Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ du lịch thế giới?

(Dân trí) - Đón tiếp trung bình khoảng 6 triệu du khách mỗi năm, Việt Nam có mặt trong Top 50 điểm đến hút khách nhất toàn cầu, tuy nhiên, với con số này Việt Nam còn đứng sau nhiều quốc gia châu Á khác.

Bảng xếp hạng Top 20 quốc gia thu hút nhiều du khách nhất trên thế giới

Bảng xếp hạng Top 20 quốc gia thu hút nhiều du khách nhất trên thế giới

Trang Movehub vừa công bố bản đồ khách du lịch quốc tế, đưa ra số liệu về lượng khách du lịch đến 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới trung bình hàng năm.

Việt Nam đứng thứ 41 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có tên trong bản đồ với khoảng 6 triệu du khách mỗi năm.

Malaysia là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á lọt vào Top 10 với 24.7 triệu du khách mỗi năm. Thái Lan chiếm vị trí thứ 15 trong bảng xếp hạng với 19,2 triệu du khách/năm. Theo sau là Singapore đứng thứ 22 thế giới với 10,4 triệu, Indonesia (thứ 31 thế giới) với 7,7 triệu và Indonesia (thứ 31 thế giới) với 7,7 triệu.

Trung Quốc đại lục là điểm đến hấp dẫn du khách nhất tại châu Á, đón tiếp tới 57,6 triệu du khách/năm, giữ vị trí thứ 3 thế giới; tiếp đến là Hồng Kông (đứng thứ 13 với 22,3 triệu) và Macau (đứng thứ 20 với 12,9 triệu).

Ấn Độ đứng thứ 39, chào đón 6,3 triệu khách du lịch/năm, Nhật Bản ở vị trí 40 với 6,2 triệu khách.

Như vậy có thể thấy Việt Nam còn đứng sau nhiều các quốc gia châu Á khác về thu hút khách du lịch.

Theo bản đồ du lịch của Movehub, Pháp là điểm đến thu hút nhiều du khách nhất thế giới với 81 triệu khách mỗi năm, theo sau là Mỹ với 62,7 triệu mặc dù diện tích của Mỹ rộng gấp 15 lần Pháp. Với nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn như bảo tàng, các công trình lịch sử và văn hóa, Pháp ngày càng nổi danh trên bản đồ du lịch quốc tế.

Cũng theo đánh giá của Movehub, hầu hết các quốc gia trong Top 10 về hấp dẫn khách du lịch đều thuộc khu vực châu Âu.

Năm điểm đến được xếp cuối bảng là quần đảo Solomon với 23.000 người, Moldova với 11.000 người, Kiribati với 5.300 người, quần đảo Marshall với 5.000 người và Tuvalu với 1.200 du khách.

Du lịch Việt Nam: cần nhiều nỗ lực đằng sau những con số đẹp

Theo bản báo cáo hoạt động ngành du lịch năm 2013 do Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố: "Năm 2012, với 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng.

Việt Nam còn đứng sau nhiều các quốc gia châu Á khác về thu hút khách du lịch

Việt Nam còn đứng sau nhiều các quốc gia châu Á khác về thu hút khách du lịch

Trong 11 tháng đầu năm 2013, số khách quốc tế đạt 6,8 triệu lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ sau 4 năm phục hồi suy thoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, tổng thu du lịch tăng 2,2 lần".

Báo Đất Việt dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay so với Lào, Campuchia thì Việt Nam quảng bá du lịch còn yếu hơn. Dù đạt lượng khách quốc tế cao hơn Lào, Campuchia nhưng tốc độ tăng trưởng khách của du lịch Việt Nam thấp hơn, Lào tăng 15%, Campuchia tăng 20%/năm, trong khi đó Việt Nam mới tăng 10,2%/năm.

Bản báo cáo tổng kết hoạt động ngành du lịch trong năm 2013 cũng thừa nhận những hạn chế của ngành du lịch Việt Nam như tình trạng mất an ninh tại các địa điể du lịch, công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn chưa được đâu tư tương xứng, sản phẩm du lịch chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo và còn trùng lắp giữa các vùng miền, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch ở một số địa phương còn mỏng…

Doanh nghiệp du lịch Việt Nam mới tăng trưởng về số lượng mà chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp lữ hành chưa có đủ khả năng khai thác khách tại các thị trường quốc tế. Bên cạnh đó một số thị trường khách có hiện tượng người nước ngoài thao túng, trực tiếp điều hành, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, trốn thuế.

Đặc biệt, vấn nạn nhức nhối nhiều năm của ngành du lịch như tăng giá, chèn ép, lừa đảo khách du lịch vẫn còn xảy ra, gần đây nhất là vụ một tài xế taxi tại Hà Nội đã “chặt chém” hai du khách người Anh. Hai người này đã phải trả tới 1 triệu đồng dù chỉ đi quãng đường khoảng 3km. Sự việc này đã khiến dư luận rất phẫn nộ vì nó làm xấu hình ảnh của một Hà Nội thanh lịch, một Việt Nam thân thiện và mến khách.

Phương Nam