Thời kỳ đầu gian khó xây dựng tập đoàn Mường Thanh (Phần 1)

Tập đoàn Mường Thanh thời kỳ đầu tuy còn nhiều khó khăn vất vả nhưng đã mau chóng gây dựng hình ảnh một doanh nghiệp xây dựng uy tín với những công trình chất lượng, tiến độ thi công nhanh… hàng đầu tại tỉnh Lai Châu cũ.

Nhớ lại thời kỳ đầu Chủ tịch Lê Thanh Thản mới lên lập nghiệp tại đất Lai Châu (sau này tách thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên), chú Cao Đăng Chính – Phó Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cho biết, Bác Thản vốn là cán bộ của tỉnh ủy Nghệ An được điều động tăng cường lên tỉnh ủy Lai Châu vào năm 1984 nhận nhiệm vụ mới. Lần lượt trải qua các vị trí công tác tại huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, sau đó Bác Thản được giao đảm nhiệm vị trí Phó Văn phòng huyện ủy Mường Lay, đồng thời kiêm nhiệm thêm phụ trách đội xây dựng của huyện, là người tổng chỉ huy xây dựng cơ quan huyện ủy thời bấy giờ.


Từ những năm đầu thành lập đến nay tập đoàn Mường Thanh luôn nỗ lực không ngừng trong công tác thiện nguyện.

Từ những năm đầu thành lập đến nay tập đoàn Mường Thanh luôn nỗ lực không ngừng trong công tác thiện nguyện.

Với óc kinh doanh mau lẹ, Bác Thản nhanh chóng nhận ra cơ hội làm giàu từ ngành xây dựng. Lúc đó, tại tỉnh Điện Biên, nhà sàn của người dân tộc Thái rất lớn nhưng chỉ lợp bằng mái gianh, dễ gây hỏa hoạn, đã cháy là cháy cả bản. Vì vậy, Bác Thản đã cho người nhà về Hải Phòng học kỹ thuật sản xuất vật liệu xây dựng, đúc gạch ngói. Trực tiếp Bác Thản cũng tham gia vào các công đoạn sản xuất gạch ngói để bán cho người dân.

Chú Chính kể lại: “Gạch ngói của Bác Thản sản xuất ra chất lượng tốt, nhiều người mua, thậm chí sản xuất ra không đủ hàng để bán. Tuy vậy, thời kỳ đó, không phải người dân nào cũng có sẵn tiền để mua, nên nhiều người trong số họ quay sang hình thức ‘hàng đổi hàng’. Nghĩa là dùng trâu, bò, lợn gà, thóc… để đổi lấy gạch ngói. Bác Thản cũng đồng ý, mặc dù phải vất vả ‘chuyển hóa’ những thứ này thành tiền”.

Cùng với việc sản xuất gạch ngói, Bác Thản cho xây dựng khu trang trại rộng khoảng 2 héc ta để làm nơi nhốt trâu bò, lợn gà – những hàng hóa mà người dân đem đến đổi lấy gạch gói. Công việc tuy vất vả, nhưng bước đầu cũng đem lại nguồn thu lợi đáng kể.

Ngoài ra, Bác Thản cùng với đội xây dựng của huyện Mường Lay cũng tích cực nhận các công trình thi công cho các cơ quan trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũ. Đặc biệt, những công trình tại các vùng khó khăn, hiểm trở, vùng núi, Bác Thản vẫn xung phong vào nhận làm. “Người ta chạy ra thì mình chạy vào, miễn là có việc cho anh em công nhân. Vất vả đến mức, có những công trình mình phải dùng ngựa, hoặc người gùi xi măng, sắt thép lên núi để xây dựng”, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên chia sẻ.

Bước ngoặt đến với Mường Thanh khi vào năm 1990 Chính phủ ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (cùng được Quốc hội Khóa VIII thông qua ngày 21/12/1990). Đây là các văn bản pháp lý đầu tiên cho phép thành lập các tổ chức kinh tế thuộc tư hữu, bao gồm các loại hình là: công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần (thành lập theo Luật Công ty) và doanh nghiệp tư nhân (thành lập theo Luật Doanh nghiệp tư nhân). Tuy vậy, phải đến năm 1992, Quốc hội mới thông qua Hiến pháp mới, công nhận: "Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định pháp luật". Qua đó đưa Luật Doanh nghiệp tư nhân thực sự đi vào hoạt động.

Năm 1992, được sự tham mưu của anh em cấp dưới, Bác Thản đã quyết định đi vay mượn thêm tiền mở Xí nghiệp Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên. Thời kỳ đó, Luật Doanh nghiệp quy định rất chặt chẽ về vốn pháp định và được kiểm tra, giám sát bởi Trọng tài kinh tế cấp tỉnh (tương đương Sở Kế hoạch đầu tư hiện nay). Khi thành lập công ty, Bác Thản nhận được nhiều công trình hơn, uy tín ngày càng được nâng cao bởi chất lượng công trình tốt, tiến độ thi công nhanh...

Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển thị xã từ Lai Châu về Điện Biên, Xí nghiệp Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là đơn vị xây dựng nhận được nhiều công trình thi công hệ thống đường xá, các công trình trụ sở của cơ quan nhà nước.

Nói về con người Chủ tịch Thản, chú Chính cho biết, ấn tượng nhất ở Bác là tính quyết đoán, đầu óc kinh doanh giỏi. “Từ hồi còn làm Bí thư đoàn ở xã Diễn Lâm, Bác Thản đã đi buôn sắn, vừa có chút lãi, vừa có sắn mang về chia cho các hộ gia đình khó khăn trong xã. Lúc đó, kinh tế còn rất khó khăn, các gia đình thiếu ăn rất nhiều. Việc làm của Bác vừa mang ý nghĩa kinh tế, vừa thể hiện lòng thương người, tính nhân văn nhất quán trong suy nghĩ, hành động”, chú Chính nói.

Có một kỷ niệm Chú chính đến giờ còn nhớ, đó là thời điểm Bác Thản đi vay mượn tiền để thành lập doanh nghiệp. Số tiền vay nợ nhiều đến mức nhiều anh em trong đó có chú Chính rất lo lắng cho Bác. Nhưng với tinh thần lạc quan, cũng tính quyết đoán, tự tin vào cách kinh doanh của mình, bác Thản đã nói với chú Chính: “Sang năm anh mua U-oát (UAZ), anh em chạy xe về Diễn Châu (Nghệ An)”. Nếu biết thời điểm mua xe của Bác Thản vào khoảng năm 1988 – 1989, xe UAZ của Bí thư tỉnh ủy Lai Châu còn… xấu hơn cả xe của Bác mới thấy tài kinh doanh, khả năng ứng biến nhanh nhạy với thời cuộc của Bác Thản giỏi đến cỡ nào.

H.L