Vì sao Nhật Bản từ chối cấp visa đoàn cho 8 công ty du lịch Việt Nam?

(Dân trí) - Những doanh nghiệp bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa vừa qua hầu hết đã vi phạm các cam kết đã ký kết với Nhật Bản. Trong đó nhiều đơn vị có khách trốn ở lại nhưng không khai báo kịp thời.

Chia sẻ với PV Dân trí, đại diện Vietravel Hà Nội – đơn vị bị Đại sứ quán Nhật Bản đình chỉ tư cách visa đoàn trong 6 tháng cho biết, vào năm 2018, công ty đã tổ chức cho hơn 566 đoàn với gần 17.000 du khách đến Nhật Bản du lịch. Trong đó, chi nhánh Vietravel Hà Nội đã có 3 khách không về lại cùng đoàn và 2 khách về sau đoàn, chiếm tỷ lệ 0.03% số khách đến Nhật Bản trong năm.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc chi nhánh Vietravel Hà Nội bị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tạm đình chỉ tư cách đại diện xin visa trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 01/7/2019.

“Mặc dù chúng tôi luôn có những biện pháp nhằm ngăn chặn việc du khách ở lại sau tour, tuy nhiên năm 2018 vẫn có trường hợp khách không về cùng đoàn. Chúng tôi cũng hiểu được việc du khách cố tình ở lại Nhật Bản nói riêng, các quốc gia khác nói chung không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chính khách du lịch Việt Nam, cả về hình ảnh cũng như sự khắt khe của các nước trong việc cấp visa du lịch”, đại diện này thông tin.

Vì sao Nhật Bản từ chối cấp visa đoàn cho 8 công ty du lịch Việt Nam? - 1

8 công ty du lịch bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách cấp visa đợt này theo ĐSQ Nhật Bản là do "vi phạm nghiêm trọng các cam kết đã ký kết trước đó". Ảnh minh họa

Hiện nay, đại diện Vietravel đang tiến hành làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để giải trình. Đơn vị này cũng cam kết thời gian tới sẽ tiến hành nhiều biện pháp để không xảy ra tình trạng đáng tiếc như vừa qua.

Trong khi đó, bà Lê Thị Nhạn, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội – 1 trong 7 đơn vị bị hủy bỏ tư cách cấp visa đoàn sang Nhật Bản bày tỏ bất ngờ khi nhận “án phạt” từ Đại sứ quán Nhật Bản. Theo bà Nhạn, cách đây vài ngày phía Đại sứ quán có gọi điện thông báo về việc này nhưng không có văn bản thông báo cụ thể lý do vi phạm.

“Qua rà soát lại, phía công ty chúng tôi cũng chưa phát hiện trường hợp khách du lịch bỏ trốn ở lại Nhật Bản, hoặc các vi phạm theo cam kết đã ký với Đại sứ quán Nhật Bản trước đó. Công ty cũng đang liên hệ phản hồi thông tin với phía Đại sứ quán Nhật để làm rõ”, bà Nhạn nói.

Ngoài Vietravel Hà Nội bị đình chỉ 6 tháng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội bị hủy bỏ tư cách xin visa, còn có 6 công ty chịu “án phạt” trong đợt này gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Du Lịch Việt ((VIETTOURIN.JSC), Công ty Cổ phần Du Lịch Quốc tế GOLDEN TEAM Việt Nam, Công ty Cổ phần Lữ Hành Nam Cường, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hoàng Gia, Công ty TNHH Quốc tế Hoàng Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du Lịch Thắng Lợi.

Dân trí đã trực tiếp liên hệ với các công ty trên để tìm hiểu nguyên nhân song không liên hệ được. Riêng phía Công ty Cổ phần Du Lịch Quốc tế GOLDEN TEAM Việt Nam từ chối cung cấp thông tin.

Theo tìm hiểu của Pv Dân trí, thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Nhật Bản tham quan du lịch, Đại sứ quán Nhật Bản đã chỉ định cho một số công ty du lịch tại Việt Nam được đại diện xin cấp visa cho đoàn khách đi tour.

Các đơn vị này sẽ phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản. Trong đó,  điều kiện quan trọng nhất để được quyền đại diện cấp visa là các công ty luôn phải đảm bảo “khách đi và về cùng đoàn, theo chương trình được định sẵn”, không có trường hợp khách bỏ trốn, ở lại ngoài thời gian tour đã đăng ký.

Chính sách này giúp giảm tải cho cơ quan lãnh sự tại Hà Nội và TP.HCM, góp phần cải thiện dịch vụ, rút ngắn thời gian cũng như nâng cao tính tiện lợi cho những người xin cấp visa đang sinh sống ở vùng sâu vùng xa.

Những doanh nghiệp bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa vừa qua hầu hết đã vi phạm các cam kết đã ký kết với Nhật Bản. Trong đó nhiều đơn vị có lượng khách trốn ở lại nhưng không khai báo kịp thời.

Liên quan đến đến án phạt dành cho các công ty du lịch Việt Nam của Đại sứ quán Nhật Bản, chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Quý Phương -  Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục du lịch) cho hay đã nắm được thông tin tuy nhiên chưa rõ vi phạm cụ thể của các công ty này là gì. Hiện phía Tổng Cục cũng đã có văn bản, yêu cầu Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp cùng cung cấp thông tin. 

Là đơn vị có tên gần giống với 1 trong 8 công ty bị ngừng cấp phép visa Nhật Bản, ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt – Viet Media Travel chia sẻ: Du Lịch Việt có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt được thành lâp từ năm 2008, tên giao dịch là VIET MEDIA TRAVEL không phải là 1 trong những công ty bị hủy bỏ, đình chỉ tư cách xin visa Nhật Bản. Trong hơn 10 năm hoạt động, Du Lịch Việt – Viet Media Travel luôn nằm trong Top 10 công ty du lịch hàng đầu TP. Hồ Chí Minh cũng như hàng đầu Việt Nam, đồng thời là công ty du lịch duy nhất hiện nay giành giải Sao Vàng Đất Việt.

Bên cạnh đó, ông Long cũng chia sẻ thêm: sau khi có lệnh cấm từ Đại sứ quán đối với 8 công ty này thì cũng sẽ ảnh hưởng khá lớn đến thị trường du lịch đưa khách đến Nhật Bản. Thứ nhất là khách sẽ có sự e dè về việc cân nhắc có nên đi Nhật Bản thời điểm này hay không. Đồng thời khi Đại sứ quán thắt chặt chính sách, những người có nhu cầu về du lịch, thăm thân, hay xuất khẩu lao động sẽ đổ đến những công ty du lịch lớn để làm Visa hoặc đặt tour du lịch trọn gói.

Tuy nhiên, việc nhận định khách hàng có ý định lợi dung đi tour để trốn lại hay không rất khó khăn, các đơn vị lữ hành uy tín khác cùng nhau đưa ra những giải pháp, trao đổi kinh nghiệm về việc rà soát, lọc hồ sơ khách hàng.

T.H

Hà Trang - Phú Thọ