Về Hà Giang dự Lễ “kéo chày”

(Dân trí) - Sau những ngày thu hoạch xong vụ lúa mùa, bà con dân tộc Pà Thẻn chọn ngày tốt, thường là ngày 16/10 Âm lịch hàng năm là ngày tổ chức lễ hội "kéo chày". Đây là một nghi lễ độc đáo mang tính tâm linh huyền bí chỉ riêng có ở Hà Giang…

Thông thường thầy cúng của Lễ hội nhảy lửa thì có nhiều, nhưng ở lễ “kéo chày” cả xã chỉ chọn được một đến hai thầy “cầm trịch” cho buổi lễ. Người thầy này phải có sự luyện tập công phu lắm mới có thể niệm được “câu thần chú” khiến chiếc chày được nâng lên khỏi mặt đất mặc cho nhiều người túm víu vào kéo xuống. Người ta còn bảo, ngoài tài năng người thầy cúng trong lễ hội kéo chày phải là người giỏi về võ công.

Về Hà Giang dự Lễ “kéo chày”
Ở lễ hội "kéo chày", những chàng trai Pà Thẻn nào tham gia luôn nhận được sự tin yêu, thán phục và ngưỡng mộ của du khách nói chung và các cô gái Pà Thẻn nói riêng

Khi tham quan Lễ “kéo chày”, ban đầu người xem chỉ thấy có một người thầy cầm tay vào chày và xoay đi mấy vòng, niệm câu “thần chú” và bên dưới tay thầy có hai người thanh niên khỏe mạnh ôm chặt vào chày ở tư thế đối ngược nhau.

Rồi cứ thế, chiếc chày cứ xoay đi và đến một lúc nào đó khi đã “nhập” cả vào hai người thanh niên kia thì tự nhiên chày nâng lên khỏi mặt đất để cho hai thanh niên ra sức kéo xuống đến rất mệt mà không sao kéo được, nhiều người khác túm vào chày cùng kéo xuống cũng không thể kéo được, và chỉ khi nào có người bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chày. Chày mới được hạ xuống.

Theo lý giải của người Pà Thẻn nghĩa là một vế Âm hoặc Dương đã bị chặn lại và lúc này cuộc chơi kết thúc.

Những cô gái Pà Then xinh đẹp
Những cô gái Pà Then xinh đẹp

Chày để kéo là một đoạn gỗ hoặc vầu..., có đường kính từ 7 - 10cm, dài khoảng 2,5 - 3m, đầu trên tương ứng với cực dương - nghĩa là thiên, đầu dưới ứng với cực âm - là địa. Hai người chơi lúc đầu ôm chày trong tư thế đối diện nhau cũng biểu hiện cho hai thái cực khác nhau. Người Pà Thẻn gọi đó là hai con trâu húc nhau mãi không rời.

Họ quan niệm rằng, như vậy là trên – dưới và các bên được cân bằng, và khi âm – dương được cân bằng, sẽ tạo ra cho chày có một sức mạnh phi thường mà nhiều người kéo không xuống. Chính sự kỳ diệu đó làm cho Lễ “kéo chày” luôn trở nên hấp dẫn, thu hút người xem, thu hút được nhiều du khách tham quan.

Ở lễ hội "kéo chày", những chàng trai Pà Thẻn nào tham gia luôn nhận được sự tin yêu, thán phục và ngưỡng mộ của du khách nói chung và các cô gái Pà Thẻn nói riêng. Với dân tộc Pà Thẻn, lễ hội "kéo chày" là một tục lệ mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn sau một ngày mùa bội thu.

Mỗi du khách đến với các làng bản của người Pà Thẻn, Hà Giang trong những ngày này không chỉ được chứng kiến lễ hội "kéo chày" mà còn được xem lễ hội nhảy lửa, xem các hội thi gói bánh dài, bánh xường, bánh ốc; được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân Pà thẻn.

Song An - Minh Phan
(Ảnh: st)