Tăng 9 lần phí visa, lỗi tại ai?

(Dân trí) - Sự “thờ ơ” với chính sách của cơ quan chức năng ngành du lịch đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành và ngay chính bản thân cơ quan này cũng tỏ ra bất ngờ với quy Luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới được thực hiện từ 1/1/2015.

Theo đó, khách quốc tế đến bằng tàu biển muốn vào nội địa du lịch theo tour của công ty trong nước phải xin thị thực nhập cảnh chứ không phải là xin giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam như trước. Với quy định mới, du khách phải tốn thời gian làm thủ tục xin visa và tốn phí nhiều hơn 9 lần, từ 5 đô la Mỹ (USD) lên 45 USD mỗi người.

Quy định mới được đưa ra đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tỏ ra hết sức lúng túng. Chỉ một ngày sau khi quy định có hiệu lực, để làm thủ tục cho 2.318 du khách Đức vào du lịch VN trên tàu Aida Sol, Công ty du lịch Tân Hồng (TP.HCM) đã phải huy động toàn bộ nhân viên ra hỗ trợ thủ tục và trải qua hơn 10 giờ mới hoàn tất thủ tục.

Tiếp sau đó, tại Quảng Ninh, ngày 7.1, để làm thủ tục cho hơn 500 du khách quốc tế A.QUEST nhập cảnh vào Việt Nam, cơ quan chức năng đã phải huy động trên 20 nhân sự để hoàn tất các thủ tục cho khách. Tuy nhiên, cũng phải mất trên 3 tiếng, các lực lượng chức năng mới hoàn thiện thủ tục. Trong khi trước đó, với lượng khách này họ chỉ cần tới 4-5 người với thời gian thực hiện khá nhanh. Quy định mới có hiệu lực đúng vào thời điểm Hạ Long bắt đầu vào mùa du lịch tàu biển.

Trước tình hình này, ngày hôm qua Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp bàn với các bộ ngành liên quan để tìm biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục nhập cảnh đối với khách du lịch tàu biển với sự tham gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An nhiều doanh nghiệp lữ hành.

Với quy định mới, du khách phải tốn thời gian làm thủ tục xin visa 
Với quy định mới, du khách phải tốn thời gian làm thủ tục xin visa và tốn phí nhiều hơn 9 lần, từ 5 đô la Mỹ (USD) lên 45 USD mỗi người.

Trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Quý Phương (vụ trưởng Vụ lữ hành - Tổng cục Du lịch) cho rằng Bộ VH-TT&DL có nhận được văn bản yêu cầu đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân Tổng cục Du lịch không nhận được bất cứ thông tin gì về đóng góp ý kiến mãi đến cuối tháng 12-2014 mới nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an yêu cầu triển khai quy định này.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, theo quy định, mọi công dân nước ngoài di chuyển trong lãnh thổ Việt Nam đều phải có Visa hoặc thị thực. Dự thảo đã được Bộ Văn hóa đồng ý và cũng được gửi tới Tổng cục Du lịch lấy ý kiến. Tuy nhiên lúc đó cơ quan này không có sự phản hồi. Chính vì thế, Luật vừa ban hành thì chúng ta không thể sửa và vẫn phải làm đúng luật.
Trả lời báo giới, sau buổi họp với Chính phủ, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho rằng, sau buổi họp này TCDL đã có cam kết về việc tìm cách khắc phục những hạn chế đối với du khách tàu biển khi cập bến tham quan Việt Nam.

Cũng theo nhận định của nhiều doanh nghiệp lữ hành thì lượng khách tàu biển đến Việt Nam thời gian tới sẽ là cứu cánh cho họ trong bối cảnh khó khăn. Nhưng quy định mới cho việc nhập cảnh cho khách tham quan đã gần như dập tắt hy vọng này của những người làm du lịch.

Trong khi đó, ngay sau buổi họp này một số ý kiến cho rằng, để tháo gỡ khó cho doanh nghiệp vấn đề mấu chốt ở chỗ là làm thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đón khách thuận lợi hơn. Có thể chúng ta sẽ hạ mức phí visa bởi mức phí 45 USD là quá cao và sẽ cho phép dùng visa rời và tiến hành làm mọi thủ tục visa ngay từ trước khi tàu cập bến để không làm mất thời gian của khách.

Như vậy có thể thấy rằng, việc thực hiện quy định mới trong việc nhập cảnh cho khách tàu biển đã gây khó khăn cho ngành du lịch. 

Hoạt động du lịch biển đang được xác định là một trong
những ưu tiên 
Hoạt động du lịch biển đang được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

Trước đó, cách đây không lâu, người đứng đầu ngành ngành du lịch Việt Nam đã đề xuất với bộ trưởng du lịch 5 nước là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanma kiến nghị lên lãnh đạo cấp cao 5 nước có ý kiến chỉ đạo quyết liệt vấn đề này nhằm tiến tới một ACMECS có 1 visa chung. Tuy nhiên cho tới nay vấn đề cốt lõi là một thị thực chung cho năm nước chưa được thực hiện

Thực tế, so với các quốc gia trong khu vực lợi thế đường biển ở Việt Nam hơn hẳn. Có lẽ vì thế, mới đây hãng tàu Princess Cruises đã giới thiệu 8 tour du ngoạn Đông Nam Á bằng tàu du lịch cao cấp Sapphire Princess đến thị trường Việt Nam. Hải trình Princess Cruises Đông Nam Á đi qua 7 nước với 16 bến cảng tại Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Brunei. Thời gian thực hiện các hải trình trên được thực hiện trong vòng bốn tháng từ tháng 11-2014 đến tháng 2-2015.

Hiện, hoạt động du lịch biển đang được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hữu Thắng - Thu Hà