Từ vụ 17 du khách Việt Nam bị bỏ rơi ở Thái Lan: Mặt trái của tour giá rẻ!

(Dân trí) - Nắm bắt được tâm lý ham rẻ của du khách, nhiều công ty lữ hành liên tục tung ra các “chiêu” quảng cáo, giảm giá để hút khách. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng thực hiện đúng như hợp đồng ban đầu. Chính vì thế, đã xảy ra không ít câu chuyện “dở khóc, dở cười”, ăn trái đắng khi đi du lịch giá rẻ.

Việc du khách đi du lịch bằng tour giá rẻ hoặc mua tour qua các công ty lữ hành “chui” dẫn đến tình trạng bị lừa, thực hiện không đúng các cam kết ban đầu không phải là hiếm. Năm 2013, dư luận từng “dậy sóng” khi 700 du khách Việt sang du lịch kết hợp hội thảo tại Thái Lan đã bị bỏ rơi ngay sau vài ngày đặt chân lên xứ Chùa Vàng. Trong khi đó, việc phải ăn cơm bụi, ngủ nhà trọ bình dân và sử dụng các dịch vụ kém chất lượng khi đi tour giá rẻ cũng “xảy ra như cơm bữa”.

Ở nhà trọ, ăn cơm bình dân... khi đi du lịch nước ngoài!

Chị Nguyễn Minh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm chị từng là nạn nhân của tour giá rẻ. “Tôi book tour đi du lịch Thái Lan với giá 3,5 triệu/người. Khi quảng cáo trên mạng, công ty lữ hành này ghi rất rõ lịch trình là 5 ngày, trong đó bao gồm vé máy bay, khách sạn, ăn ở... Tuy nhiên, thực tế khi sang đó chúng tôi chỉ được dẫn tour 3 ngày sau đó phải tự bỏ chi phí, xoay sở ăn uống trong 2 ngày còn lại. Đó là chưa kể, thay vì đi đến các điểm tham quan, du lịch thì hướng dẫn viên lại đưa du khách đến các cửa hàng “ép” mua sắm. Đi du lịch nhưng không khác gì hành xác!”, chị Trang kể.

Anh Hoàng Minh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng bức xúc cho biết, anh đăng ký đi tour Thái Lan cho cả gia đình trong 5 ngày với giá chỉ gần 4 triệu/người. Đơn vị lữ hành quảng cáo, giá rẻ là do phía đối tác công ty đang có chương trình giảm giá, tri ân khách hàng. Vì tin tưởng nên anh Minh cũng không xem kỹ hợp đồng. “Đầu tiên họ nói là ở khách sạn 3 sao nhưng khi đến nơi thì thất vọng hoàn toàn. Phòng nghỉ không có cửa sổ, ga giường thì bẩn, điều hòa cũ nát. Lịch trình của chúng tôi cũng bị cắt ngắn, không được đến đảo San Hô, núi Phật Vàng… như quảng cáo ban đầu. Thậm chí, đến ngày thứ 3, gia đình chúng tôi lại bị chuyển phòng, ghép ở chung cùng một gia đình khác vô cùng bất tiện. Chưa kể đồ ăn thì còn chán hơn cả ăn cơm bụi Việt Nam”, anh Minh bức xúc nói.

Cảnh sát Thái Lan làm việc với đoàn du khách du lịch Việt bị bỏ rơi. (Ảnh: Người Lao Động)
Cảnh sát Thái Lan làm việc với đoàn du khách du lịch Việt bị bỏ rơi. (Ảnh: Người Lao Động)

Trong khi đó, trao đổi với Phóng viên Dân trí, bà Bích Huệ, đại diện Hà Nội Red Tours thừa nhận, việc ăn “trái đắng” như trường hợp của 17 du khách Việt khi đi du lịch bằng tour giá rẻ không phải là hiếm. Bình thường, hai yếu tố cấu thành giá tour là giá vé máy bay và giá landtour của đối tác nước ngoài. Để có giá tour thấp thì một là các công ty du lịch sẽ cắt bớt điểm tham quan, giảm chất lượng dịch vụ, hai là sẽ chịu lỗ. “Trường hợp kinh doanh chịu lỗ chắc chắn không đơn vị nào chấp nhận, vì thế để có giá tour rẻ chắc chắn họ phải cắt vào các dịch vụ đi kèm. So với các tour tuyến tại khu vực Đông Nam Á thì tour Thái Lan được coi là một trong những tour có mức giá hợp lý, phù hợp với túi tiền của phần đông du khách Việt.

Hiện nay, trên thị trường tour Thái Lan được các đơn vị lữ hành chào bán với nhiều mức giá khác nhau từ dưới 5 triệu đồng đến trên 6 triệu đồng. Giá cả khác nhau dẫn đến các dịch vụ cũng có sự chênh lệch. Rất nhiều người ham tour giá rẻ hoặc mua tour của các công ty “ma”, đã phải gánh chịu những rủi ro không nhỏ như: Bị nhà tour cắt giảm những điểm thăm quan như Safari World, Làng Văn hóa Noong Nuch, đảo San Hô... đặc biệt phải chịu sức “ép” shopping rất lớn”, bà Huệ nói.

Trước khi đi du lịch, du khách cần tìm hiểu kỹ các đơn vị cung cấp tour để tránh rủi ro. (Ảnh minh họa)
Trước khi đi du lịch, du khách cần tìm hiểu kỹ các đơn vị cung cấp tour để tránh rủi ro. (Ảnh minh họa)

Cảnh giác với những tour đột ngột giảm giá, giá quá thấp so với thị trường

Ông Nguyễn Văn Tài (Giám đốc công ty VietSense Travel) cho rằng, tour giá rẻ, tour “0 đồng” hiện đã trở thành cụm từ quen thuộc. Nhiều công ty, đơn vị lữ hành sợ mất khách, chấp nhận đưa ra mức giá quá thấp, thấp đến mức không thể đảm bảo chất lượng tour. Sau đó, họ lại ép các nhà cung cấp dịch vụ giảm chất lượng. Vì thế, mới xảy ra hàng loạt câu chuyện lùm xùm, khách bị bỏ rơi hay “tố” các công ty lừa đảo như thời gian vừa qua.

Ông Tài cũng cho biết, tour giá rẻ hiện nay chủ yếu tập trung ở thị trường Thái Lan. Nơi đây các hoạt động thương mại, du lịch phát triển rất chuyên nghiệp, sôi động. Phần chi phí của khách sẽ được bù đắp khi mua sắm và sử dụng các dịch vụ ở đây. Tuy nhiên điều này cũng gây ra rủi ro, khi nhiều công ty hạ thấp giá tour sẽ tìm mọi cách ép du khách vào điểm mua sắm với giá cao gấp nhiều lần so với thị trường.

“Du lịch không có sản phẩm dùng thử, không thể đánh giá bằng cảm quan. Khách hàng giao cho công ty hàng triệu, thậm chí cả trăm triệu nhưng cũng chỉ nhận được tờ giấy, hợp đồng ghi hành trình dự tính. Nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng đơn vị dẫn tour và hợp đồng trước khi du lịch, nhiều du khách có thể bị “sập bẫy” trước các chiêu quảng cáo, giảm giá của các công ty thiếu uy tín. Vụ việc 17 du khách bị bỏ rơi tại Thái Lan vừa qua là hậu quả rõ nhất cho cách thức làm ăn chộp giật kiểu này”, ông Tài khẳng định.

Đại diện đơn vị này cũng cho rằng, nếu khách có xu hướng tìm đến các loại hình du lịch giá rẻ thì nên chọn các công ty có tên tuổi, hoạt động lâu năm. Đồng thời, cần thận trọng với những tour đột ngột giảm giá, giá quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Trước khi mua tour, cần đọc kỹ hợp đồng, tìm hiểu lịch trình. Cảnh giác với những tour có quá nhiều điểm mua sắm trong khi lịch trình tham quan lại bị cắt giảm. Đối với các tour nước ngoài cần phải xem công ty đó có giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế hay không, kinh nghiệm dẫn tour ra sao để có những lựa chọn phù hợp.

Hà Trang