Tìm ra nguyên nhân khiến đền Taj Mahal bị ố vàng

(Dân trí) - Một cuộc khảo cứu mới đây đã cho thấy chính các chất ô nhiễm đã khiến cho đá cẩm thạch của đền Taj Mahal - biểu tượng của Ấn Độ biến thành màu vàng nâu.

Ngôi đền Taj Mahal được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 này toạ lạc ở thành phố công nghiệp nhộn nhịp Agra, miền bắc Ấn Độ. Lâu nay, nhiều người đổ lỗi cho ô nhiễm không khí đã làm mất đi màu ngôi đền nổi tiếng. Do đó, 2 trường đại học Mỹ là Viện Kỹ thuật Georgia và trường Đại học Wisconsin, 1 trường đại học Ấn Độ là Viện Kỹ thuật Kanpur của Ấn Độ, cùng với Viện Khảo cổ Ấn Độ  đã thực hiện một cuộc khảo cứu kéo dài cả năm nhằm  xác định được các nguyên do cụ thể dẫn tới tình trạng mất màu của ngôi đền.

Ngôi đền Taj Mahal 

Ngôi đền Taj Mahal 

Để tiến hành cuộc khảo cứu, các nhà nghiên cứu đã đặt những mẫu cẩm thạch trinh nguyên nhỏ trên đền Taj Mahal, để chúng ở đó trong 2 tháng, và sau đó phân tích các phân tử đọng lại trên bề mặt các mẫu này. Một trong các tác giả cuộc khảo cứu, Giáo sư S.N.Tripathi tại Viện Kỹ thuật Kanpur của Ấn Độ, nói rằng các phân tử phát xuất từ nhiều nguồn. “Chúng ta có một đoàn xe ngày càng nhiều chạy bằng diesel ở các thành phố, những xe cỡ lớn, xe tải, đó là số 1, và là nguồn chính phát sinh ra carbon đen và carbon hữu cơ. Nhưng sinh khối bị đốt, nhất là trong mùa lạnh này, chúng đốt mọi thứ. Người ta có thể ở trong nhà, chỉ đốt củi thôi, nhưng bên ngoài, người ta dùng đến phân bò, và mọi loại rác để đốt, đó cũng là một nguồn chính của carbon hữu cơ” – giáo sư Tripathi cho hay. Các nhà khảo cứu nói nhiều năm dùng đốt các nhiên liệu hoá thạch, sinh khối và rác rưởi cũng như bụi đất đã để lại những cặn bã carbon biến vòm cẩm thạch và những ngọn tháp trắng tinh của đền Taj Mahal thành màu vàng nâu.

Từ nhiều năm qua, các nhà hoạt động đã cảnh báo rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Agra đang làm ngôi đền Taj Mahal mất đi phần hào quang. Trong thập niên vừa qua, nhà chức trách đã cấm xe đến gần ngôi đền 500 met. Các nỗ lực đã được thực hiện để cung cấp nhiên liệu sạch cho các công nghiệp và cải thiện nguồn năng lượng nhằm giảm thiểu tác động của các máy phát điện chạy bằng dầu diesel. Nhưng bất chấp các biện pháp đó, một cuộc khảo cứu năm 2010 cho thấy sự tăng trưởng liên tục của công nghiệp, dân số và xe cộ giao thông chỉ làm cho tình trạng ô nhiễm không khí ở Agra tệ hại thêm.

Các nhà bảo vệ môi trường đang nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ ngôi đền nhắm thẳng vào mục tiêu hơn. Nhà bảo vệ môi trường Ratish Nanda ở New Delhi nói việc ngôi đền hơn 360 tuổi bị dãi dầu phần nào là điều phải dự kiến. Ông cũng tin rằng không nên thổi phồng quá đáng vấn đề phai màu không thôi. Tuy nhiên ông Nanda nhấn mạnh đến sự cần thiết phải theo dõi nhiều hơn và sự tham dự lớn hơn của cộng đồng khoa học cũng như dành nhiều ngân khoản hơn cho việc bảo vệ ngôi đền.

“Có nhiều cuộc khảo cứu nói rằng hiện tượng úa màu đang xảy ra và xảy ra như thế nào, nhưng tuyệt đối không có công tác nào được tiến hành để ngăn chặn việc ấy. Toàn bộ cơ chế bảo tồn đền Taj Mahal cần phải thay đổi … Tuyệt đối có một điều vô cùng cấp thiết là thi hành một chế độ bảo toàn, rằng bất cứ công tác giữ sạch nào cũng phải rất tế nhị và không có tác động dài hạn”, ông Nanda phân tích.

 Kể từ năm 1994, nhà chức trách đã dùng biện pháp phủ bùn lên ngôi đền để tẩy sạch các vết ố do ô nhiễm gây ra. Dựa vào phương pháp làm đẹp của phụ nữ, phương pháp này đã trét đất sét chứa nhiều đá vôi bao lên bề mặt của ngôi đền, sau đó lột lớp đất sét này ra. Ngôi đền đã được xử lý như thế lần thứ tư hồi tháng 6 năm ngoái, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng cách này cũng có thể có những tác dụng phụ không hay.

Năm 2013, ước tính gần 6 triệu người đã đến thăm ngôi đền, được coi là một trong những điển hình tinh vi nhất của nghệ thuật và kiến trúc Mughal ở Ấn Độ.

Hà Anh
Theo VOA