Vụ 152 khách Việt nghi bỏ trốn ở Đài Loan: Giám đốc công ty du lịch nói gì?

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, đơn vị lữ hành đưa đoàn khách nghi bỏ trốn tại thành phố Cao Hùng – Đài Loan ngày 25/12 là Công ty du lịch Holidays có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

 Sáng ngày 26/12, PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ với công ty này để làm rõ thông tin. Tuy nhiên đại diện công ty Holidays cho hay, họ chỉ chịu trách nhiệm làm visa cho đoàn du khách, còn việc dẫn đoàn sang Đài Loan là do đơn vị khác thực hiện.

Ông Phan Ngọc Hạnh, giám đốc Công ty cho biết, công ty nhận các đoàn khách này từ đối tác Đài Loan để hỗ trợ làm visa nhập cảnh Đài Loan theo chế độ visa du lịch khách đoàn qua các doanh nghiệp lữ hành quốc tế Việt Nam được Cục Du lịch Đài Loan lựa chọn.

Chia sẻ với PV Dân trí, đại diện Sở du lịch TP Hồ Chí Minh xác nhận đang tiến hành thanh tra, triệu tập đại diện công ty Holidays để làm rõ sự việc. 

“Đơn vị này cho biết, họ không tổ chức tour du lịch cho đoàn khách mà chỉ nhận làm thủ tục visa, do chủ quan nên không thẩm định hồ sơ kỹ. Đây là thông tin họ cung cấp, đúng sai thế nào chúng tôi đang xác minh làm rõ”, đại diện này thông tin.

Vụ 152 khách Việt nghi bỏ trốn ở Đài Loan: Giám đốc công ty du lịch nói gì? - Ảnh 1.

Theo nhiều chuyên gia du lịch, vụ 152 du khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan là sự việc nghiêm trọng, làm xấu hình ảnh khách Việt Nam. Ảnh minh họa

Liên hệ với phía Tổng cục Du lịch Việt Nam, đại diện đơn vị này cho biết đã nắm được thông tin, đang tiến hành làm rõ sự việc và từ chối bình luận thêm.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, nhiều đơn vị lữ hành đánh giá đây là sự việc nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến các công ty du lịch Việt Nam mà còn làm xấu hình ảnh của khách Việt tại các điểm đến.

Thực tế, vài năm trở lại đây việc người Việt Nam đi du lịch rồi trốn lại nước bạn không còn là chuyện mới mà đã xảy ra nhiều năm. Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan là những quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều người Việt lợi dụng đi du lịch để trốn ở lại lao động trái phép. Để ngăn chặn tình trạng này, một số quốc gia đã có chính sách visa hoặc kiểm duyệt rất chặt với khách du lịch Việt Nam như: Không cấp visa cho khách đến từ một số tỉnh, địa phương có nhiều người trốn ở lại, công ty du lịch để lọt người trốn lại sẽ bị phạt rất nặng hoặc không cấp phép hoạt động ở nước sở tại trong thời gian nhất định.

Trước đó, vào năm 2016, dư luận cũng từng xôn xao về vụ việc 56 khách du lịch bỏ tour, trong đó một số người đã đi làm ở các cơ sở chế biến thực phẩm tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Làm việc với cảnh sát sở tại, 3 trong số 56 khách bỏ tour trên cho biết, họ phải trả khoảng 15.000USD cho môi giới Việt Nam để tới Jeju. Truyền thông Hàn Quốc cũng thông tin, kể từ khi đảo Jeju bắt đầu áp dụng luật miễn visa du lịch vào năm 2002, đây là cuộc bỏ trốn có quy mô lớn nhất, với tổng cộng 56 người Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cơ quan chức năng Đài Loan chỉ dự kiến tạm dừng cấp thị thực đoàn của công ty lữ hành International Holidays Trading Travel – đơn vị dẫn đoàn khách nghi bỏ trốn tại Đài Loan, chứ không phải toàn bộ du khách Việt Nam.

Trước đó, tờ Channel News Asia đưa tin, một nhóm khách du lịch gồm 152 người từ Việt Nam sang Đài Loan từ ngày 21 đến ngày 24/12 đã bỏ trốn, buộc chính quyền sở tại phải lập một đội đặc nhiệm để tìm kiếm và chặn cấp thị thực cho các trường hợp từ Việt Nam sang.

Hà Trang