Tái hiện những trận chiến hào hùng của Vua Quang Trung

(Dân trí) - Cùng với chuỗi sự kiện phong phú của chương trình “Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc 2014”, ngày 5/4-9/4/2014 Hiệp hội làng nghề Việt Nam sẽ tái hiện lại những trận chiến hào hùng, đánh tan quân xâm lược của vua Quang Trung…

Nằm trong khuôn khổ chương trình “Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc 2014”, do Hội Nhà báo tổ chức, trả lời báo giới, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay sự kiện này mang ý nghĩa to lớn trong việc khơi gợi lại nét đẹp của văn hóa Việt Nam có cội nguồn từ văn hóa nông thôn – lúa nước, cội nguồn mang tính lễ hội. Tất cả các hoạt động đó là biểu hiện của truyền thống văn hóa và hiện thực văn hóa phong phú của dân tộc ta.

Hà Nội tái hiện lại cảnh vua Quang trung đánh giặc
Sự kiện này mang ý nghĩa to lớn trong việc khơi gợi lại nét đẹp của văn hóa Việt Nam có cội nguồn từ văn hóa nông thôn – lúa nước, cội nguồn mang tính lễ hội (ảnh: Internet)

Theo Ban tổ chức chương trình, sẽ có những khu dành riêng trưng bày sản phẩm vật thể và phi vật thể. Như đồ đồng của làng Đồng Xâm (Thái Bình), Phước Kiều (Quảng Nam); Sản phẩm mây tre đan từ Phú Vinh, Bắc Ninh, Hòa Bình; Dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số; Đồ gốm Bát Tràng; Chu Đậu, nghề sơn son thếp vàng, bạc tại làng Sơn Đồng (Hà Nội),…

Về ẩm thực, có bánh phu thê Đình Bảng, bánh cuốn Thanh Trì, bánh đậu xanh Hải Dương, chè lam Thanh Hóa, … dâng lên Vua Hùng và Tổ tiên. Cùng với đó sẽ có các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian như cồng chiêng, múa sạp Tây Bắc, các làn điệu dân ca… Lễ hội cũng tổ chức các trò chơi dân gian như thi làm bánh dày, nặn tò he, thư pháp, thao diễn tay nghề của các nghệ nhân, giao lưu ẩm thực ba miền…

Hà Nội tái hiện lại cảnh vua Quang trung đánh giặc
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian như cồng chiêng, múa sạp Tây Bắc, các làn điệu dân ca,... (ảnh: VOV)

Đặc biệt, vào ngày 6/4, Hiệp hội làng nghề sẽ tổ chức lễ rước Đức Thánh tổ nghề điêu khắc, tạc tượng sơn son thiếp vàng, bạc Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội và dâng lên vua Hùng và tổ tiên các sản vật, nói về công sức của các làng nghề và nghệ nhân, hướng về điều thiện, hướng về văn hóa.

Ban tổ chức chương trình dự kiến thu hút khoảng 150 đến 200 gian hàng. Trong Lễ khai mạc trình diễn sẽ bay Khinh khí cầu.

Tham gia Chương trình mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc, Hiệp hội làng nghề mong muốn khơi dậy các làng nghề truyền thống của cha ông, là dịp để các nghệ nhân trên cả nước tụ hội và giao lưu; đồng thời, cũng tạo hướng đi góp phần thoát nghèo cho nông thôn Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội sẽ công bố và phát động từ nay đến 2015 “Festival cây tre Việt Nam” để khơi dậy và tôn vinh giá trị văn hóa cũng như giá trị kinh tế của cây tre, loại cây gắn bó mật thiết với đời sống nông dân Việt Nam và văn hóa dân tộc từ quá khứ đến hiện tại.

“Chương trình lần này tạo sân chơi cho không chỉ riêng người Hà Nội, mà còn cho du khách, kiều bào ta ở nước ngoài; tạo sân chơi phát triển các làng nghề, doanh nghiệp và những người đang công tác báo chí có dịp gặp gỡ để nói lên tiếng nói từ cơ sỏ, từ làng xã. Vì vậy, tôi tin rằng sẽ có nhiều nghệ nhân mang ra trưng bày những sản phẩm tinh hoa, đặc sắc nhất của mình tại hội chợ lần này. Vấn đề ở đây là hàng đó bán cho ai, ai bán, giá cả như nào, chất lượng ra sao. Điều này thuộc về trách nhiệm của các làng nghề, nghệ nhân”, ông Dần chia sẻ.

Song An