Trải nghiệm du lịch từ thiện: Tại sao không?

(Dân trí) - So với các hình thức tour khác, những chuyến du lịch thiện nguyện khá vất vả, thiếu thốn song lại mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Dù còn khá lạ lẫm ở Việt Nam song hình thức du lịch này vẫn thu hút khá đông người tham gia.

Trải nghiệm nhân văn nhờ đi du lịch

Thay vì lựa chọn những địa điểm du lịch hấp dẫn, những khu nghỉ dưỡng sang trọng, thời gian gần đây nhiều người lại có xu hướng tận hưởng chuyến du lịch của mình bằng cách đầy ý nghĩa: du lịch kết hợp từ thiện. Với điểm đến thường là những nơi còn hoang sơ, khó khăn nhưng có nhiều lợi thế về cảnh quan, văn hóa bản địa. Du khách ngoài cơ hội trải nghiệm, khám phá vùng đất mới còn được tham gia vào các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng như: trồng cây, tặng quà, dạy học... So với các hình thức tour khác, những chuyến du lịch thiện nguyện khá vất vả, thiếu thốn song lại mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

Bạn Hà Vân Anh (Sinh viên năm 3, ĐH Ngoại Ngữ Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết, cảm giác vừa đi du lịch, vừa được trải nghiệm các hoạt động thiện nguyện rất thú vị. “Năm ngoái nhóm mình có đăng ký đi Sùng Đô, Văn Chấn (Yên Bái) 7 ngày. Mình vẫn nhớ như in cảm xúc hồi hộp khi đứng lớp dạy các bạn nhỏ vùng cao, hay khoảnh khắc tham gia làm đường, trồng cây cùng bà con dân tộc… Chuyến đi đã giúp mình có những ngày tháng vô cùng ý nghĩa và đáng sống”, Vân Anh nói.

Vân Anh trong chuyến đi trải nghiệm du lịch kết hợp dạy học tại Sùng Đô (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: NVCC
Vân Anh trong chuyến đi trải nghiệm du lịch kết hợp dạy học tại Sùng Đô (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: NVCC

Chị Hải (36 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ, năm nào gia đình chị cũng đăng ký tour du lịch từ thiện. Mỗi chuyến đi thường kéo dài 5 – 10 ngày, địa điểm chủ yếu là các xã nghèo vùng núi phía Bắc. Theo chị Hải, du lịch thiện nguyện tuy phải bỏ nhiều công sức nhưng lại luôn chứa đựng sự bất ngờ và đầy tính nhân văn. Sau mỗi chuyến đi, trẻ được bồi đắp tình yêu thương và nhìn cuộc sống đa chiều, những điều mà không phải sách vở nào cũng có. “Các con tôi ban đầu không hào hứng khi tham gia các chuyến đi. Tuy nhiên, khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của các bạn nhỏ vùng cao, được trải nghiệm các công việc như: làm đường, thu hoạch mùa màng hay giúp đỡ người nghèo… đã rất vui. Sau mỗi chuyến đi, tôi nhận thấy con mình thay đổi rất nhiều, sống có trách nhiệm và biết quan tâm đến mọi người hơn”, chị Hải cho biết.

Các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng luôn khiến cho các du khách có những trải nghiệm khó quên. Ảnh: Hà Anh
Các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng luôn khiến cho các du khách có những trải nghiệm khó quên. Ảnh: Hà Anh

Thực tế, du lịch thiện nguyện khá phổ biến và phát triển ở nước ngoài đặc biệt là Mỹ. Ở Việt Nam, thời gian gầy đây một số công ty lữ hành đã bắt đầu thiết kế và đưa các tour thiện nguyện vào hành trình của mình. Trong đó, hình thức tour khá đa dạng cho khách lựa chọn. Từ việc tham gia trồng cây, tặng quà, làm đường du khách cũng có thể đăng ký dạy học, nấu ăn, thu hoạch mùa màng cùng bà con bản địa… Ngoài ra xen lẫn vào chương trình thiện nguyện này là những chuyến cắm trại, khám phá hang động hay tìm hiểu văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của địa phương.

