Đem hơi thở đại ngàn về cố đô

(Dân trí) - Sau Nhã nhạc Cung đình Huế thì “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” là kiệt tác phi vật thể thứ hai của Việt Nam được thế giới công nhận. Tối 4/6, tại khu giải trí hồ Thuỷ Tiên, với những gì trình diễn, người Tây Nguyên đã đem cả đại ngàn về với cố đô.

Buổi chiều muộn, những cây nêu và mái nhà dài ánh lên trong ráng đỏ của những đám mây, giữa rừng thông bạt ngàn, khiến cho ai đứng trong khung cảnh ấy cũng đều mang cảm giác rằng mình đang ở giữa núi rừng Tây Nguyên. 

 

Vua săn voi AmaKông rất thận trọng khi tiếp xúc với các phóng viên. Ông cho rằng phải có ý kiến của Ban tổ chức thì ông mới có thể trả lời những câu hỏi của giới báo. Hoàn toàn ngược lại với vua săn voi, già làng AmaTe có mái đầu bạc trắng và nước da đỏ au lại tỏ ra rất hồ hởi nói rằng mình rất phấn khích khi tham gia lễ hội lần này.

 

Đem hơi thở đại ngàn về cố đô - 1

    Già làng làm thủ tục trong lễ cầu lửa.

 

Cồng chiêng bắt đầu nổi lên trong khi mặt trời vẫn khuất lấp đâu đó đằng sau những dãy núi. Những tia nắng cuối cùng trong ngày vẫn xiên tới đám lễ - một khoảng đất trống giữa quả đồi, khiến cho khung cảnh càng tăng phần liêu trai. Anh Yrông - một thành viên trong đoàn cồng chiêng giải thích rằng, trước hết phải làm lễ cúng thổ địa.

 

Tiếng cồng chiêng vang lên dồn dập hơn. Trong buổi chiều tối, những âm thanh vang lên âm u huyền ảo, như đưa người nghe vào một thế giới đầy những điều kỳ bí.

 

Rồi buổi lễ “Lấy lửa từ đá” cũng đã được bắt đầu. Già làng đọc một bài tế trong khi 5 người lực lưỡng vừa khiêng đàn đá vừa đi thành vòng tròn và chơi đàn. Phía bên ngoài, đội cồng chiêng không ngừng đánh dồn dập. Tất cả những nhạc cụ ấy hoà trộn với nhau tạo nên một thứ hợp âm hay và gây nhiều cảm xúc tới mức không thể diễn tả.

 

Đem hơi thở đại ngàn về cố đô - 2

                         Đội cồng chiêng trong buổi lễ.

 

Hơn chục cô gái đứng xếp thành hàng bên ngoài và nhún nhảy theo nhạc. Hai người đàn ông khác vừa nhảy múa vừa tiến dần vào trong. Họ ngồi xuống và lấy những viên đá cuội ghè vào nhau toé lửa cho đến đi bùi nhùi bắt lửa.

 

Những que đuốc (giống như dây thừng) được chia đều cho các cô gái và cả những người du khách có mặt. Các cô gái cầm đuốc lửa múa đều xung quanh ché rượu cần. Lửa được già làng đem ra đốt lên đống củi đã dựng sẵn từ chiều. Đống củi cháy lên ngùn ngụt, ánh sáng hắt lên đỏ rực những khuôn mặt đầy rạng rỡ. Buổi lễ cầu lửa coi như kết thúc, nhiều du khách chạy tới ché rượu cần uống thử một ngụm lấy may...

 

Bảo Trung