Về Trà Sư ngẩn ngơ giữa rừng tràm

(Dân trí) - Người lái thuyền nhẹ nhàng khua mái chèo, len lỏi qua những thân tràm ẩm ướt, không gian vang vọng đủ thứ tiếng ríu rít, tiếng vỗ cánh, tiếng chim non gọi mẹ và những cánh vỗ đập liên hồi tìm nơi trú ngụ.

Về rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bây giờ, đường xá đi lại đã dễ dàng hơn trước rất nhiều. Con đường nhựa đã trải đến tận cửa rừng nên nếu chạy một lèo từ TP Hồ Chí Minh đến đây, quãng đường hơn 200 km từ sáng thì đến trưa là tới nơi. Sau đó, vào thẳng rừng tràm ăn trưa, dạo chơi đến chiều tối rồi ra ngủ lại thị trấn Tịnh Biên hay về thành phố Châu Đốc chơi.

 

Nếu bạn có thời gian, hãy làm một vòng rừng tràm bằng con đường mòn rất đẹp này.

Nếu bạn có thời gian, hãy làm một vòng rừng tràm bằng con đường mòn rất đẹp này.
 

 

Rừng Trà Sư được trồng vào năm 1983 do chính những người kiểm lâm của cánh rừng chăm sóc mở cho khách vào tham quan từ 6h sáng đến 17h chiều và vào cổng không mất vé. Để thăm thú hết khu rừng tràm, khu vực chim muông sinh sống, nên chọn cách thuê xuồng với giá 75.000 đồng/người. Nhưng trước hết, hãy ăn một bữa trưa ngon với các món ăn đặc trưng của vùng ngay tại nhà hàng nằm giữa rừng, ngả lưng nghỉ một chút tận hưởng không khí trong lành, thanh sạch và không ngớt tiếng nói cười rỉ rả của muôn loài chim rồi mới bắt đầu chuyến đi cũng chưa muộn. Bởi thời điểm đông chim muông nhất là vào lúc chập choạng chiều.

 

Đài quan sát, nơi cao nhất để ngắm toàn cảnh khu rừng

Đài quan sát, nơi cao nhất để ngắm toàn cảnh khu rừng
 

 

Chiếc xuồng tách bến tiến sâu vào khu rừng tràm, nơi đang được tô điểm bởi vô vàn những bông hoa sen và thảm bèo tấm xanh mướt mắt. Vào mùa nước nổi tháng 9 – 11, nơi này còn tuyệt đẹp với những bông hoa điên điển. Xuồng lấn tới đâu, bèo tấm dạt sang bên, rồi lại nhanh chóng xóa vết tích vừa mở. Những cây thủy liễu uốn mình mềm mại trong làn nước trong, vài ba chú cá bơi lội tung tăng và ánh mặt trời không ngừng nhảy múa.

 

Cảnh sắc tuyệt đẹp trong rừng

Cảnh sắc tuyệt đẹp trong rừng
 

 

Điểm đến đầu tiên là đài quan sát, nơi bạn có thể ngắm toàn bộ cánh rừng. Đài quan sát nằm ở trung tâm rừng tràm, cũng là điểm cao nhất trong rừng. Sau đài quan sát, chuyến du ngoạn được chuyển sang thuyền chèo tay, để có thể luồn lách sâu vào trong khu vực chim muông. Người lái thuyền đưa tôi chiếc nón, vừa để tránh nắng vừa để tránh bị chim ị trên đầu. Con thuyền tách bến, chẳng mấy chốc xung quanh đã toàn thân cây tràm và cây tràm. Những bông hoa tràm trắng muốt, thấp thoáng soi bóng hình. Những thân tràm la đà vươn mình trong nước, vạm vỡ và khỏe khoắn.

 

Người lái thuyền dừng tay khua mái chèo, không gian yên tĩnh bỗng tràn ngập tiếng chim trời tìm về tổ. Cả cánh rừng rộng 845 ha này tràn ngập tiếng chim ríu ran, vang dội khắp cánh rừng. Xuyên qua đám cỏ ống, vô số loài chim đậu san sát nhau trên cành cùng vô số cánh chim khác đang chao liệng và tìm bến đáp. Những thân tràm với đủ hình dạng, oằn mình dưới sức nặng của các chú chim.

 

Những chú chim non run rẩy

Những chú chim non run rẩy
 

 

Diệc, le le, cò, cồng cộc, gà nước…đủ cả các loài cứ thi nhau đậu rồi lại đồng loạt bay lên khi nghe tiếng động khẽ nào đó. Chỉ có mấy chú chim non là run rẩy đứng im một chỗ cho bạn chụp ảnh, còn thì phải thật nhanh mới chớp được. Chiếc nón lá quả là tác dụng vì vô số “bom” từ trên trời rơi xuống khi thuyền đi ngang qua một vài cánh chim. Cứ thế, hơn một tiếng đồng hồ trôi qua giữa tiếng huyên náo của muôn chim, trời buông mành lúc nào không hay. Phải nhanh chóng ra khỏi đây vì giờ là lúc tấn công của loài muỗi. Đây cũng là lý do nên mặc áo dài quần dài khi vào rừng tràm lúc chập choạng.

 

Quà mang về

Quà mang về
 

 

Thuyền lại đưa về nơi cũ và con xuồng máy lớn đợi sẵn, kết thúc chuyến đi bằng xuồng trong rừng Tràm nhiều ấn tượng. Các vị khách trên những con thuyền khác cũng vô cùng thích thú và tiếc nuối khi phải rời rừng tràm. Khi ra về, không quên chạy một vòng xe quanh rừng và mua chai mật ong hoa tràm về làm quà.

 

Bài&ảnh: Lam Linh