Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng ở Mũi Cà Mau, U Minh Hạ

(Dân trí) - Kế hoạch phát triển du lịch năm 2020, Cà Mau xây dựng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ở Mũi Cà Mau, U Minh Hạ... để tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất cực Nam Tổ quốc.

UBND tỉnh Cà Mau vừa có kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau, cho biết năm 2020 tỉnh này đưa ra mục tiêu phấn đấu thu hút khoảng 1,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế.

Doanh thu ngành Du lịch mà tỉnh này đặt ra cho năm 2020 ước đạt khoảng 2.600 tỷ đồng.

Cà Mau "ưu tiên" xây dựng sản phẩm du lịch qua các loại hình phù hợp, như: Du lịch địa lý, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với hệ thống rừng ngập nước và du lịch ngư, nông, lâm nghiệp... để trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách trong và ngoài nước.

Trải nghiệm tuyến du lịch xuyên rừng ở Mũi Cà Mau

Theo UBND tỉnh Cà Mau, để đạt mục tiêu nói trên, trong năm 2020, tỉnh này đưa ra hàng loạt nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, sản phẩm du lịch, hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác du lịch với các địa phương…

Đáng chú ý, tỉnh tập trung mời gọi đầu tư dịch vụ du lịch tại Mũi Cà Mau (nhà hàng, khách sạn…; bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư…); mở rộng di tích Hòn Đá Bạc; quy hoạch xây dựng khu du lịch Đầm Thị Tường, khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ, khu du lịch sinh thái Sông Trẹm…

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng ở Mũi Cà Mau, U Minh Hạ - 1

Du khách đi tuyến du lịch xuyên rừng ở Mũi Cà Mau.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng ở Mũi Cà Mau, U Minh Hạ - 2

Trải nghiệm soi ba khía tại điểm du lịch cộng đồng.

Với sản phẩm du lịch, tỉnh này triển khai thí điểm Làng văn hóa du lịch, gắn phát triển du lịch nông thôn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”; tổ chức các hoạt động gắn với mô hình trải nghiệm, phát huy các giá trị văn hóa, di sản: Câu chuyện kể về Bác Ba Phi, nghề gác kèo ong, làm muối ba khía...; tham quan quan bãi bồi, trượt bùn, xổ vuông, làm tôm khô...; dịch vụ xem thú đêm bằng xe chuyên dùng, đờn ca tài tử, tuyến đường bộ xuyên rừng U Minh Hạ… để tạo thành sản phẩm đặc trưng.

Ngoài ra, Cà Mau cũng phối hợp với TPHCM và 12, tỉnh thành xây dựng 2 tuyến du lịch mới, cũng như xây dựng thương hiệu du lịch chung của vùng để tạo điểm nhấn thu hút khách trong và ngoài nước.

Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã cho các khu, điểm du lịch ở tỉnh này "mở cửa" hoạt động trở lại từ ngày 16/4 (trước mắt chỉ khách du lịch nội tỉnh); giao các sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định khi hoạt động. 

Huỳnh Hải