Đạo diễn Kim Ki Duk với:

Những phản đề của tình yêu

Sinh năm 1960, mười bảy tuổi đã ra đời làm thợ, hai mươi tuổi vào phục vụ quân đội mất năm năm, lại thêm hai năm ở nhà thờ với ý định trở thành nhà truyền giáo. Ba mươi tuổi, Kim vét túi mua vé sang Paris, với hai năm sống bằng nghề vẽ và bán tranh trên đường phố, lang thang sang nước Đức.

Để sau đó trở về Hàn Quốc, Kim làm phim đầu tiên Crocodile, năm 36 tuổi. Từ đó, những phim của Kim luôn tạo ra những dư luận trên các diễn đàn điện ảnh châu Á và thế giới...

                                                         

1. Một khán giả bất kỳ nào cũng dễ dàng nhận ra chất bạo liệt đậm đặc trong tất cả phim của Kim Ki Duk đều hàm chứa chất nhân văn sâu sắc, chúng luôn khiến cho người xem choáng váng bởi những ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ và sau đó là một câu hỏi đầy dằn vặt, dai dẳng: Tại sao?

 

Tại sao tình yêu của chàng thanh niên - kẻ sát nhân trốn chạy và cô lái đò trong The Isle (năm 2000) lại kết thúc như thế? Lẽ nào không còn con đường nào khác cho họ? Tại sao mẹ con anh thanh niên lai Mỹ trong Address Unknown (2001) lại rơi vào tình cảnh bi đát đến thế? Nếu lá thư trả lời kia đến sớm hơn một tí...

 

Tại sao cô gái trong Bad Guy (2002) lại phải tiếp tục cuộc sống bán thân? Tình yêu của gã ma cô chẳng lẽ không mang đến chút đổi thay nào cho cuộc sống của cả hai? Tại sao cô học sinh thứ nhất trong Samaritan Girl (2004) luôn mỉm cười trước tất cả những hành động không thể lý giải của mình, kể cả khi gieo mình qua cửa sổ? Thế hệ trẻ đang cất giấu điều gì trong đầu và trong trái tim họ? Tại sao chàng thanh niên trong 3 - Iron (2004) lại có một sở thích kỳ lạ dẫn đến một chuỗi những hệ quả không thể tránh được như thế? Lẽ nào chỉ có cái chết mới cho anh và  cô gái của anh được ở bên nhau?...

 

7 trong 12 phim của Kim Ki Duk đã đoạt giải cao trong những liên hoan phim quốc tế (LHP QT) danh tiếng. The Isle giải NETPAC LHP Venice 2000, giải Vàng LHP Viễn tưởng QT Brussels 2001; Address Unknown giải Amakourou tại LHP QT Cinema Novo - Belgium 2002; Bad Guy Giải thưởng Lớn tại LHP Fukuoka Asian 2002; Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring... đoạt 4 giải LHP QT Locarno - Switzeland 2003, giải LHP QT San Sebastian - Spain 2003; Samaritan Girl: giải Gấu vàng LHP QT Berlin 2004; 3 - Iron: giải Sư tử vàng LHP QT Venice 2004, giải Vàng LHP QT Valladoid - Spain 2004...

2. Bạo  lực. Máu. Rất nhiều máu. Bao giờ cũng có người chết. Chết dữ. Ngay cả nhân vật chính. Sử dụng tối đa hiệu ứng kỹ thuật của điện ảnh, tận dụng tối đa ngôn ngữ hình ảnh, Kim Ki Duk luôn chủ động, đẩy đến cùng sự việc, không cho nhân vật làm sai ý mình, cũng chính là không cho khán giả nhận ra đường biên của thực tế và phim ảnh, nhấn chìm họ vào tâm trạng đầy bức bối nghẹt thở của nhân vật.

 

Tình dục, như một yếu tố không thể thiếu. Và cả tâm linh. Những góc khuất nhất. Phần chìm trong tối, như một đánh đố. Con người, như một đối tượng, như một thế giới luôn cần khám phá. Cái nhìn của đạo diễn luôn vượt ra ngoài khuôn khổ chuyện phim. Có phải con người có khả năng làm tất cả? Đâu là giới hạn? Và con người sẽ đi đến đâu, đi về đâu? Cái chết, đó là điểm gặp cuối cùng và tất yếu. Cái chết luôn có mặt như một nhân vật chủ chốt. Nhưng chính cái chết lại mở ra một hướng khác, cho khán giả chứ không phải cho nhân vật. Kim Ki Duk chứng tỏ một bản lĩnh triết học cao cường và một tâm hồn cực kỳ Á Đông khi lồng vào các  chuyện phim bình thường những triết lý và tín ngưỡng phương Đông rất phổ biến. Cái chết mạnh hơn con người hay con người mạnh hơn cái chết? Cái chết là sự chấm dứt hay là sự tiếp tục?

 

Kim Ki Duk nói về tình yêu, ở một góc rất riêng: những phản đề sinh ra từ tình yêu. Tình yêu giữa những cá thể đơn độc (The Isle). Tình yêu giữa mẹ và con (Address Unknown). Tình yêu như một định mệnh (Bad Guy). Tình yêu giữa cha và con (Samaritan Girl), Tình yêu như sự tình cờ (3- Iron). Tình yêu đem tới bi kịch. Bế tắc trong tình yêu thương của mình, con người bị đẩy đến phía tội lỗi.

 

3. Có một bộ phim mà trong đó tình yêu không đặt ra câu hỏi. Bản thân tình yêu đã là sự khai sáng, sự trả lời: tình yêu của thầy dành cho trò, của nhà sư dành cho chú tiểu trong Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (2004). Bối cảnh đầy chất trầm mặc của ngôi chùa nằm giữa hồ, ngăn cắt hẳn với thế gian. Có vẻ như những nhà tu sẽ được hoàn toàn giải thoát khỏi phiền toái của cuộc đời. Thế nhưng, cái Ác ẩn bên trong con người. Dục vọng cũng có sẵn bên trong con người. Dù con người cố lẩn tránh nghiệp chướng nhưng nghiệp chướng vẫn cứ tìm đến. Cái ác phát ra một cách hồn nhiên còn dục vọng thì không thể cưỡng lại.

 

Vì thế mà nhân vật Mùa Xuân đã phạm tội sát sinh, và nhân vật Mùa Hè phạm giới tà dâm. Nhà sư nhìn thấy tất cả nhưng không thể cứu độ đệ tử. Chú tiểu phải tự mình nghiệm sinh, tự mình phạm tội, và tự mình giác ngộ. Vòng luân hồi nhân quả cứ thế tiếp tục trong cuộc nhân sinh vô biên vô lượng của con người. Triết học Phật giáo đã được Kim Ki Duk trình bày một cách gần như hoàn hảo.

 

Dư luận về đạo diễn Kim Ki Duk tràn đầy trên các trang web điện ảnh, như một đạo diễn châu Á với một phong cách độc đáo, lạ thường, với những nỗi đau bên trong nhân vật, trong lòng một xã hội đương thời đầy những vết thương.

 

 

Theo Ngô Thị Kim Cúc

Thanh Niên