Thanh minh trong tiết tháng ba

(Dân trí) - Sau những ngày xuân phân rạo rực sức sống, tiết thanh minh mang đến sắc thái đằm thắm hơn, dịu ngọt hơn. Đi qua những ngày nắng mới, tiết thanh minh trở lại giữa đất trời và lòng người trong sự sinh chuyển của cỏ cây.

Người dân nhiều nơi kết hợp Tết Thanh Minh với Tết Hàn Thực, tức ngày bánh trôi bánh chay, được tổ chức vào ngày 3 tháng Ba âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế Tết Thanh Minh đi theo quy luật vận hành của Mặt Trời - lịch dương chứ không theo lịch Mặt Trăng - lịch âm, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng Tư dương lịch.

Tiết thanh minh cũng là thời khắc để những loài hoa đồng nội có dịp khoe hương sắc
Tiết thanh minh cũng là thời khắc để những loài hoa đồng nội có dịp khoe hương sắc

Tết Thanh Minh năm nay đúng vào 6/3 (âm lịch) và càng thêm ý nghĩa khi gần trùng với ngày Giỗ Tổ (ngày 10 tháng Ba âm lịch), thể hiện sự dung hoà kỳ diệu giữa trời và đất, giữa xưa và nay, giữa cội nguồn và thực tại, nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải luôn nhớ về tổ tiên.

Thanh Minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Sau những ngày xuân phân rạo rực sức sống thanh tân, tiết thanh minh mang đến sắc thái đằm thắm hơn, dịu ngọt hơn. Đi qua những ngày nắng mới, tiết thanh minh trở lại giữa đất trời và lòng người trong sự sinh chuyển của cỏ cây.

Tiết thanh minh cũng là thời khắc để những loài hoa đồng nội có dịp khoe hương sắc. Những xoan, những gạo ấp ủ nụ hương từ những ngày xuân phân nay thi nhau bung nở. Khắp cánh đồng quê vương đầy hoa gạo đỏ và những bờ thửa, bờ ao lại phủ tím hoa xoan...

Tết Thanh Minh phảng phất trong bóng dáng mỗi con người là dấu ấn quê hương không dễ phai mờ theo năm tháng. Quê hương, nguồn cội chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi cá nhân con người. Nếu không có điều kiện trở về quê hương trong dịp Thanh Minh này, xin hãy hướng về nơi thiêng liêng ấy bởi quê hương đi theo chúng ta suốt cuộc đời, in đậm dấu ấn trong từng nhân cách.

Lòng người cũng vậy, bỏ đi mọi xô bồ của đời sống để trở lại với những cảm giác yên ả, thành kính trong những tập tục truyền thống giữa tiết thanh minh.

Những buổi sáng tinh khiết ấy đã gieo vào lòng những ai xã quê những xúc cảm không mấy khi tìm lại được. Và mùi nước sông sớm mai quyện lẫn mùi khói lá tre le the bay ra từ những căn bếp trong những ngày thanh minh nhàn tản đã trở thành một thứ mùi trong ký ức.

Thanh minh là dịp sống lại các giá trị xưa cũ tốt đẹp
Thanh minh là dịp sống lại các giá trị xưa cũ tốt đẹp

Tết Thanh Minh cả làng quê rộn rã dàn hợp xướng của loài chim. Tiếng chim vọng trên ngọn cây đa cổ thụ đầu làng, tiếng chim lảnh lót bên bờ suối, tiếng chim dồn dập đuổi nhau trên đồi cọ. Một làng quê thanh bình, yên ả bỗng dưng ngan ngát mùi hương, bỗng dưng tràn ngập lộc biếc, bỗng dưng tràn ngập sắc hoa.

Thanh minh - từ bao đời nay đã là một phần đời sống tinh thần, tâm linh người Việt. Một thời gian dài, Thanh minh bị lãng quên hoặc chỉ tồn tại ở vài vùng nông thôn; nhưng mấy năm gần đây, phong tục này đang hồi sinh mạnh mẽ, lan tỏa trong đời sống hiện đại với những sắc màu mới.

Người ta chưa thống kê có bao nhiêu địa phương tổ chức cúng Thanh minh hàng năm, tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng Thanh minh đang trở lại. Làng quê trong mùa Thanh minh, những khu vực vắng vẻ bỗng trở nên nhộn nhịp, ấm áp.

Ở phố, Thanh minh là dịp sống lại các giá trị xưa cũ tốt đẹp. Khi cuộc sống vật chất ngày càng được đủ đầy, những giá trị tinh thần càng được con người đề cao.

Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước.

Minh Phan
Ảnh: Internet