Thăm làng dân tộc trên đảo Jeju

(Dân trí) - Đảo Jeju, một địa danh của Hàn Quốc đã lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới, cùng đợt với Vịnh Hạ Long của ta. Đây là điểm đến của du lịch thế giới. Đã đến với Jeju thì mọi người không thể không đến với làng dân tộc Cheongeup.

Đảo Jeju, một hòn đảo được hình thành do núi lửa phun trào ở cực Nam đất nước Hàn, nơi được nhận một lúc bốn danh hiệu: Khu bảo tồn thiên nhiên thế giới, Di sản thiên nhiên thế giới như Phong Nha - Kẻ Bàng của ta, Công viên địa chất thế giới như Công viên đá Đồng Văn - Hà Giang nước ta, và năm 2012 được bầu chọn cùng Hạ Long là Kỳ quan thiên nhiên thế giới. Khai thác những lợi thế ấy, trên đảo người dân Hàn Quốc đã triển khai rất nhiều dịch vụ để thu hút khách du lịch. Trèo núi, lặn biển, đánh golf, xiếc ngựa... nhiều bảo tàng, nhiều khu vui chơi giải trí nổi tiếng như công viên Tình yêu, bảo tàng Mỹ thuật... Và một trong những địa điểm du khách khó bỏ qua đó là Bảo tàng dân tộc ''sống'' - làng cổ Cheongeup. Bắt đầu mở cửa từ năm 1974, ở đây gìn giữ gần như nguyên trạng nhà cửa, ruộng nương, miếu mạo của một ngôi làng từ đầu thế kỉ XV.

Tác giả (đứng bên trái) đi thăm làng dân tộc trên đảo Jeju.
Tác giả (đứng bên trái) đi thăm làng dân tộc trên đảo Jeju.

Đến đây, tôi không cảm thấy một sự tạo dựng, bố trí mà cảm thấy như trở lại một ngôi làng kiểu Đường Lâm Ba Vì Hà Nội, chứ không phải là một công trình thiết kế để bảo tồn như Làng dân tộc Đồng Mô. Nơi đây đã sưu tập bổ sung, tập hợp hơn 260 kiểu nhà truyền thống những năm cuối triều đại Joseon, tất cả những đặc trưng từng vùng, miền đã được sưu tầm, sao chép, khôi phục trên một diện tích rộng tới 243 ha nhằm giúp du khách có cái nhìn đầy đủ, xác thực hình ảnh ngôi làng Hàn Quốc cách đây vài trăm năm với những làng chài trên núi, những khu vườn, chợ bùa, nơi cử hành lễ truyền thống, cảnh sinh hoạt của người dân, những nghi lễ cưới xin, học hành... và đặc biệt, trong làng vẫn còn người dân sinh sống và làm nghề truyền thống, du khách có thể gặp gỡ và trò chuyện để hiểu thêm về văn hóa xưa.

Người tiếp đón chúng tôi, khó phân biệt đó là các hướng dẫn viên du lịch hay con em chính những người chủ, những cư dân ngôi làng này, cô coi tôi như một người ông đi xa lâu ngày trở về làng và những thành viên trong đoàn là những bạn bè, những người thân quen mà tôi đưa họ về thăm làng. Câu chuyện bắt đầu từ cái cổng, trong làng dân tộc cũng như hầu hết cư dân trên đảo Jeju, nhà nào cũng có tường rào bao quanh bằng đá, đá do núi lửa phun ra nên là thứ nguyên liệu có sẵn. Xây tường nhưng lại không có cổng, mà cổng vào sân vườn được đặt ba thanh tre hoặc gỗ chắn ngang. Cô hướng dẫn viên du lịch sau khi bắt tay tôi với câu chào làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa rất cảm tình đó là: Ôi ông đã về, cả nhà đang chờ ông! Cô hướng dẫn cặn kẽ nếu đến cổng mà không có cây tre nào chắn ngang thì chủ nhà đang ở nhà sẵn sàng đón khách, nếu có một cây tre dưới cùng gác ngang thì chủ nhà đi vắng nhưng quanh quẩn đâu đó, nếu có cây tre thứ hai chặn ngang thì chủ nhà đi tối ngày mới về, nếu cả ba cây tre đều gác ngang thì chủ nhà đi vắng lâu ngày. Nếu ai vượt qua thì coi như đó là người bất chính có thể bị dân làng đánh ngay... Cứ như vậy, cô dẫn khách từ cổng vào nhà, từ nhà trên xuống nhà bếp ra sân vườn rồi cuối cùng là vào chỗ bán sản phẩm làng làm ra như: mật ong, nấm linh chi, trà linh chi, sữa ong...

