Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động

(Dân trí) - Lễ 30/4, nhiều du khách chọn di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân năm 1968” của ông Trần Văn Lai để trải nghiệm cảm giác khác lạ khi vừa uống cà phê vừa trải nghiệm không gian của những chiến sĩ biệt động năm xưa.

Những căn hầm bí mật gắn liền với tên tuổi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm Lai và Năm Usom).

Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia “Hầm chứa vũ khí của BĐSG tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân năm 1968” tại 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3. Trong những ngày này, di tích này đón thêm những bạn trẻ tìm đến đây để tìm hiểu lịch sử cũng như trải nghiệm cảm giác uống cà phê trong không gian của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa.

Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 1
Không gian quán cà phê Đỗ Phủ tại vị trí hầm Biệt động Sài Gòn nổi tiếng
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 2
Đây là thành quả của ông Trần Vũ Bình (con trai anh hùng Trần Văn Lai) cùng con trai Trần Trọng Nghĩa dày công gìn giữ: “Cha tôi và các cô chú biệt động đã gian khổ, hy sinh cho đất nước mà không cần được báo đáp, không cần danh lợi... Tôi và gia đình tự hào về họ và mong ước niềm tự hào đó được lan rộng ra cả cộng đồng, đến với tất cả mọi người, truyền lửa cho lớp trẻ hôm nay và mai sau”. 


Ông Trần Vũ Bình cho biết, ngay từ nhỏ ông đã cảm nhận được công việc nguy hiểm của cha cũng như các chiến sĩ biệt động. Ông thấu hiểu được nỗi trăn trở của chiến sĩ biệt động về những đồng đội đã khuất, niềm đau đáu về những di tích của biệt động dần bị mai một lãng quên.

Nhất là sau khi anh hùng biệt động Trần Văn Lai mất, từ những thùng tư liệu của cha, Trần Vũ Bình đã phát hiện một điều rất quan trọng là ngoài các căn nhà đã nghe cha kể, tại các căn nhà khác ông cũng đã xây hầm trú ém cán bộ, cất giấu tài liệu, vũ khí, phương tiện phục vụ tấn công các trọng điểm trong thành phố dịp Tết Mậu Thân 1968.

Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 3
Những vật dụng bên trong quán cà phê gần như được gìn giữ cẩn thận
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 4

Du khách đến với không gian quán cà phê bên trong căn hầm căn cứ của Biệt động Sài Gòn cảm giác rất thích thú với những trải nghiệm lạ

Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 5
Nếu có nhu cầu tham quan, du khách sẽ được nhân viên quán hướng dẫn tận tình và… miễn phí
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 6
Không gian quán có bốn tầng: Tầng hầm, tầng trệt, lầu một và gác mái. Trong ảnh là vị trí gác mái nhìn xuống tầng một
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 7
Gác mái là khu vực cà phê có điều hòa
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 8
Tầng một là một không gian xưa, cổ kính
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 9
Du khách được trải nghiệm các vị trí của quán. Trong ảnh là cầu thang bí mật nối tầng trệt và tầng một
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 10
Đây là miệng hầm thông lên tầng một
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 11
Khu vực cất giấu vũ khí dưới tầng hầm
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 12
Từ vị trí này, du khách có thể di chuyển từ tầng hầm lên tầng trệt
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 13
Một du khách vừa di chuyển bằng cầu thang, chui từ tầng hầm lên tầng trệt. “Tuyệt vời lắm, lạ lắm, khác Củ Chi lắm. Mình chưa hình dung được là các chiến sĩ Biệt động ngày xưa sẽ hoạt động như thế nào nếu không đến đây. Mình nghĩ không gian cà phê này là độc nhất vô nhị, không đâu có hết”, bạn Trần Minh Quang, ngụ quận 7 chia sẻ.
Uống cà phê, chui hầm “làm” biệt động - 14
Những lối đi bí mật chỉ vừa đủ cho một người

Suốt mấy năm qua, gia đình ông Trần Vũ Bình đã và đang tiếp tục dành thời gian, tâm huyết sưu tầm, tìm kiếm, chuộc lại các cơ sở di tích, chứng tích đã phục vụ cho lực lượng Biệt động.

“Mục đích duy nhất phục dựng các di tịch BĐSG của gia đình tôi là để các thế hệ sau biết được các chiến sỹ BĐSG đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế nào, từ đó trân trọng hơn giá trị của nền hòa bình độc lập hôm nay… Nếu không phục dựng lại thì chắc chắn trên 20 di tích BĐSG - một tài sản vật chất tinh thần vô giá sẽ dần mất đi và sẽ đi vào quên lãng” – ông Trần Vũ Bình chia sẻ.

Dịp kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, ông Trần Vũ Bình vui mừng cho biết, ông cùng gia đình đã hoàn thành một số di tích trong hệ thống di tích lịch sử BĐSG.

Ngoài ra ông Bình cho biết còn có các di tích đang thương lượng chuộc lại và phục dựng như Nhà làm nệm và nhà hầm 314/3 Võ Văn Tần, Quận 3, Nhà số 592B Võ Di Nguy - Phú Nhuận vẫn còn nguyên hệ thống hầm bí mật và hầm nổi, là nơi bảo quản 2 chiếc xe ôtô EC-6045 và NCE-345 chở vũ khí và các chiến sĩ biệt động đánh Dinh Độc Lập… cùng nhiều di tích khác.

Phạm Nguyễn