức đào tạo phối hợp một phần trong nước và còn  lại là nước ngoài hoặc sử dụng 100% chương trình đào tạo tiên tiến thì các giảng viên Việt Nam phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu nước ngoài.

 

Hiện nay, Bộ GD- ĐT phê duyệt 15 Đề án phối hợp đào tạo tiến sĩ, đã tuyển được 137 nghiên cứu sinh; cho phép 3 đề án phối hợp đào tạo đại học tuyển được 83 sinh viên; phê duyệt 5 đề án đào tạo thạc sĩ nhưng bước đầu mới tuyển được 9 học viên.

 

Năm 2006, Bộ sẽ nâng cao yêu cầu và chất lượng tuyển sinh đối với tất cả phương thức đào tạo toàn thời gian khoá học ở nước ngoài và phương thức phối hợp đào tạo, đồng thời có biện pháp hỗ trợ cho các thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khó khăn. Dành nhiều chỉ tiêu cho các đối tượng và ngành nghề ưu tiên, thuộc các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật mũi nhọn.

 

Cải tiến quản lý và phục vụ lưu học sinh, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong các công tác quản lý để tiện lợi tránh phiền hà cho lưu học sinh. Tập trung cử lưu học sinh đi học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài có chất lượng cao nhưng phù hợp với điều kiện tài chính Việt Nam. Nâng cao chất lượng đào tạo tại Việt Nam của các chương trình phối hợp.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh