Tranh cãi khi Đà Nẵng tính đưa du khách ra thẳng Cù Lao Chàm

(Dân trí) - Chính quyền TP Đà Nẵng dự tính đưa du khách bằng đường thủy ra thẳng Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam). Trước thông tin này, dư luận có những tranh cãi trái chiều và lãnh đạo TP Hội An chưa đồng ý việc này.

Đầu tháng 4/2019, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch số 2162/KH-UBND về phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa TP Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021, trong đó có lộ trình mở tuyến du lịch từ sông Hàn đi thẳng ra Cù Lao Chàm.

Đảo du lịch Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm – hòn đảo xinh đẹp, quyến rũ của Hội An

Cụ thể, trong số 8 tuyến du lịch đường thủy nội địa dự định được TP Đà Nẵng đưa vào khai thác bổ sung có tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm. Lộ trình bến xuất phát từ cảng Sông hàn hoặc cầu tàu CT15 – cầu Thuận Phước – Cù Lao Chàm và ngược lại.

Trước động thái này, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch TP Hội An cho rằng, cho rằng Đà Nẵng muốn mở tuyến đưa thẳng khách ra Cù Lao Chàm phải bàn cụ thể với Hội An, Quảng Nam.

Đảo du lịch Cù Lao Chàm

Một góc Cù Lao Chàm với biển xanh, cát trắng

Theo ông Sơn, vì Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên hai địa phương phải bàn bạc với nhau, Đà Nẵng không thể đơn phương làm một mình. Hai bên phải thống nhất phương án, kế hoạch và các sản phẩm du lịch…

Lãnh đạo TP Hội An cũng cho rằng, việc mở tuyến du lịch sẽ tăng thêm khách và gây áp lực cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới dẫn đến làm phá vỡ cảnh quan môi trường. Ngoài ra, ở Cù Lao Chàm thức ăn, nước uống, dịch vụ... không đáp ứng đủ cho số lượng khách lớn.

Đảo du lịch Cù Lao Chàm

Âu thuyền trên đảo Cù Lao Chàm

Hiện chính quyền Hội An đã hạn chế du khách mỗi ngày ra đảo từ 3.000 người trở lại vì khả năng đáp ứng của Cù Lao Chàm chỉ đủ cho từng đó khách, nếu khách du lịch tăng đột biến mà không kiểm soát thì xảy ra nhiều hệ lụy.

Trên mạng xã hội cũng xảy ra tranh cãi về việc Hội An chưa đồng ý Đà Nẵng đưa du khách đi thẳng ra Cù Lao Chàm. Một số người bình luận trên mạng xã hội cho rằng Hội An “ngăn sông cấm chợ” khi không cho Đà Nẵng đưa khách đi thẳng mà phải đi bằng đường bộ vào cảng Cửa Đại rồi mới đi Cù Lao Chàm.

Nhiều người còn so sánh Côn Đảo - một địa danh du lịch nổi tiếng và cũng còn khá thiên nhiên - thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà sao du khách lại đi từ cảng Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng.

“Nếu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng “cứng nhắc” như Hội An thì khách đi Côn Đảo chỉ có thể đi từ Vũng Tàu, vì Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, không được đi từ cảng Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay đang có tuyến tàu thủy cao tốc ra Côn Đảo và gần hơn nhiều so với đi từ Vũng Tàu”, một người bình luận trên mạng xã hội.

Một bình luận khác: “Tự nhiên có cảm giác như đang quay lại cái thời “cấm chợ ngăn sông”, “bế quan tỏa cảng” đã đi vào dĩ vãng. Mong rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa trong tương lại không xa”.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng nếu TP Đà Nẵng muốn đưa khách ra Cù Lao Chàm thì trước tiên phải làm việc với lãnh đạo TP Hội An và tỉnh Quảng Nam để thống nhất chủ trương rồi mới thực hiện chứ không thể “đơn phương” đưa khách ra.

Những người ủng hộ không đưa khách đi Cù Lao Chàm từ Đà Nẵng cũng có lý do riêng của mình. Họ cho rằng, Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cần phải vừa khai thác vừa bảo vệ mới bền vững. Nếu đưa khách ra không kiểm soát thì sẽ “vỡ trận”, phá vỡ cảnh quan hòn đảo xinh đẹp này.

Chưa kể là hạ tầng Cù Lao Chàm không thể đáp ứng số lượng trên 3.000 du khách trong một ngày, kèm theo đó là dịch vụ, nước sạch, vệ sinh môi trường… “Tôi không ủng hộ tuyến đường thủy Đà Nẵng - Cù Lao Chàm vì nó sẽ ảnh hưởng cực kỳ xấu đến vấn đề môi trường trên đảo cũng như sẽ gây áp lực rất lớn đến quá tải du lịch cũng như đời sống của cư dân đảo và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm”, một người tên J.T. bình luận.

Một số ý kiến cho rằng chính quyền Hội An nên nên tăng giá tour lên cao cùng chất lượng tốt hơn để phục vụ du khách đến Cù Lao Chàm. Cần bán chất lượng chứ không cần số lượng nhiều như hiện nay. Mục đích cũng là để bảo vệ Cù Lao Chàm và phát triển du lịch một cách bền vững.

Công Bính