Nhân văn nhưng không dễ thực hiện?

Bà Bảo Thu, đại diện Fiditour cho biết, giá trị nhất của những tour du lịch này là giúp du khách được trải nghiệm những hoạt động ý nghĩa với cộng đồng, thấu hiểu hơn về những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống từ đó học được cách quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, du lịch thiện nguyện đòi hỏi những điều kiện mà không phải bất cứ ai, bất cứ lúc nào cũng có thể tham gia. Nhiều chương trình giới hạn số lượng thành viên để tập trung vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Mặt khác, các thành viên tham gia thường phải qua một số cuộc sát hạch và tập huấn thêm để bảo đảm có sức khỏe tốt, kỹ năng vận động, giao tiếp, lòng nhiệt tình, ý thức tôn trọng văn hóa...

Du khách tham gia trồng cây trong một chuyến du lịch thiện nguyện do Fiditour tổ chức. Ảnh: Bảo Thu
Du khách tham gia trồng cây trong một chuyến du lịch thiện nguyện do Fiditour tổ chức. Ảnh: Bảo Thu

Việc triển khai các tour theo hình thức này thường mất nhiều công sức và khó khăn hơn so với các tour thông thường.

“Để triển khai một tour du lịch thiện nguyện, ngoài việc lên một lịch trình phù hợp - đảm bảo cân bằng giữa hai yếu tố du lịch và làm từ thiện thì đơn vị tổ chức phải quán xuyến rất nhiều việc, từ liên hệ, khảo sát điểm đến, tìm hiểu địa phương cần hỗ trợ, giúp đỡ những gì, đến việc xin giấy phép, thống kê những hạng mục có thể hỗ trợ cho địa phương. Vậy nên, thường các công ty lữ hành có năng lực hoặc các tổ chức tình nguyện có kinh nghiệm mới làm tốt được điều này”, bà Thu nói.

Trong khi đó, đại diện một đơn vị lữ hành khác cũng cho biết, hiện nay, xu hướng du lịch thiện nguyện thu hút khá đông người tham gia. Tuy nhiên, không phải đơn vị lữ hành nào cũng mặn mà tổ chức. “Mục đích của các tour này là thiện nguyện, nên thường không có lãi. Trong khi việc tổ chức lại mất công, tốn nhiều thời gian hơn. Điểm đến của những loại hình du lịch này thường là vùng sâu, vùng xa nên không thể đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của các “thượng đế”… Chính vì những rào cản đó, mà ở Việt Nam hình thức tour này vẫn chưa thực sự bứt phá và tạo được dấu ấn”, đại diện này khẳng định.

Hiện nay, cũng có nhiều đội nhóm tổ chức hình thức du lịch này nhưng vì không thông qua các công ty lữ hành nên các hành trình du lịch vẫn nghiêng về từ thiện hơn là tạo ra những trải nghiệm mang tính khám phá. Trong khi đó, một số phong trào như: phượt tình nguyện, phượt vì cộng đồng… còn lẻ tẻ, thiếu dấu ấn. Thậm chí một số hoạt động từ thiện của các đoàn, nhóm du lịch còn gây phản cảm, không đạt được hiệu quả, mục đích ban đầu.

Tại một số địa phương, điểm du lịch cơ quan chức năng đã phải treo biển: “Đề nghị du khách không cho trẻ em tiền và kẹo bánh". Chính vì thế để những tour du lịch theo hình thức này thành công, đạt được mục đích, ý nghĩa vì cộng đồng thì ngoài năng lực tổ chức thì ý thức tham gia của các thành viên trong đoàn rất quan trọng. “Khi lựa chọn hình thức du lich này, bạn cần cân nhắc kỹ về các yếu tố như sức khỏe, sự nhiệt tình của bản thân với công tác từ thiện. Ngoài tấm lòng thì khả năng thích ứng, sự chia sẻ và đam mê dành cho hoạt đồng vì cộng đồng phải đủ lớn để đảm bảo chuyến đi đạt được mục đích trọn vẹn như ban đầu”, bà Bảo Thu, đại diện Fiditour khẳng định.

Hà Trang