K-pop - Mạnh và yếu

Những bộ sưu tập album đầy hình ảnh, các tin tức; người hâm mộ trao đổi mail và những vật kỷ niệm của họ, thuộc mọi ca từ ca khúc... Điều này chẳng còn là mới mẻ với những fan tuổi teen Trung Quốc để thể hiện lòng ngưỡng mộ tới cuồng nhiệt với các ngôi sao đến từ Hàn Quốc.

Không chỉ có ở Trung Quốc, mà hầu hết châu Á, các bạn trẻ tuổi teen hay chớm đôi mươi đều ''mê tít'' với nhạc pop và cả ca sĩ Hàn Quốc, dường như, sự cuốn hút này chưa hề có dấu hiệu chững lại.

Giới trẻ châu Á bắt đầu đến với pop Hàn Quốc vào năm 1998 khi bộ đôi nam ca sĩ dance người Hàn Clon phát hành album chất đầy tham vọng tại Đài Loan. Clon đã gặt hái thành công lớn ở thị trường này với những nhịp đập của trái tim và các điệu nhảy mạnh mẽ, hấp dẫn. Âm nhạc của họ thật tươi mới với giới trẻ Đài Loan - những người trước nay vốn quen với slow ballad và các giọng ca du dương.

Vì Clon đã khám phá ra được tiềm năng ở thị trường châu Á, nên đã mở đường cho những ca sĩ Hàn Quốc chinh phục Trung Quốc, Nhật Bản, và nhiều nước khác. Các boy band như H.O.T, girl band như S.E.S và Baby Vox, đều tổ chức nhiều buổi hoà nhạc tại Trung Quốc, và luôn luôn dành được sự đón nhận nồng nhiệt của người hâm mộ tại sân bay, khách sạn khi họ kết thúc buổi trình diễn.

Tại Nhật Bản, thần tượng nhạc pop 18 tuổi BoA đã trở thành một trong những ngôi sao pop lớn nhất châu Á. Album bằng tiếng Nhật đầu tay của cô đứng đầu bảng xếp hạng Oricon năm 2002, tiêu thụ hơn 1,3 triệu bản. Đột phá đầy ngoạn mục của BoA trong ngành công nghiệp pop Nhật Bản (bao gồm cả âm nhạc và quảng cáo) là động lực thăng tiên cho các ngôi sao hậu BoA.

Khi gần đây, boy band Shinhwa thực hiện chương trình mini ở Nhật Bản để quảng cáo cho album live mới "Shinhwa 2005 Japan Tour Document" tại Tokyo, đã có khoảng 600 người hâm mộ Nhật tham dự dù chỉ có ba thành viên trong nhóm sáu người có mặt.

Nam ca sĩ Rain, một tài năng sinh ra cho ca hát và đóng phim cũng là một ngôi sao lớn. Được mệnh danh là "Justin Timberlake của Hàn Quốc", Rain đã nhận được giải thưởng Nam ca sĩ xuất sắc MTV châu Á 2005 đầu năm nay. Tháng 5, anh được mời tới chương trình trao giải MTV Nhật Bản ở cương vị nghệ sĩ biểu diễn, cùng với những siêu sao quốc tế như Mariah Carey. Anh là ca sĩ châu Á duy nhất không phải là người Nhật Bản biểu diễn trong sự kiện này. Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã thông báo tình trạng ''cháy vé'' đặt trước cho tour diễn của Rain tại Tokyo hồi tháng 6.

Những ca sĩ Hàn Quốc đang được xem là đạt kỷ nguyên vàng tại châu Á, chính họ đã mở đường cho sự phổ biến của phim và kịch truyền hình Hàn Quốc khi có rất nhiều ngôi sao pop tham gia đóng phim kiểu như Rain hay Jang Na-ra.

Bây giờ, khi làn sóng Hàn Quốc bắt đầu thì Kpop đã bước sang giai đoạn hai, vào thời điểm các đại gia trong ngành giải trí châu Á đã hướng tới Seou, dùng kỹ năng quản lý khiến cho Kpop trở nên quen thuộc hơn tại những quốc gia khác.

Hạn chế đối với các ca sĩ Hàn Quốc khi bước sang giai đoạn hai của quá trình phát triển là yêu cầu chuyên môn cao, trong đó có cả việc học ngôn ngữ. Địa vị của BoA đã không thể được như bây giờ nếu như SM Entertainment không đầu tư để cô học tiếng Nhật Bản.

Mặc dù rất thịnh hành tại châu Á, nhưng pop Hàn Quốc vẫn mang mặt trái của nó.

Một số nhà phê bình cho rằng, những công ty giải trí Hàn Quốc mong muốn các ca sĩ pop của mình trở thành cỗ máy nhảy múa và quảng cáo nhiều hơn nữa. Trên một site người hâm mộ, thậm chí đã có lời châm biếm thế này: "Có nhiều nhóm nhạc thiếu tài năng ca hát, những thế hệ đứng tuổi hơn một chút không biết họ là ai, vì thế, họ không thể được xem là một phần của làn sóng Hàn Quốc''.

Trong khi một số người còn đang mải tranh cãi về việc các ngôi sao pop Hàn có nên được xem là đại diện cho nghệ sĩ Hàn Quốc hay không, thì dường như ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc lại mải chú ý tới vấn đề làm sao ngăn chặn được nạn sao chép bất hợp pháp trong âm nhạc. Theo Lee Soo-man, nhà sáng lập kiêm nhà sản xuất của SM Entertainment, sao chép lậu nhạc pop đã nhấn chìm 1/4 tốc độ phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc. "Mặc dù có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, nhưng họ không thể sản xuất ra nhiều nội dung chất lượng tốt vì họ không thể đầu tư quá nhiều tiền trong album. Sao chép lậu đang phá hỏng ngành công nghiệp âm nhạc''.

Đương nhiên, nghệ sĩ và những công ty giải trí Hàn Quốc cũng cần để mắt tới sự đa dạng văn hoá ở các nước châu Á khác.

Bak Beom-hoon, công tác tại trường Đại học Chung-Ang, Hàn Quốc trong một bài phát biểu gần đây khẳng định, cần tránh khỏi sự ''xâm nhập'' đơn phương của văn hoá Hàn Quốc, hợp tác và trao đổi văn hoá mới là điều cần thiết. "Các nước châu Á thực sự có thể trao đổi văn hoá của mình thông qua làn sóng Hàn Quốc. Làn sóng ấy sẽ trợ giúp cho việc nhận diện và chia sẻ văn hoá cộng đồng trong khu vực''.

Jang Na-ra, người vừa dành giải Ca sĩ được yêu mến nhất tại Trung Quốc hồi tháng 6 cũng cho rằng, cần có nhiều hoạt động văn hoá, biểu diễn hơn nữa giữa các nước châu Á, giống như kiểu tổ chức Liên hoan ca khúc châu Á - chào mừng hội nghị thượng đỉnh APEC tại Busan chẳng hạn.

Hiện tại thì, vai trò của K-pop trong việc thúc đẩy làn sóng Hàn Quốc đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

 Theo Vietnamnet