Quảng Nam:

Tiềm năng du lịch ở “thủ phủ vàng Phước Sơn”

(Dân trí) - Huyện vùng cao Phước Sơn được xem là “thủ phủ vàng” của tỉnh Quảng Nam, tiềm năng du lịch nơi cũng đang chờ các nhà đầu tư đổ vốn vào để đánh thức vùng đất nhiều tiềm năng này.

Cuối tuần qua, chính quyền huyện Phước Sơn đã tổ chức tọa đàm xúc tiến đầu tư du lịch “Phước Sơn – điểm hẹn mới”. Hàng chục nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch đã đến huyện khảo sát và trực tiếp nghe báo cáo về tiềm năng du lịch ở vùng đất vàng Phước Sơn này.

Du lịch vùng thủ phủ vàng Phước Sơn

Lễ hội mùa của đồng bào Bhnong huyện Phước Sơn

Theo ông Hồ Quang Hường – Phó Chủ tịch huyện Phước Sơn, kế hoạch đầu tư hạ tầng du lịch địa phương từ 2019-2025 gồm đầu tư phát triển Khu du lịch Hồ Mùa Thu gắn với khu bảo tồn văn hóa của người Bhnong. Nơi đây gắn liền với tượng đài chiến thắng Khâm Đức, khu du lịch tâm linh chùa Yên Sơn.

Du lịch vùng thủ phủ vàng Phước Sơn

Suối nước Lang

Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh các hoạt động đầu tư làng du lịch cộng đồng tại thôn Lao Đu tại xã Phước Xuân gắn với thác nước, khu du lịch sinh thái Nước Lang, lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4, khám phá và phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm núi Xuân Mãi, khu dược liệu nguyên sinh sâm ba kích…

Trong định hướng phát triển du lịch ở “thủ phủ vàng” này còn có các địa chỉ khác mà các nhà đầu tư và du khách cũng quan tâm như khu vực rừng 48, xã Phước Chánh. Nơi đây được quy hoạch khu du lịch sinh thái, làng du lịch cộng đồng để người dân cùng làm du lịch, phát triển kinh tế kết hợp quy hoạch trồng các loại cây dược liệu. Khu vực đồi E có cao độ 785m với mặt bằng khoảng 7ha, nơi đây có tiềm năng xây dưng khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng.

Du lịch vùng thủ phủ vàng Phước Sơn

Dạo chơi trên hồ thủy điện Đăk Mi 4

Theo lãnh đạo huyện Phước Sơn, phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng cũng là một trong những ưu tiên để xúc tiến đầu tư mà huyện chú trọng trong thời gian tới. Theo đó, trên địa bàn huyện hiện ưu tiên phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, tham quan lòng hồ thủy điện Đăk Mi 2,3,4, tham quan quy trình khai thác và chế biến vàng tại mỏ vàng Phước Sơn.

Ngoài ra, các giá trị văn hóa vật thể như nhà làng truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, cơm lam, bánh oóc… của người Bhnong gắn liền với những giá trị văn hóa phi vật thể là các lễ hội, ẩm thực truyền thống gắn với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiều số Bhnong trên địa bàn huyện như hát đối đáp, hát lý, múa cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ dân tộc…

Du lịch vùng thủ phủ vàng Phước Sơn

Quy trình sản xuất vàng ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn

Vùng đất vàng Phước Sơn còn có các di tích lịch sử như đồi E, cứ điểm Ngok Ta Vat, sân bay Khâm Đức… là những địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đến tham quan, khám phá nơi đây.

Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam – cho rằng, du khách huyện Phước Sơn từ Đông Giang, Nam Giang đi qua và kết nối Kon Tum, từ đó có cơ hội kết nối không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Như vậy, không gian văn hóa cồng chiêng phía Bắc dãy Trường Sơn sẽ có cơ hội phát triển.

Về tiềm năng du lịch của địa phương, ông Cường cho biết huyện Phước Sơn có Hồ Mùa Thu, đồi E, sân bay Khâm Đức và gắn với văn hóa đồng bào dân tộc Bhong. Đặc biệt, huyện Phước Sơn có một sản phẩm rất đặc trưng theo ông Cường là khai thác vàng.

“Về khai thác vàng, nếu chúng ta làm chuẩn về quy trình thì sẽ có cơ hội cho du khách trải nghiệm trong quá trình khai thác vàng”, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam phát biểu.

Công Bính