Trằm Trà Lộc – “viên ngọc” giữa đồng bằng

(Dân trí) - Hàng trăm năm nay, người dân địa phương luôn nâng niu, giữ gìn, bảo vệ khu rừng nguyên sinh giống như sinh mạng của mình, bởi khu rừng ấy được xem là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu, che chắn cho bà con trong làng trước bom đạn khốc liệt của chiến tranh, lẫn sự khắc nghiệt của thiên tai.

Ít ai ngờ rằng, bên cạnh những cánh đồng rộng, xung quanh được bao phủ đầy cát trắng lại có một khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, với hệ động thực vật vô cùng đa dạng. Thực tế đúng như vậy, có hẳn một khu rừng xanh bát ngát, rộng hàng chục ha đã tồn tại hàng trăm năm nay ở vùng đất được mệnh danh là “xứ sở gió Lào”, thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Khu rừng ấy được người dân gọi là bàu Trà Lộc (hay trằm Trà Lộc), nổi danh khắp chốn, như một thứ “đặc sản” mà thiên nhiên đã ban tặng cho miền cát trắng.

“Lá phổi xanh” giữa triền cát bỏng

Là người ngoại tỉnh nhưng khi đến với trằm Trà Lộc, không chỉ chúng tôi mà hầu hết du khách đều choáng ngợp bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây. Đến với vùng đất này, mọi người cảm thấy như đang lạc vào “chốn tiên cảnh”, cho dù trằm Trà Lộc đến nay vẫn còn khá hoang sơ, chưa phát huy được hết tiềm năng.

Lạc vào khu sinh thái, mọi người được cảm nhận sự mát rượi của khí trời, ngắm rừng nguyên sinh đa dạng
Lạc vào khu sinh thái, mọi người được cảm nhận sự mát rượi của khí trời, ngắm rừng nguyên sinh đa dạng

Giữa khu rừng này là một hồ nước rộng, với rất nhiều sen mọc giữa hồ tạo nên không gian thơ mộng và đầy quyến rũ. Những ngày nắng, cho dù thời tiết bên ngoài khá nóng bức, cát trắng bỏng cả chân nhưng đi vào trong khu rừng là cảm giác mát rượi, những ánh nắng chiếu qua tán cây tạo nên sự lung linh, huyền ảo mà hiếm nơi nào có được.

Trải qua bao biến cố, nhưng người dân sống tại vùng đất này đã ý thức được việc bảo vệ rừng như sinh mạng của mình. Đó như là trách nhiệm với thế hệ trước, ý niệm tự bảo vệ mình và hơn hết là trân quý những gì tạo hóa đã ban tặng. Cũng chính vì vậy mà hệ sinh vật nơi đây còn khá phong phú, đa chủng loại. Theo thống kê, nơi đây có khoảng hơn 100 loài thực vật, nhiều loại thuộc nhóm quý. Sống xen lẫn trong những loài cây bụi tầm thấp là các loại thực vật đặc trưng của vùng truông cát như: tràm, dẻ, trai, rỏi, tran…Cùng một số loài động vật tự nhiên, chim chóc và còn có khỉ…

Trằm Trà Lộc –  “viên ngọc” giữa đồng bằng - 2

Anh Nguyễn Hoàng Lê, một vị khách từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến du lịch vùng Trằm Trà Lộc đã tỏ ra khá bất ngờ trước cảnh sắc thiên nhiên nơi đây và thốt lên rằng: “Dù đã nghe mọi người kể về Trằm Trà Lộc nhưng đến đây tôi mới cảm nhận được đầy đủ không gian tuyệt đẹp ở đây. Qua hàng trăm năm mà người dân địa phương còn lưu giữ, bảo vệ tốt được khu rừng này thì thật đáng quý. Nếu được quan tâm đầu tư bài bản, chắc chắn nơi này sẽ thu hút nhiều du khách đến nghỉ dưỡng”.

