Tây Bắc vào xuân đẹp lung linh như cô gái tuổi trăng rằm

(Dân trí) - Đã qua một chặng hành trình. Dẫu là ngắn ngủi, nhưng những hình ảnh về Tây Bắc chắc sẽ lưu mãi trong lòng mỗi người. Bởi có thể với nhiều người trong chuyến đi ấy, Tây Bắc sẽ rất khác trong những lần đi trước đó!

Chúng tôi ngược đường lên Tây Bắc vào lúc xuân đang sang, đất trời khoe sắc. Mưa xuân phất phới bay đã thoắt đến, thoắt đi. Nhưng, mưa đã đủ làm cho con đường lắm lúc ngập chìm giữa hai vách núi cheo leo. Gập ghềnh, chông chênh, chiếc xe trườn qua con đường trên lưng chừng những dãy núi cao mù sương.

Nụ cười toả nắng của cô bé người Mông
Nụ cười toả nắng của cô bé người Mông

Núi ngàn Tây Bắc mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, đầy bí ẩn và đam mê, quyến rũ. Song mùa xuân có một vẻ đẹp không mùa nào có được. Trên nền xanh non mướt mát căng đầy nhựa sống, là những sắc màu tinh khôi, hài hòa đến tuyệt đỉnh của các loại hoa rừng, mà mỗi sắc màu, mỗi hương thơm như thấm đẫm, hoà tan trong thiên nhiên, trong mỗi bản mường, trên muôn sắc màu thổ cẩm tay búp măng rừng thêu dệt, trên sắc má đào thơm thơm thiếu nữ và trong ánh mắt cười lung linh của người già, trẻ nhỏ, đơn sơ mộc mạc thế thôi nhưng say đắm lạ kỳ.

Lên Tây Bắc bây giờ không quá khó khăn như trước khi mà các quốc lộ đi đến các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, …đều đã được sửa chữa hoặc làm mới, rất thông thoáng và thuận tiện. Nhưng đó vẫn không phải là cung đường dễ chinh phục.

Đèo Pha Đin có độ dài 32km nằm trên, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La một phần thuộc xã Tỏa Tình huyện Tuần Giáo, Điện Biên .

Nụ cười toả nắng của cô bé người Mông
Trang phục của các thiếu nữ các dân tộc vùng Tây Bắc rất đẹp, phù hợp với cảnh vật và khí hậu của vùng miền

Được xem là ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Điện Biên và Sơn La, Pha Đin từng là nỗi “khiếp đảm” với những ai qua lại nơi đây. Những dốc cao chênh nhau từ 15 đến 20 độ, những cua chữ A, chữ Z liên tục cùng sự khắc nghiệt của thời tiết ở độ cao trung bình gần 1600 mét khiến việc di chuyển qua đây vô cùng khó khăn. Chưa kể vào mùa mưa, chuyện tắc đường vì sạt lở đất vẫn thường xảy ra.

Du khách thường xếp đèo Pha Đin vào một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pí Lèng. Pha Đin giống như một con rắn khổng lồ, trườn mình lên những vách núi cheo leo. Điều đó cho thấy phần nào mức độ hiểm trở của nó với một bên là vách núi, một bên là vực thẳm

Nhưng Pha Đin không chỉ “hấp dẫn” những người yêu thích du lịch khám phá ở sự hiểm trở mà còn là cảnh sắc thiên nhiên vô cùng quyến rũ. Đó là sự độc đáo của những thửa ruộng bậc thang, là sự hồn nhiên trong nụ cười, ánh mắt của trẻ em dân tộc, là sự bình dị của những bản làng e ấp dưới chân núi rừng Tây Bắc…

Núi rừng Tây Bắc, đi vào bất cứ mùa nào đều bắt gặp vẻ đẹp biến đổi của mỗi cung đường. Nhưng mùa xuân thì vẻ đẹp có lẽ dễ khiến du khách mềm lòng hơn cả, bởi những vạt hoa rừng và lớp lớp sương giăng.

Núi ngàn Tây Bắc mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, đầy bí ẩn và đam mê, quyến rũ
Núi ngàn Tây Bắc mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, đầy bí ẩn và đam mê, quyến rũ
Núi rừng Tây Bắc, đi vào bất cứ mùa nào đều bắt gặp vẻ đẹp biến đổi của mỗi cung đường
Núi rừng Tây Bắc, đi vào bất cứ mùa nào đều bắt gặp vẻ đẹp biến đổi của mỗi cung đường

Mùa này, Tây Bắc mang trong mình một vẻ đẹp ẩn hiện để mỗi ngày mỗi mùa lại hiện lên một hình ảnh mới như chốn non bồng của xứ sở thần tiên.

Khi nàng xuân khoác tấm áo choàng như sương như khói nương ánh bình minh lướt trên đỉnh núi, lòng thung, bàn tay dịu hiền, ấm áp như bàn tay thân thương của bà, của mẹ, của em chạm vào vạn vật. Đất bỗng chuyển mình trong cồn cào sinh nở, những rừng cây thu mình lại tránh cái giá rét của mùa đông giá như thoáng ngỡ ngàng rồi bừng tỉnh e ấp những chồi xanh, những dòng suối đang nhẹ nhàng róc rách thì thầm bản tình ca mùa đông bỗng reo vui ngời muôn ánh bạc, trên những cành cây xù xì thô ráp chợt hé muôn nụ xuân, ngơ ngác trước sự hoàn sinh diệu kỳ của vạn vật, rồi đua nhau bừng nở những bông hoa đầy hương sắc chào xuân mớ

Dường như là thế, trang phục của các thiếu nữ các dân tộc vùng Tây Bắc rất đẹp, phù hợp với cảnh vật và khí hậu của vùng miền. Đã đôi lần tôi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của các cô gái Thái, Tày che ô rực rỡ đi giữa rừng hoa đào, hoa ban trong lớp sương mờ bảng lảng buổi sáng mùa xuân tươi hồng. Mà không phải riêng tôi thả hồn mình vào các nàng “tiên nữ” ấy mà có biết bao chàng trai từng lãng du Tây Bắc đã phải lòng các sơn nữ không còn nhớ đường về xuôi.

Cái đẹp ấy không phải chỉ có những chàng trai Á Đông có tâm hồn nhạy cảm mới cảm nhận được mà tôi thấy các chàng trai "mắt xanh mũi lõ" cũng rất yêu thích miền đất và con người Tây Bắc.

Hương sắc rừng xuân Tây Bắc ấy chân thật, tự nhiên, đồng hành và tự lúc nào đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Tây Bắc, trở thành một phần không thể thiếu, mỗi độ xuân về lại náo nức hồi hộp đợi chờ như lời hẹn hò với một mối tình thuở hoa niên.

Còn với những người con xa xứ như chúng tôi, tình yêu, nỗi nhớ với hương sắc rừng xuân Tây Bắc thật khó mà đặt tên, cứ đau đáu day dứt khôn cùng trong ký ức và khát khao một cuộc hành trình ngược vùng tây bắc này.

Bài, ảnh: Minh Phan