Vi vu gió lộng Hồ Tây

(Dân trí) - Cho dù có mai một đi ít nhiều, nhưng luôn còn đó, những góc lặng lẽ của Hồ Tây từ ngàn đời này vẫn hiện hữu.

Ở Hà Nội, Hồ Tây là khu vực đẹp hơn cả, chẳng thế mà các nhà văn hóa đã cho rằng nơi đây là một vùng thơ ca, một vùng văn hóa.

Vi vu gió lộng Hồ Tây

Dạo quanh bờ hồ lữ khách sẽ được khám phá, trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc và thanh tao của người Hà Nội, tiêu biểu như đánh cờ tướng tại hồ Gươm, những người đánh cờ trông thật nhàn nhã và khung cảnh thì thật thanh bình, có lẽ chỉ riêng Hà Nội mới có.

Hà Nội có một con đường tên là đường Hàn Quốc, bao quanh khu biệt thự dành cho người nước ngoài ở Hồ Tây. Gọi là được Hàn Quốc bởi nó đẹp, yên tĩnh, dân tình vẽ, viết lời yêu chằng chịt trên mặt đường. Nhưng một điều làm nên nét đặc trưng của con đường này nữa là ở đó có rất nhiều hoa sen.

Tháng 5, sen nở rực rỡ quanh hồ Tây, hai bên đường Hàn Quốc toàn sen là sen. Những búp sen bé nhỏ nhô lên trên mặt nước, những cánh sen hồng tươi khoe sắc. Đẹp và thơm.

Lúc này, đường Hàn Quốc không chỉ là không gian hẹn hò của những đôi tình nhân, mà nhiều người trẻ Hà Nội cũng dắt díu nhau ra ngắm cảnh và chụp ảnh.

Ở đó cũng có một quán trà nhỏ, nếu bạn đến vào buổi sáng tinh mơ, bạn sẽ được cùng chủ quán thưởng thức trà ướp sen bằng chính những giọt sương đọng trên lá sen.

Ven Hồ Tây có nhiều danh thắng vào loại bậc nhất Thăng Long như chùa Tảo Sách, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ... Cũng ở nơi đây, các di tích, các thắng cảnh văn hóa đã tạo nên một “con đường di sản” của đất kinh kì với khung cảnh trữ tình, thơ mộng mà mỗi du khách đến đây đều cảm thấy nhớ, thấy yêu.

Vi vu gió lộng Hồ Tây

Lẩn khuất sau bộ mặt hiện đại sang trọng, sau những làn sóng mênh mang, xa mù của hồ nước rộng nhất Hà Nội này, vẫn còn nhịp sống của những người dân gắn bó với Hồ Tây, như cha ông, tổ tiên bao đời của họ đã từng làm. Đó là dăm ba chiếc thuyền câu tôm lặng lẽ nằm chờ đêm xuống để ra hồ bắt những con vật, làm nên món “bánh tôm Hồ Tây” trứ danh.

Trải qua hàng vạn năm kiến tạo, thiên nhiên đã ban tặng cho Thăng Long một hồ nước sóng sánh lãng đãng tuyệt đẹp. Bao nhiêu huyền thoại, bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu ngôi chùa do con người sáng tạo quanh Hồ Tây tạo nên một dòng chảy văn hóa Hồ Tây hàng nghìn năm tuổi, đẫm hồn dân tộc.

Nhà thơ Cao Bá Quát từng thốt lên “Tây Hồ chân cả thị Tây Thi” (Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi). Hồ Tây có nhiều tên gọi: hồ Xác Cáo, hồ Trâu Vàng, hồ Dâm Đàm, mỗi tên gắn với một truyện truyền kì.

Vi vu gió lộng Hồ Tây

Mới chỉ một tên gọi thôi, Hồ Tây đã có biết bao truyền thuyết, từ thời tiền sử đến cổ, cận đại. Truyền thuyết dệt lên truyền thuyết. Ấy là vì Hồ Tây nằm sát một kinh thành nổi tiếng của một dân tộc quật cường, có lịch sử tới mấy ngàn năm chống giặc dữ Bắc phương. Chẳng thế mà trong Thăng Long tứ trấn, thì người Việt cổ đã phải rước vị thiên thần oai dũng nhất là Huyền Thiên Trấn Vũ, để trấn ở phía Bắc kinh thành.

Khám phá các làng cổ cũng là một điều thú vị. Quanh Hồ Tây, có rất nhiều làng cổ với bề dày văn hóa đặc sắc. Mỗi ngôi làng lại có vẻ đẹp văn hóa riêng, với nghề truyền thống từ xa xưa đã mang lại cho họ cuộc sống phồn vinh.

Phải kể đến là làng cổ Nghi Tàm thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận và sau này qua nhiều biến chuyển thời gian, làng Nghi Tàm nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Trong Bát cảnh hồ Tây thì Nghi Tàm đã hội tụ tới ba cảnh đẹp, gồm “Bến trúc Nghi Tàm” là một cây cầu, nơi trước kia các nhà thơ thường ra đó vịnh thơ, vẫn còn lưu lại đến ngày nay;

Mỗi địa danh tại đây có một vẻ đẹp riêng mang đến cho bạn những trải nghiệm khác nhau. Đó là hồ Tây bao la, thanh bình, mát rượi. Chùa Trấn Quốc uy nghiêm và cổ kính. Văn miếu Quốc tử giám có thiết kế nhân văn và bác học. Hoành thành gợi vết tích của một thời đại.

Cuộc đời không ngừng trôi, nhưng những cảnh vật, nước non Tây Hồ vẫn còn như thuở nào. Cho dù có mai một đi ít nhiều, nhưng luôn còn đó, những góc lặng lẽ của Hồ Tây từ ngàn đời này vẫn hiện hữu từng ngày, trên Hồ Tây, trong lòng Hà Nội.

Song An 
Ảnh: Internet