Vi vu trên dòng Thu Bồn

(Dân trí) - Nếu bạn có dịp chèo thuyền trên sông, sông sẽ cho bạn những cảm nhận rất riêng của dòng nước xứ Quảng. Ánh nắng lấp lánh phản chiếu tạo nên những sắc màu lung linh huyền ảo, những vó lưới tung xuống và cất lên trong niềm hân hoan của ngư dân nơi đây.

Bắt nguồn từ dãy trường sơn hùng vĩ qua khỏi Trà Linh, sông lượn mình giữa hai ngọn núi cao sừng sững như bức tường gọi là hòn Kẽm. Đến Giao Thủy, sông Thu Bồn đón nhận nhánh sông Vu Gia từ Hà Tân đổ về để cùng chảy về phía Nam, rồi chia làm hai nhánh bao bọc lấy vùng Gò Nổi. Từ đó hai dòng chảy qua Chợ Củi, Câu Lâu và cuối cùng hòa nhập để ra Cửa đại.

Triết lý của Thu Bồn là sự giao hòa của sóng nước
Triết lý của Thu Bồn là sự giao hòa của sóng nước

Trước khi Thu Bồn đổ ra đại dương, con sông này còn kịp dừng chân kiến tạo để lại cho đời sau một trong những cảng thị và đô thị cổ đẹp nhất Việt Nam mà hiện nay vẫn còn, đó là Di sản Văn hóa Thế giới phố cổ Hội An. Ngày nay, phố cổ Hội An cùng với làng rau Trà Quế, làng gốm cổ Thanh Hà, Cửa Đại… hợp thành một quần thể du lịch độc đáo dọc theo sông Thu Bồn.

Những vùng bãi bồi ở nơi có sông Thu Bồn chảy qua cho đến nay còn lưu giữ những câu chuyện nên thơ và cảm động.

Dân gian vẫn truyền nhau câu chuyện nàng thôn nữ Chiêm Sơn. Chúa thượng Nguyễn Phước Lan lúc còn trẻ sống với cha là Thụy Quận Công đang trấn thủ Quảng Nam, tại dinh trấn Thanh Chiêm. Vào một đêm trăng, công tử Nguyễn Phước Lan cùng cha thả thuyền rong chơi trên dòng Thu Bồn.

Từ bao đời nay, con sông Mẹ không những ban phát cho dân chài tôm cá đầy ắp
Từ bao đời nay, con sông Mẹ không những ban phát cho dân chài tôm cá đầy ắp

Giữa đêm trăng thanh vắng bỗng có tiếng hát véo von từ một nương dâu vọng lại. Thuyền rồng vội ghé đậu ở ghềnh điện Châu. Và dưới bãi dâu xanh nhuộm ánh trăng vàng, Nguyễn Phước Lan - sau này là Chúa thượng, đã bàng hoàng trước sắc đẹp của cô thôn nữ họ Đoàn, người huyện Tiên Phước, thuộc phủ điện Bàn. Chúa cho rước về cung và cô hái dâu họ Đoàn bên dòng sông Thu Bồn kia trở thành Hiếu Chiêu Hoàng hậu, mẹ của Thái Tôn Nguyễn Phước Tần tức chúa Hiền.

Hiện nay, ở Chiêm Sơn (Duy Xuyên), về phía Tây Gò Cốc Hùng, còn có lăng Vĩnh Viễn, thờ bà Hiếu Chiêu hoàng hậu. Dòng sông Thu Bồn cũng sâu sắc lắng đọng trong ký ức và tình cảm của nhiều văn sĩ đất Quảng.

Đi dọc dòng Thu Bồn, dừng chân ở một quán nước ven sông, bạn có thể hòa mình vào một phiên chợ quê mộc mạc ở xứ quảng nam, thưởng thức điệu hò khoan sâu lắng hay nghe những câu chuyện về những con người nơi đây một thời đã lên những kỳ tích.

Từ bao đời nay, con sông Mẹ không những ban phát cho dân chài tôm cá đầy ắp
Qua bao sóng gió dòng sông ấy vẫn là dải lụa mềm vắt từ trường sơn qua châu thổ rồi đồ về biển cả cùng với sự hiền hòa giản dị và thân mật của mỗi con người nơi đây.

Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội dân gian của cư dân ven sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam.Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch.Lễ hộilà dịp người dân nơi đâytỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của bà cho dân làngsống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no.

Từ bao đời nay, con sông mẹ không những ban phát cho dân chài tôm cá đầy ắp, mà còn giúp cư dân của nhiều làng nghề nức tiếng như làng trầm Nông Sơn, làng dệt vải Tằm Tang (Duy Xuyên), làng gốm Thanh Hà (Hội An), đưa những sản phẩm nổi tiếng của mình xuôi theo dòng sông qua thương cảng Hội An đến với bạn bè thế giới.

Những vó lưới tung xuống và cất lên trong niềm hân hoan của ngư dân nơi đây giữa dòng Thu Bồn.
Những vó lưới tung xuống và cất lên trong niềm hân hoan của ngư dân nơi đây giữa dòng Thu Bồn.

Nếu một ngày nào đó bạn có dịp chèo thuyền trên sông, sông sẽ cho bạn những cảm nhận rất riêng của dòng nước xứ Quảng, ánh nắng lấp lánh phản chiếu tạo nên những sắc màu lung linh huyền ảo, những vó lưới tung xuống và cất lên trong niềm hân hoan của ngư dân nơi đây xen lẫn những nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ, những lời chào thân mật của vùng đất khách.

Dọc theo triền sông, du khách thả hồn giữa đồng ruộng bao la, với những chú trâu cần mẫn bước chân cày. Qua các làng quê ven sông, bạn có thể mặc sức ngắm đàn cò trắng về di trú trên sông Thu. Người dân ở đây bảo, cò trắng về sông Thu di trú từ tháng giêng đến tháng bảy hằng năm. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt cò đậu ở các bãi bồi hay lượn lờ trên sông. Đi thuyền trên sông, bạn cũng có thể chiêm ngưỡng hàng đàn cò tung bay chấp chới

Chiều xuống, trên dòng sông tiếng hò văng vẳng đâu sau lái đò mình; ơi ới trên những chiếc khác cùng xuôi dòng sông, giọng nam nữ đối đáp nhau vang vọng giữa trăng nước.

Vậy đó, mỗi dòng sông mang một triết lý riêng của mình, dòng Thu Bồn cũng vậy. Triết lý của Thu Bồn là sự giao hòa của sóng nước, bờ bãi,núi non của một con đò của một mái chèo bờ bãi núi non và của mỗi con người xứ quảng.

Thu Bồn vẫn giữ được nét hiền hòa xanh thẳm của mình, để rồi trải qua bao sóng gió dòng sông ấy vẫn là dải lụa mềm vắt từ trường sơn qua châu thổ rồi đồ về biển cả cùng với sự hiền hòa giản dị và thân mật của mỗi con người nơi đây.

H. Thắng