Được xem tận mắt việc ngâm tẩm chế biến các sản phẩm tại chỗ, tâm lý khách hàng ai cũng muốn mua sản phẩm thứ thiệt tại chỗ về làm quà, vậy là dẫu chưa cần đến bạn mua, tôi mua, tất cả đoàn kẻ ít người nhiều hầu như ai cũng mua mật ong, trà linh chi...

Làng Cheongeup là nơi được đạo diễn Lee Byung Hoon chọn làm bối cảnh chính của phim Nàng Dae Jang Geung, từ lúc Dae Jang Geum là cung nữ đến khi trở thành ngự y nên trong làng có khá nhiều pano giới thiệu các cảnh trong bộ phim này được dựng cạnh lối đi nhiều nơi. Đây chính là sự thu hút hàng triệu khán giả mê phim Hàn.

''Tôi mong rằng sẽ có rất nhiều đoàn các dân tộc ở nước ta sẽ tiếp tục sang Jeju
''Tôi mong rằng sẽ có rất nhiều đoàn các dân tộc ở nước ta sẽ tiếp tục sang Jeju học cách làm du lịch và học cách bảo tồn một cách thật hiệu quả những đặc trưng văn hoá của mình''.

Tôi đến Cheongeup khi ở nhà đang có tin, người dân Đường Lâm muốn trả lại danh hiệu Làng cổ, bởi vậy, có một thông tin làm tôi hết sức quan tâm. Theo lời kể của các bạn Hàn Quốc, để phát triển nơi này thành điểm du lịch văn hóa, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành những chính sách ưu đãi, giữ chân người dân và con cái ở lại làng như: miễn phí tiền học, tiền điện, nước theo định mức cho phép. Du lịch các địa phương vùng miền sẽ rất gắn kết với sự bảo tồn di sản các dân tộc. Có thể đến thăm một Tháp Chăm, một nhà Rông ở làng Dân tộc VN ở Hà Nội, nhưng thực sự lý thú đối với du khách khi lên Cao nguyên Đá Đồng Văn sẽ được ngủ lại trong một bản Mông, ngâm mình trong thùng gỗ tắm nước hương rừng, khi đến Điện Biên sẽ vào bản Thái ăn cơm nếp nương, xem dệt vải Thái. Nhưng để có được những sản phẩm ấy, chắc chắn phải có chính sách phải được tổ chức như ở Cheongeup này.

Mỗi năm trên đảo Jeju đón gần 10 triệu du khách đến thăm. Như vậy sẽ có hàng triệu người đến với làng dân tộc Cheongeup. Tôi rất mừng khi thấy mấy năm trước đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số Quảng Ngãi đã đến đây để giao lưu học hỏi. Bởi trước đó, từ năm 2008, một đoàn nghệ nhân Jeju đã đến Quảng Ngãi và nhiều người trong họ rất mê những làn điệu dân ca và nhạc cụ các dân tộc Hơ rê, Cor. Các nghệ nhân thiểu số người H'rê sang biểu diễn sáo tà vố làm bằng đất, một nhạc cụ cổ xưa của người H'rê và đấu chiêng. Các nghệ nhân người Cor biểu diễn tiết mục sáo Amap làm bằng ống cây rừng, hát những làn điệu dân ca trữ tình của dân tộc Cor...

Nguyễn Lương Phán