Xem tượng ngựa Xích Thố “độc” nhất miền Tây

(Dân trí) - Trong khuôn viên chùa Già Lam Cổ Tự ở tỉnh Hậu Giang có một bức tượng ngựa Xích Thố được xem là “độc" nhất miền Tây.

Chùa Già Lam Cổ Tự tọa lạc ngay mặt tiền QL1A thuộc ấp Xẻo Vong C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Chùa Già Lam Cổ Tự tại Hậu Giang.
Chùa Già Lam Cổ Tự tại Hậu Giang.

Tương truyền, khi chùa Già Lam Cổ Tự (trước có tên là Quan Thánh Đế) mới xây cất, Quan Thánh Đế hiện về phán: “Ai cúng dường một con ngựa thì ngài sẽ phù hộ độ trì cho người đó đến 3 đời”. Một thời gian sau có người ở xa tới cúng dường rồi nhờ chùa tìm người làm tượng ngựa như lời Quan Thánh Đế phán.

Ngay sau đó, nhà chùa đã mời nghệ nhân tên Ba Đém (quê ở Sóc Trăng, rất nổi tiếng về xây dựng chùa chiền thời đó) về làm tượng ngựa vào năm 1964. Tượng ngựa được làm từ xi măng cốt thép trong thời gian khoảng 1 tháng thì hoàn thành. Lúc làm tượng ngựa, nghệ nhân Ba Đém đã cho làm đầy đủ lục phủ ngũ tạng bỏ vào trong bụng ngựa rồi mới đắp tượng lại.

Tượng ngựa Xích Thố trong khuôn viên chùa.
Tượng ngựa Xích Thố trong khuôn viên chùa.

Tượng ngựa Xích Thố tại chùa Già Lam Cổ Tự có toàn thân màu hồng sậm, cao hơn 3m, dài khoảng 2m với thần thái sống động. Ngựa đứng, đầu ngẩng lên nghiêng về bên phải. Đôi mắt rất có thần. Ngoài ra, bốn chân của ngựa còn có bốn chùm lông (gọi là tứ mã đề)- một đặc điểm mà chỉ ngựa Xích Thố mới có. Kế bên tượng ngựa có 4 câu thơ của Hòa thượng Thích Huệ Đức (trụ trì đầu tiên của chùa) ca ngợi ngựa Xích Thố: "Xích Thố tiếng rền rạng cõi Đông/ Nêu danh tuấn mã sức toàn hồng/ Trường đồ ngàn dặm hơi chưa sút/Chiến địa trăm phen sức tựa không".

Đây được xem là bức tượng ngựa Xích Thố độc nhất miền Tây.
Đây được xem là bức tượng ngựa Xích Thố độc nhất miền Tây.
Đây được xem là bức tượng ngựa Xích Thố "độc" nhất miền Tây.

Tượng ngựa Xích Thố tại chùa Già Lam Cổ Tự đã tồn tại hơn 50 năm nay nhưng hầu như chưa bị sứt mẻ trước mưa nắng, thời gian. Khi đến đây, khách không chỉ cúng viếng mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của bức tượng ngựa và nghe trụ trì chùa kể những câu chuyện ly kỳ xung quanh tượng ngựa này. 

                                                                                    Huỳnh Hải