Vở kịch lịch sử Tả Quân Lê Văn Duyệt:

Quyền Linh - Kim Chi cùng “thăng hoa”

(Dân trí) - “Cặp đôi đẹp trên sân khấu” Quyền Linh và Trịnh Kim Chi thủ vai chính trong vở kịch lịch sử Tả Quân Lê Văn Duyệt. Nét cương trực của Quyền Linh đã “chan” vào nhân vật Lê Văn Duyệt, hòa nhịp cùng nét đẹp của Trịnh Kim Chi vai phu nhân của Tả quân.

Trong những ngày này, dù là buổi sáng, nhưng tại rạp Công Nhân (TPHCM) luôn tấp nập, với sự có mặt của hơn 100 diễn viên, đang làm việc hết tần suất, ráo riết “chuốt” lại cho hoàn hảo nhất vở diễn hoành tráng, với kinh phí lớn mang tên Tả quân Lê Văn Duyệt.

 

Dù chỉ là những buổi tập, chưa là buổi công diễn chính thức, nhưng nếu đã được mục sở thị, thì  không thể không cảm nhận được mức độ hoành tráng của vở kịch mang tính lịch sử này.

 

Từng lớp diễn trôi qua, người xem có cảm giác như đang lần giở từng trang lịch sử của đất nước trong giai đoạn khai phá, hình thành Sài Gòn - Gia Định xưa.

 

Trên nền nhạc du dương, ánh sáng huyền ảo, “trang”  đầu của “cuốn sách lịch sử” đã bắt đầu được lần giở: Gần 50 diễn viên múa trong trang phục vải nâu, tay bưng bát hương trầm nghi ngút khói, nghiêm trang trước tượng Tả Quân Lê Văn Duyệt đang ngồi sừng sững có chút ngạo mạn, có chút suy tư... Dù không có lời, nhưng những vũ điệu cũng toát lên được ý mà ai cũng hiểu: Là lời tạ ơn, vinh danh công lao to lớn dành cho bậc tiền bối của hậu thế. Thông thường, màn vinh danh sẽ được sắp xếp khi kết thúc chương trình, nhưng ở vở Tả quân Lê văn Duyệt đã được “phá cách”, làm ngược lại.

 

Quyền Linh - Kim Chi cùng “thăng hoa”  - 1
Hai màu chủ đạo “đỏ - đen” trong trang phục của gần 100 nhân vật, tượng trưng cho hai tuyến thiện và ác, rất rạch ròi.  

 

Từng lớp diễn cứ trôi chầm chậm. Người xem có lúc thấy nghẹt thở trước những toan tính, gian ngoa của “phe áo đen”. Lại có lúc chết lặng, lo lắng trước những trăn trở cho vận mệnh đất nước của “phe áo đỏ”. NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn của vở kịch này, đã cố tình nhấn mạnh hai màu chủ đạo “đỏ - đen” trong trang phục của gần 100 nhân vật, tượng trưng cho hai tuyến thiện và ác, rất rạch ròi. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng chính là người “đo ni, đóng giày” cho trang phục của hơn 100 nhân vật. Đây là một vở kịch được đầu tư rất kỹ cho phần trang phục, với kinh phí bỏ ra gần 200 triệu. Trang phục đẹp và không “lỗi mốt”, sát với lịch sử giai đoạn đó.

 

Hai diễn viên được xem là “cặp đôi đẹp trên sân khấu” Quyền Linh và Trịnh Kim Chi thủ vai chính. Nét cương trực, chân chất kiểu miền Tây sông nước của Quyền Linh đã “chan” vào nhân vật Lê Văn Duyệt, hòa nhịp cùng nét đẹp đài cát, phúc hậu của một Á hậu Trịnh Kim Chi ngày nào - vai Đỗ Thị Phận, phu nhân của Tả quân.

 

Một Quyền Linh đầy cá tính, đài từ sang sảng, động tác dứt khoát, đã có khoảnh khắc “sống” trọn vẹn cùng những thăng trầm của vị đại thần triều Nguyễn. Một Trịnh Kim Chi nhu mì, nhỏ nhẹ đã để bà Phận “nhập hồn” vào, có lúc khắc khoải, có lúc như muốn lồng lên trước vận mệnh đất nước, sự nghiệp của chồng. Cao trào nhất và gây xúc động của “đẹp đôi” này là lớp Tả Quân Lê Văn Duyệt bị hành hình. Những giọt nước mắt đau đớn giấu vào trong của bà Phận - hừng hực hào khí, hiên ngang trước cái chết của Tả Quân… đã làm cho vở kịch thăng hoa đến đỉnh điểm.

 

Quyền Linh - Kim Chi cùng “thăng hoa”  - 2
Cảnh diễn trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt  
 

Vở kịch thành công không thể không nhắc đến những vai diễn cá tính khác: vua Minh Mạng ( NSND Thế Anh), Huỳnh Công Lý (Bảo Trí), Tướng cướp Chín Đước (Hoàng Duẫn), Bạch Xuân Nguyên (Anh Tuấn), Huệ phi (Thúy Hà)… Nói về cảm xúc của mình, NSND Thế Anh cười vui cho biết: “Tôi rất thích vai Minh Mạng, một vai diễn đầy cá tính, vừa kiêu ngạo, vừa toan tính mưu mô, nhưng lại có lúc hèn nhát… Lâu lắm rồi, tôi mới nhận được một vai như thế này.”

 

Trao đổi với ông Khánh Hoàng, giám đốc nhà hát kịch TPHCM, đơn vị thực hiện vở Tả quân Lê Văn Duyệt về chuyên môn và lịch diễn của vở kịch hoành tráng này, ông Hoàng cho biết: “Lúc đầu chúng tôi dự tính sẽ ra mắt vở vào dịp lễ quốc khánh 2/9, nhưng không kịp. Có lẽ sẽ bắt đầu công diễn vào những ngày cuối tháng 9 này tại nhà hát Hòa Bình. Vở kịch này, nhà hát chúng tôi thực hiện để kỷ niệm 310 năm thành lập Sài Gòn Gia Định, cũng là kỷ niệm 50 năm thành lập nhà hát kịch thành phố…”.

 

Lê Ngọc Dương Cầm