Phim truyền hình: Người xem cần... đổi món!

Cùng với sự ra đời của các kênh phim mới là sự xuất hiện hàng loạt công ty chuyên cung cấp phim cho các đài truyền hình. Thời gian qua sự hợp tác này đã liên tiếp phục vụ khán giả nhiều bộ phim ăn khách. Thế nhưng người xem Việt Nam đang phải xem mãi các phim Hàn Quốc, Trung Quốc...

Rằng hay thì có hay...

 

Các đài truyền hình cáp đã vào cuộc săn phim hay như HTVC đã mua bản quyền và cho phát sóng phiên bản mới của bộ phim Trung Quốc Thần điêu đại hiệp (phát sóng ở Trung Quốc tháng 3/2006). Từ đầu tháng 9 khi kênh VTV3 tăng thời lượng phát sóng 24/24g, một kênh phim mới lúc 24g lại ra đời.

 

Như vậy nếu chỉ tính các kênh của HTV và VTV, có đến khoảng mười mấy kênh phim truyện nước ngoài trong một ngày. Cơn sốt phim hay chiếu trên truyền hình hứa hẹn kéo dài khi ngay từ bây giờ lịch phim lên sóng đã dày đặc đến hết năm 2006!

 

Trong cơn no nê vì xem phim, công chúng trước màn ảnh nhỏ bắt đầu cảm thấy khó chịu khi nhận ra hầu hết phim truyền hình hiện nay đều quanh đi quẩn lại toàn phim kiếm hiệp Trung Quốc, tình cảm Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc... Thi thoảng mới xuất hiện vài phim Pháp, Ý, Đức...

 

Một công ty nhập phim đối tác của các nhà đài than thở: “Chúng tôi biết tình trạng này, bản thân nhà đài cũng đề nghị nên xen vào các loại phim khác nhưng xem ra hiện tại rất khó. Lựa chọn những bộ phim châu Âu phù hợp với văn hóa của người Việt là cả một vấn đề nan giải, đội ngũ biên dịch lại quá ít.

 

Một điều liên quan đến chuyện... quảng cáo là hầu hết sản phẩm quảng cáo trên truyền hình là những mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, nên họ thường chọn những phim mấy bà, mấy cô xem nhiều để quảng cáo. Mà đối tượng xem phim này lại rất thích phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Vì thế tiêu chí lựa phim của chúng tôi hiện tại buộc phải phù hợp nhu cầu của đại đa số người xem lẫn các sản phẩm quảng cáo!”.

 

Đổi khẩu vị

 

Chị Bích Trâm, nhà ở quận Tân Bình (TPHCM), nêu ý kiến: “Theo tôi, xem phim truyền hình không chỉ để giải trí mà còn giúp người xem hiểu thêm về một nền văn hóa và học hỏi những giá trị tinh thần mà bộ phim mang lại. Vừa qua tôi xem được bộ phim Lý Vệ từ quan - một bộ phim cổ trang Trung Quốc nói về đề tài chống tham nhũng rất hấp dẫn và ý nghĩa.

 

Phim Hàn Quốc thường mang tính giáo dục về gia đình rất cao... Nhưng nhà đài cần chú ý tính đa dạng nguồn phim. Khán giả VN lâu nay vẫn còn ít được thưởng thức phim của các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan.... Chúng tôi cũng muốn được xem lại những bộ phim kinh điển của các nước dù đã cũ nhưng vẫn rất hay và mang giá trị giáo dục, nhân văn phi thời gian như Nô tì Isaura, Tất cả những dòng sông đều chảy...”.

 

Tới đây muốn đổi khẩu vị, khán giả truyền hình có thể xem Gia tộc bão tố - một bộ phim của Nhật Bản được xây dựng trên những mâu thuẫn xung đột trong gia đình, mối bất hòa giữa mẹ kế và những con riêng của người chồng quá cố để từ đó khắc họa chân dung xã hội Nhật Bản, nơi khuynh hướng hiện đại đan xen với truyền thống, sự đổi mới đi đôi với việc bảo tồn những khuôn mẫu xa xưa. 

 

Bộ phim Hậu cung đại hán sẽ đáp ứng những khán giả yêu thích  loạt phim cổ trang khi mô tả ly kỳ những cuộc giằng xé giữa các cung tần mỹ nữ thời Hán Vũ đế... Còn dân ghiền phim Hàn Quốc có thể đón dòng phim mới chuyên về khai thác tâm lý tình cảm tuổi teen khi xem Điệu nhảy dành cho em - một bộ phim tình cảm có sự tham gia của Eugene, cựu thành viên xinh đẹp nhóm nhạc S.E.S.

 

Theo Hoàng Lê

Tuổi Trẻ