“Vũ nữ chân dài”- món ngon khó cưỡng của miền Tây

(Dân trí) - Ít ai biết rằng, cái tên “vũ nữ chân dài” lại là mỹ từ mà người dân miền Tây dùng để gọi khô nhái - một món nhậu có sức hấp dẫn lạ kỳ, sẵn sàng “hạ gục” bất cứ ai từng có cơ hội thưởng thức.

Nhái sống thành đàn và xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa. Tuy là loài vô cùng đa dạng về chủng loại, nhưng chỉ có nhái cơm sinh sống ven các ruộng lúa mới được dùng để chế biến thành các món đặc sản. Nhái cơm thì có quanh năm ở vùng đồng ruộng như Tịnh Biên - An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp...

Nhái cơm vốn đã có kích thước nhỏ. Sau khi lột da, phơi khô thì thu lại chỉ bằng ngón tay.

Ban đầu, món khô nhái có xuất từ Campuchia, nhưng nhờ sự chế biến khéo léo, tinh tế nên người miền Tây đã biến món khô nhái trở thành món ngon nổi tiếng.

Món khô nhái nổi tiếng miền Tây.
Món khô nhái nổi tiếng miền Tây.

“Vũ nữ chân dài” được xem là món quà tinh túy của thiên nhiên. Không chỉ có hương vị thơm ngon, khô nhái còn có thành phần dinh dưỡng ấn tượng. Theo Đông y, thịt nhái chứa nhiều protein, lipid, các muối Ca, P, Fe, các vitamin B1, B2, PP, có vị ngọt cay, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống viêm, trừ cam tích… rất tốt cho sức khỏe. Do sống trong môi trường hoang dã, nên thịt nhái rất dai ngon và không độc.

Bắt nhái là công việc không hề đơn giản. Để làm ra khô nhái, mỗi đêm, người dân phải bỏ công lặn lội đi soi nhái ở ngoài đồng. Tuy vất vả nhưng công việc này đem lại thu nhập khá cao.

Đồ nghề săn nhái là cây vợt lưới dầy, cán vợt được làm bằng thân cây trúc to bằng ngón chân cái và có chiều dài hơn 2m. Trong đêm tối hun hút, người soi phải thật nhanh tay, thường xuyên căng mắt, theo dõi cử động của từng con trước khi chụp. Khi nào đầy vợt, người ta mới mở miệng túi cho nhái vào giỏ và cứ thế tiếp tục lần mò từ ruộng này qua ruộng khác.

Bình quân, cứ 4 kg nhái tươi sẽ cho một cân nhái khô với giá khoảng 540.000 đồng/kg. Còn vào dịp Tết, khô nhái có thể lên đến 650.000 đ/kg mà không có hàng để bán.

Nhái sau khi bắt về thì được đem đi lột da và phơi khô.
Nhái sau khi bắt về thì được đem đi lột da và phơi khô.

Trong các khâu làm khô nhái, khâu vất vả nhất là soi nhái, làm nhái và rửa nhái. Thông thường, mỗi người sẽ để cạnh mình một chén cát. Khi chấm tay vào chén cát này, công đoạn lột da sẽ trở nên nhanh hơn vì da nhái đã mất đi độ trơn vốn có. Sau khi lột da xong, người ta đem nhái để rửa qua nước sạch thật kĩ để loại bỏ hoàn toàn tạp chất.

Muốn cho khô nhái đạt chất lượng cao, người chế biến sẽ ướp nhái với tiêu, ớt, muối cho thấm đều rồi mới đem phơi. Thông thường, ướp khô nhái với nhiều gia vị phải để 2 lần nắng, mỗi lần kéo dài từ 1,5 - 2 tiếng. Công đoạn tiếp theo là xếp nhái thẳng hàng trên giàn phơi.

Nếu nhái còn tươi sống, người dân miền Tây thường sử dụng để băm nhuyễn, sau đó vo viên nấu canh chua với măng hoặc nấu món cà ri đều rất tuyệt… Còn khi chế biến thành món khô nhái, người ta sẽ dùng “vũ nữ” để nướng hoặc chiên giòn ăn với nước mắm me.

“Vũ nữ” nếu đem rán giòn có thể ăn cả thịt và xương.
“Vũ nữ” nếu đem rán giòn có thể ăn cả thịt và xương.

Khô nhái rất ngon, vừa thơm vừa giòn, có thể coi là món nhậu hấp dẫn ít món khô nào qua mặt được. Khô nhái ngon nhất là chiên. Sau khi nhái được tẩm gia vị và lớp da trở nên bóng giòn quyến rũ, đầu bếp thả nguyên con vào chảo dầu sôi già. Cuối cùng, phi tỏi thơm, thêm chút đường, nước mắm nhĩ, rồi bỏ khô nhái đã chiên vào xóc đều, kết hợp cùng vài đầu hành trần, ít củ hành. Chỉ đơn giản như thế, một thức quà dân dã “danh bất hư truyền” đã được hoàn thành.

Khi thưởng thức nhái khô chiên giòn, thực khách có thể nhai cả xương và thịt. Hương vị món ăn này rất thơm ngon, có sự hòa quyện của vị ngọt dịu xen lẫn vị cay cay, mằn mặn, béo, giòn rất đặc trưng.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp