Thăm ngôi làng của những ngôi mộ tiền tỉ trên đất Huế

(Dân trí) - Nghe tiếng ngôi làng và xem ảnh đã lâu, nhưng đến khi được tận mắt trông thấy những ngôi mộ bề thế, hoành tráng, tất cả chúng tôi đều phải thốt lên: quá choáng ngợp.

Tỉnh lộ 49B những ngày tháng 6 nắng rát mặt. Vì ở Huế đã rất nhiều lần nên chuyến đi này, chúng tôi chọn hướng chạy xe dọc tỉnh lộ này, xuôi theo đường biển để đến Phá Tam Giang, rồi có thể ra cả Lăng Cô nghỉ ngơi nữa. Qua biển Thuận An, con đường thưa vắng người qua lại dần và hầu như không có xe tải nào chạy trên đường. Trời nắng như đổ lửa dù thi thoảng vẫn đón được vài cơn gió mát lành từ biển thổi vào. Có những đoạn nhìn thấy biển, nhưng đường càng lúc càng rời xa biển hơn và nhà cửa cũng thưa thớt hơn.
 
Thăm ngôi làng của những ngôi mộ tiền tỉ trên đất Huế
Làng An Bằng nổi tiếng với rất nhiều ngôi mộ được xây dựng công phu, tinh xảo có giá lên đến cả chục tỉ đồng.

Có rất nhiều những ngôi mộ của các dòng họ nằm rải rác trên đường, trong vườn nhà. Vẫn được nghe rằng người Huế rất coi trọng việc xây cất mồ mả cho tổ tiên, xây hẳn những ngôi mộ tổ, rồi cả dòng họ hay người trong gia đình cùng tu tập về một nơi, nhưng khi thấy một ngôi nhà có đến 7 ngôi mộ bề thế xây quanh vườn, được trang trí tỉ mẩn, chúng tôi ai nấy đều không khỏi giật mình.

Làng mạc thưa thớt dần, nhường chỗ cho đầm nước và những ngôi mộ. Ban đầu chỉ lác đác vài cái, rồi qua nghĩa địa rộng lớn cho đến khi đi qua xã An Bằng, nơi vẫn nổi tiếng xa gần bởi những ngôi mộ bề thế, hoành tráng nhất.
 
 Những người thợ tài hoa đã xây nên những tác phẩm tuyệt đẹp.
 Những người thợ tài hoa đã xây nên những tác phẩm tuyệt đẹp.

Tò mò là cảm giác đầu tiên xâm chiếm lấy chúng tôi khi quyết định rẽ vào làng. Không một bóng người qua lại. Ngôi làng vốn là một làng chài với những người con xa xứ từ vài chục năm nay, giờ quay lại rót tiền xây nhà xây mộ. Từ đầu làng vào sâu bên trong, hàng chục ngôi biệt thự đẹp đẽ, rộng rãi nhưng bỏ hoang không người ở hay trông coi. Càng vào sâu bên trong, mộ càng nhiều, mở rộng sang cả hai bên, ra đến tận sát ven biển.
 
Phong cách cung đình và lăng mộ Huế nổi bật.
Phong cách cung đình và lăng mộ Huế nổi bật.

Những chiếc xe được dựng lại dưới bóng mát của rặng phi lao, mọi người tản ra mỗi người một hướng, tiến vào khu lăng mộ bề thế vẫn được gọi là “thành phố ma” giữa trưa hè nóng bức. Sự choáng ngợp khi nhìn thấy những ngôi mộ đầu tiên dần nhường chỗ cho sự kinh ngạc, càng vào sâu bên trong càng nhiều, đủ các hình thù kiểu dáng, đủ các màu sắc hoa văn, đủ các kích cỡ to nhỏ. Những ngôi mộ được xây vô cùng công phu và tỉ mỉ. Hình dáng được sử dụng nhiều nhất là hình ảnh nguyên mẫu các khu lăng tẩm triều nhà Nguyễn với phiên bản thu nhỏ, nhưng chuẩn với từng lầu son gác tía, cột rồng phượng quấn quanh, vô cùng xa hoa lộng lẫy về màu sắc. Các nét chạm khắc tinh xảo đến khó tin. Đi giữa những ngôi mộ với đủ màu sắc và kiểu dáng vào giữa trưa, không ai cảm thấy rợn mà thấy vui mắt và tò mò muốn xem người ta đã xây nên những ngôi nhà cho người đã mất với bao nhiêu kiểu dáng.
 
 Phiên bản thành Đại Nội Huế thu nhỏ.
 Phiên bản thành Đại Nội Huế thu nhỏ.

"Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, chóng qua, còn cuộc sống bên kia thế giới mới là vĩnh cửu" làlời giải thích cho lý do vì sao mảnh đất này lại có nhiều ngôi mộ hoành tránh đến thế. Cũng vì lý do này, người ta sẵn sàng đổ tiền để xây cho mình nơi an nghỉ tuyệt vời nhất. Có rất nhiều ngôi mộ được xây sẵn và những ngôi mộ sau bề thế hơn những ngôi mộ trước. Nghe đâu có rất nhiều ngôi mộ được xây với mức giá tiền tỉ, thậm chí là cả chục tỉ đồng. Nhìn những thành quách, những cột kèo, chạm khắc tuyệt đẹp như thế này trên những mảnh đất rộng cả trăm mét vuông, chắc chắn có nhiều ngôi mộ sở hữu mức giá tiền tỉ.

Từ trên tháp nhà thờ có thể thấy toàn cảnh khu “thành phố ma” nổi tiếng.
Từ trên tháp nhà thờ có thể thấy toàn cảnh khu “thành phố ma” nổi tiếng.

Nếu bạn muốn ngắm toàn cảnh khu lăng mộ, tốt nhất hãy vào nhà thờ An Bằng, leo lên tháp chuông cao nhất. Từ đây có thể nhìn thấy tứ bề mới thấy hết được mức độ rộng lớn của khu mộ. Theo lời người dân ở đây, đi ba ngày cũng xem chưa hết mộ của làng. Sâu trong làng còn có một ngôi chùa, nơi tượng Quan Âm Bồ Tát nhìn ra biển khơi lộng gió suốt đêm ngày.
Chùa An Bằng nhìn ra biển Đông.
Chùa An Bằng nhìn ra biển Đông.

Nếu có dịp đi trên con đường tỉnh lộ của xứ Huế này, hãy dành chút thời gian chiêm ngưỡng những tác phẩm tuyệt đẹp của những người thợ xây. Hãy tránh đi vào ban đêm đến nơi này vì dù sao đây vẫn là khu nghĩa trang, nơi yên nghỉ của những người đã mất.

Bài và ảnh: Lam Linh