Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa

(Dân trí) - Không gian rộng rãi, thoáng đãng với nhiều cây lâu năm bao quanh điện thờ và lăng mộ tạo cho lăng Ông (Bà Chiểu) - nơi thờ phụng Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Định xưa như thoát khỏi những ồn ào, khói bụi của Sài Gòn dù nằm ngay trung tâm của quận Bình Thạnh.

Sài Gòn có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, trải qua nhiều thăng trầm những những người đã góp công giúp cho vùng đất này phát triển luôn được hậu thế ghi nhớ. Trong đó, có Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), một nhà chính trị, quân sự Việt Nam thời Nguyễn.

Ông là một trong các chỉ huy chính của quân đội chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn. Khi chiến tranh kết thúc nhà Nguyễn (vua Gia Long) được thành lập, Lê Văn Duyệt trở thành một vị quan, tướng quân giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình; nhiều lần công cán ở cả phía Bắc thành và hai lần được cử làm tổng trấn Gia Định.

Việc cai trị của ông đã góp công lớn giúp ổn định và phát triển khu vực Nam Bộ, khiến cho vùng này từ một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thành một khu vực bình yên và giàu có. Ông được xem là vị đệ nhất khai quốc công thần giúp cho vùng đất Sài Gòn xưa phồn thịnh.

Không chỉ có tài quân sự, Lê Văn Duyệt còn là một nhà chính trị. Làm tổng trấn Gia Định Thành hai lần (1812-1816 và 1820-1832), ông đã thực hiện chính sách trị an tốt, và có công lớn trong việc giữ gìn an ninh cho xứ sở. Ông cho đắp đường, điều động đào kênh Vĩnh Tế- một công trình rất có ý nghĩa to lớn về kinh tế và quốc phòng, mang lại hiệu quả rất lớn cho cho đất nước đến mãi ngày hôm nay.

Ông cho củng cố thành lũy, lập hai cơ quan từ thiện là "Anh hài" và “Giáo dưỡng” để dạy về văn và võ... Ông ứng xử khéo léo, giúp đỡ nhiều người phương Tây và người Hoa đến Sài Gòn làm ăn buôn bán nên nhiều người kính phục, gọi ông là "Ông Lớn Thượng", hay " Đức Thượng Công"... Một vài nước lân cận cũng tỏ ra kiêng nể ông.

Đối với nghệ thuật hát bội miền Nam, nghệ sĩ tôn vinh ông là người bày ra nghi lễ đại bội theo kiểu cung đình đưa vào diễn ở đình làng tri ân Thành hoàng bổn cảnh.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 1

Khu đền và mộ tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM. Do vị trí Lăng Ông nằm cạnh Chợ Bà Chiểu nên người dân quen gọi chung Lăng Ông - Bà Chiểu.

Cả khu lăng mộ này được xây dựng trên một gò đất cao nằm giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Nơi đây rộng 18.501 m², trong công trình kiến trúc của lăng, được xây dựng sớm nhất là phần mộ. Chung quanh khu lăng có bức tường bao bọc dài 500m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, được xây dựng vào năm 1948. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 2

Trong khuôn viên khu lăng mộ có rất nhiều cây lâu năm, tỏa bóng mát và tạo không gian yên bình cho nơi đây.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 3

Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bên trong có tấm bia đá khắc văn bia chữ Hán đề "Lê công miếu bia" (Bia dựng tại miếu thờ Lê công) do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894). Nội dung văn bia ca tụng công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 4

Phần mộ gồm hai ngôi mộ song táng: Tả quân và vợ là bà Đỗ Thị Phẫn. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng ngỗng xẻ theo chiều dọc, úp trên bệ lớn hình chữ nhật.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 5

Trước mộ có một khoảnh sân nhỏ để làm lễ. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 6

Cách khu lăng mộ một khoảng sân dài đến khu vực "Thượng công linh miếu", nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Lê Văn Duyệt.

Bố cục của miếu bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện. Mỗi điện đều có cử người trông nom cẩn thận. Những người trông coi nơi đây đều trên 10 năm, quen thuộc với từng ngóc ngách của không gian thờ.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 7

Mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một khoảnh sân lộ thiên, gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời).

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 8

Đối xứng hai bên trục nhà chính là hai dãy Đông lang và Tây lang.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 9

Công trình mang dấu ấn của lối kiến trúc miếu thờ nhà Nguyễn, với những mái "trùng thiềm điệp ốc" và kỹ thuật kết nối khung nhà bằng các lỗ mộng.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 10
Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 11

Ngoài ra, nhờ kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ mà nơi thờ cúng này còn giữ được vẻ đẹp cổ kính cho đến ngày nay.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 12

Tiền điện được sơn son, thiếp vàng với nhiều họa tiết rồng phượng được thêu công phu.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 13

Trung điện được bày trí công phu với nhiều họa tiết được khắc trổ công phu.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 14
Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 15

Nơi trung điện phía bên phải thờ Thiếu phó Lê Chất, bên trái là Kinh lược Phan Thanh Giản.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 16

Nơi chính điện có bức tượng bằng đồng của Tả quân Lê Văn Duyệt. Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, cao 2,65 m, nặng 3 tấn do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 17

Hàng năm, tại lăng đều có tổ chức lễ giỗ Lê Văn Duyệt long trọng, vào các ngày 29 hoặc 30 tháng 7, mồng 1 và 2 tháng 8 âm lịch. Lễ giỗ được cử hành theo nghi thức cấp tiểu cung đình triều Nguyễn.

Thăm lăng Tổng trấn thành Gia Định xưa - 18

Khi ông mất, dân gian xem ông như một vị thần, vì vậy việc thờ cúng và tế lễ ông tại lăng mang nghi thức thờ thần và tế thần. Hàng ngày tại Lăng Ông vẫn có du khách đến tham quan và thắp nhang viếng.

Bài & ảnh: Băng Châu