Con đường dẫn vào Khu sinh thái Trà Lộc
Con đường dẫn vào Khu sinh thái Trà Lộc

Không chỉ đóng vai trò điều tiết khí hậu, nguồn nước, che chắn cho người dân trước mọi điều kiện khắc nghiệt của thiên tai mà trong những năm kháng chiến, khu vực Trằm Trà Lộc là nơi đóng căn cứ địa cách mạng, nơi để bộ đội ta hoạt động chiến đấu. Hiện nơi này vẫn còn lưu lại nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, các đình, miếu…từng là dấu tích hoạt động của bộ đội.

Khơi dậy tiềm năng du lịch

Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có, năm 2004, huyện Hải Lăng quyết định quy hoạch khu vực này để mở Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc. Theo quy hoạch, khu vực cần quản lý, bảo vệ để phát triển khu sinh thái có diện tích gần 100 ha, nằm giữa vòng cung của con sông Vĩnh Định, tiếp giáp với các xã Hải Thượng, Hải Ba, Hải Quy, Hải Vĩnh và cách Quốc lộ 1A chừng 5 km về phía Nam.

Năm 2006, Khu sinh thái Trà Lộc chính thức đi vào hoạt động. Với phong cảnh hữu tình, gồm nhiều loại cây rừng tự nhiên lâu năm cùng hồ sen và nhiều cá thể động vật hoang dã…Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc là điểm đến vui chơi hữu ích cho du khách gần xa trong những dịp lễ của quê hương, đất nước. Đến đây, du khách không chỉ được nhìn ngắm cảnh vật thiên sơ hoang dã, chìm đắm vào cảnh sắc đẹp miên man mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản, thắm đượm hương vị đồng quê…

Một em nhỏ mót sen trong hộ rộng đầy sen, bên cạnh là các chòi tranh 
Một em nhỏ "mót" sen trong hộ rộng đầy sen, bên cạnh là các chòi tranh 

Trung bình mỗi ngày có từ 500-600 lượt khách đến tham quan, du lịch, riêng các ngày lễ thì lượng khách tăng lên từ 700 - 1.000 lượt/ ngày. Lượng khách nhiều nhất là ở Quảng Trị, tuy nhiên cũng có một số khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh phía Bắc.

Đặc biệt, Trằm Trà Lộc còn nổi tiếng khắp vùng gần xa với lễ hội "phá trằm" (xả Trằm bắt cá), được tổ chức vào sau mỗi vụ mùa. Lễ hội này đã có từ hàng trăm năm nay và đã trở thành ngày hội truyền thống đặc trưng của người dân địa phương. Dù làm việc ở đâu nhưng hễ đến ngày hội làng là con em địa phương đều tề tựu đông đủ.

Lễ hội phá trằm được xem là ngày hội lớn nhất của người dân trong vùng
Lễ hội "phá trằm" được xem là ngày hội lớn nhất của người dân trong vùng

Ngồi trong những chòi tranh mát rượi, được thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản của miền quê, mọi người có thể thả hồn theo mây trời để tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên, nghe tiếng chim kêu véo von trong một không gian tĩnh lặng và thật lý tưởng.

Trong ngày này, người dân các nơi sẽ tập trung tại Trằm Trà Lộc để xem hội và thưởng thức các món đặc sản của quê hương
Trong ngày này, người dân các nơi sẽ tập trung tại Trằm Trà Lộc để xem hội và thưởng thức các món đặc sản của quê hương

Ông Cáp Văn Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Xuân cho biết: “Những năm qua, công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ hệ sinh vật tại Khu sinh thái cũng được Ban quản lý tại đây đặc biệt quan tâm. Trước đây, khi chưa lập Khu sinh thái thì khu vực này được giao cho làng Trà Lộc bảo vệ”.

Với đặc thù tự nhiên vốn có, cùng phong cảnh hữu tình nên Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc đã thu hút được nhiều du khách đến tham quan du lịch. Đây cũng là điểm nối giữa các tua du lịch xuyên Việt từ Thành cổ Quảng Trị đến La Vang. Qua đó góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh hoạt động lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện Hải Lăng nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Đăng Đức