Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ

(Dân trí) - Thảo Đường hay “ngôi nhà cỏ” của Đỗ Phủ là điểm du lịch không thể bỏ qua khi bạn đến thăm Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nơi đây đã đón tiếp rất đông du kách, đặc biệt là các danh nhân, chính khách và các nghệ sỹ lớn đến thăm.

Đỗ Phủ (712-770) là một nhà thơ nổi bật thời nhà Đường (Trung Quốc). Trong thơ ông, đạo đức và lịch sử đã chiếm phần quan trọng. Tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng của ông nên từng được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là Thi sử và Thi thánh.

Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 1

Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc. Tham vọng lớn nhất của ông là có được một chức quan để giúp đất nước, nhưng ông đã không thể thực hiện được điều này. Cuộc đời ông, giống như cả đất nước, bị điêu đứng vì “Loạn An Lộc Sơn” năm 755 và 15 năm cuối đời ông là khoảng thời gian hầu như không ngừng biến động.

Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 2

Trong cuộc đời Đỗ Phủ, ông viết đến hàng ngàn bài thơ, tuy nhiên, một trong những câu thơ nổi tiếng nhất của ông là: “An đắc quảng hạ thiên vạn gian. Đại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan” (Mong sao có được ngàn vạn gian nhà lớn. Để giúp cho các hàn sĩ trong thiên hạ đều được vui vẻ mặt mày). Câu thơ này đã trở thành biểu trưng cho tấm lòng lo cho dân cho nước của Đỗ Phủ, giúp Đỗ Phủ có được danh hiệu “Thi thánh” cao quý trong lịch sử thơ văn Trung Quốc.

Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 3

Năm 760 ông tới Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), nơi ông đã sống trong năm năm tiếp theo. Tới mùa thu năm đó ông rơi vào cảnh túng quẫn phải gửi thơ tới những người quen biết để cầu xin giúp đỡ. Ông được Nghiêm Vũ, một người bạn và là đồng môn đang làm tổng trấn ở Thành Đô giúp đỡ. Dù vậy đây vẫn là một trong những giai đoạn thanh bình và hạnh phúc nhất của ông, và nhiều bài thơ sáng tác trong thời kỳ này miêu tả lại cuộc sống thanh bình trong “thảo đường” ở đó.

Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 4

Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, ông dựng mái nhà tranh bên suối Hoãn Hoa, đặt tên là Thảo Đường. Ông gửi thư đi các nơi xin đào, lý, mai, cúc... các thứ cỏ hoa về trồng. Thảo Đường ở phía Tây, quay lưng vào quách Thành Đô, ngoài là đường Thạch Tuân, phường Bích Khê, phía Bắc đầm Bách Hoa, phía Tây cầu Vạn Lý, suối Hoãn Hoa, gần sông Cẩm, phía Tây Bắc trông ra núi Tây Lĩnh quanh năm tuyết phủ. Phong cảnh hữu tình, ngôi nhà nhỏ càng đượm màu thanh nhã...

 

Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 5


Mùa thu năm ấy, một cơn gió lốc lật mất mái tranh Thảo Đường, ông làm bài thơ nổi tiếng “Mao ốc vi thu phong sở phá ca”, mơ ước “Có ngôi nhà lớn muôn gian để che chở cho kẻ nghèo khắp thiên hạ. Bao giờ nhà lớn sừng sững hiện ra, riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được”.

Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 6

Đầu năm Bảo Ứng (762), vì loạn nên ông đưa gia đình chạy khắp nơi, gần hai năm sau mới trở về lại mái nhà tranh ở Thành Đô. Được Nghiêm Vũ tiến cử, Đỗ Phủ nhận chức Kiểm hiệu công bộ viên ngoại lang. Nghiêm Vũ mất, ông cũng thôi việc. Lúc này bao bạn thân của ông như Lý Bạch, Cao Thích lần lượt từ giã cõi đời, để lại cho ông nỗi buồn vô hạn. Ông lại phiêu bạt tới vùng Quỳ Châu.

Chùm ảnh Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ

Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 7
Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 8
Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 9
Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 10
Thăm Thảo Đường của nhà thơ Đỗ Phủ - 11
Du khách tham quan Thảo Đường
Du khách tham quan Thảo Đường

Tin, ảnh: V.Lộc-C.Bính