Hồng Đào - Quang Minh: Không đâu bằng quê mình

Sống trên đất khách, thiếu kịch bản, thiếu vai phụ, thiếu đạo diễn và thiếu nhiều thứ khác nhưng họ đã làm tất cả để thành công từ chính những cái "thiếu" đó. Sau 12 năm xa cách, Hồng Đào - Quang Minh lại trở về sóng đôi trên sân khấu hài trong nước.

Vẫn mau mắn, giòn giã như trong... các tiểu phẩm hài, Hồng Đào "giành" trả lời hầu hết các câu hỏi của chúng tôi.

 

Rời Việt Nam. Chị đã phải thay đổi nhiều thứ trong cuộc sống nhưng trên sân khấu thì sao?

 

Hồng Đào qua Mỹ năm 1994, chỉ sau một tuần thì đã có dịp đứng trên sân khấu, và diễn luôn từ đó đến giờ. Quả là có sự thay đổi về đời sống, tuy nhiên về hoạt động sân khấu thì may mắn là không có sự gián đoạn hay trở ngại nào.

 

Và anh chị đã đi "luôn một lèo" đến nay thuận buồm xuôi gió?

 

Đây là sự thuận lợi vì anh Quang Minh là một bạn diễn rất ăn ý. Cả hai cùng học trường sân khấu, quen biết nhau và từng diễn chung ở Sài Gòn trước đây. Từ lúc tôi đặt chân lên đất Mỹ, chúng tôi đã diễn chung với nhau, bây giờ về sau cũng vậy. Chỉ có một thời gian ngắn do sinh con nên ngưng diễn, còn lại thì coi như đi "suốt".

 

Như vậy anh Quang Minh đã đi trước và chờ chị? Chị có thể kể cho độc giả nghe về "chuyện tình" Hồng Đào - Quang Minh?

 

Thật ra thì chuyện của Hồng Đào - Quang Minh "không có gì mà ầm ĩ" cả. Hai đứa quen nhau từ lâu, hiểu nhau do hoàn cảnh nên kẻ trước người sau lần lượt xuất cảnh. Hẳn nhiên là nếu Quang Minh không "chờ" thì giờ này đã khác rồi. Hồng Đào qua tới Mỹ gặp lại Quang Minh, diễn chung và... đám cưới như kết cục của bao nhiêu câu chuyện tình khác vậy thôi.

 

Hiện giờ, Hồng Đào - Quang Minh sống ở đâu trên đất Mỹ?

 

Quang Minh thì định cư từ năm 1990 tại Nam California, Hồng Đào khi mới sang Mỹ cũng ở Cali nhưng trên phía Bắc, sau này thì dọn về ở hẳn tại Nam Cali vì đó là trung tâm của đất diễn và cũng vì lý do "chính đáng" khác là phải theo chồng.

 

Câu chuyện dài của hai người cho đến bây giờ đã cho kết quả "cụ thể" thế nào? Có người nối nghiệp chưa? Nếu cả hai vợ chồng đi diễn xa, ai là người chăm sóc lo lắng cho con?

 

Chúng tôi đã có hai cháu gái, 2 tuổi và 6 tuổi. Cả hai rất ngoan và rành tiếng Việt. Tiếng Việt không thể nào tách rời người Việt, bản thân chúng tôi lại là diễn viên kịch nên luôn chú ý đến sự rèn luyện và trau dồi tiếng Việt cho các con.

 

Phần lớn công lao là nhờ vào bà ngoại của các cháu. Cháu nhỏ rất mê diễn kịch và tỏ ra có năng khiếu. Không thể áp đặt, nhưng nếu sau này cháu thích thì tự nhiên sẽ đi vào con đường của cha mẹ dễ dàng hơn.

 

Trở lại với chuyện sân khấu, hai người có chia trách nhiệm rõ ràng trong công việc không? Ai là người viết kịch bản, ai đạo diễn và khi "bất đồng chính kiến" thì ai là người quyết định?

 

Kịch bản luôn là một chuyện phải nghĩ tới. Dù là hài kịch, bi kịch hay chính kịch thì nội dung phải có "hồn" và phải "nhắm" vào khán giả. Phải biết mình đang diễn cho lớp khán giả nào.

 

Ở Mỹ, dù người Việt có mặt khắp 52 tiểu bang nhưng có "đốt đuốc" tìm đạo diễn, diễn viên cũng không dễ. Cũng chính vì "hụt" nên thường thì chúng tôi  phải vừa là kịch tác gia, đạo diễn và kiêm luôn diễn viên. May mắn là cả hai vợ chồng cũng tâm đầu ý hợp. Mà có bất đồng chính kiến đi nữa thì ổng cũng phải nhượng bộ thôi.

 

"Nổi như cồn" với hài, vậy hài kịch có phải là cái "đích" của anh chị?

 

Nói hài kịch là cái "đích" thì chưa đúng nhưng thật sự nếu không diễn hài thì cũng khó có đất sống. Dựng chính kịch trên đất Mỹ là vấn đề rất đau đầu, đã nói là "thiếu" mọi thứ mà.

 

Đời sống ở Mỹ có một cái thiếu nữa mà ai cũng gặp phải, đó là thời gian, nên thị hiếu khán giả thường hướng đến những kịch bản ngắn và vui. Họ cần sự nhẹ nhàng, thoải mái, vui nhộn sau những ngày làm việc căng thẳng trong tuần.

 

Anh chị thấy sân khấu và lớp diễn viên trẻ trong nước bây giờ thế nào?

 

Nhiều năm mới về nước, Hồng Đào - Quang Minh thấy đất nước mình đang có nhiều chuyển biến, trong đó có cả các hoạt động của sân khấu, nhiều kịch hay cũng như nhiều tài năng trẻ. Lớp trẻ bây giờ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hồi đó. Các diễn viên cùng lứa với Hồng Đào ngày trước như Thành Lộc, Hồng Vân... bây giờ đã quá vững vàng để thực hiện tâm huyết của mình, dẫn dắt cho các diễn viên đàn em.

 

Tuy nhiên về sau này, sự qua lại biểu diễn hai nơi của nhiều anh chị em nghệ sĩ trong và ngoài nước ngày càng nhiều, có lẽ có nhiều cơ hội hơn. Rất mong mỏi nền kịch nghệ của Việt Nam mình sẽ có những thành công lớn hơn nữa theo đà phát triển chung. Chúng tôi cũng muốn có nhiều dịp hơn để diễn tại quê hương.

 

Cảm giác thế nào khi đứng trên sân khấu quê nhà sau nhiều năm xa cách?

 

Người nghệ sĩ đứng trên sân khấu luôn ý thức rằng tình cảm của khán giả là phần thưởng quý báu nhất. Thấy mọi người còn nhớ đến mình, còn tay bắt mặt mừng chúng tôi thật sự hạnh phúc, cảm giác diễn như những ngày còn chưa ra đi. Không ở đâu bằng ở quê mình.

 

Chúc anh chị tiếp tục thành công và "về nhà" thường xuyên hơn để khán giả trong nước có dịp thưởng thức!

 

 Theo Vũ Đình

Thế Giới Nghệ Sĩ