Tái hiện không gian tết xưa tại Sài Gòn

(Dân trí) - Với mong muốn tái hiện một không gian tết cổ truyền thuần Việt, Hội Di sản Văn hóa TPHCM tổ chức Lễ hội Xuân Di sản Văn hóa – Bính Thân 2016 với chủ đề “Tết Sum Vầy” tại quận 9, TPHCM.

Tái hiện không gian tết xưa tại Sài Gòn

Lễ hội Xuân Di sản Văn Hóa là một trong những chương trình lớn trong năm của Hội Di sản Văn hóa TPHCM với mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 6/2 đến ngày 10/2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến ngày Mùng 3 Tết Âm lịch).

Các nhà làm văn hóa TPHCM muốn tái hiện một không gian tết xưa giữa thành phố hiện đại, xô bồ
Các nhà làm văn hóa TPHCM muốn tái hiện một không gian tết xưa giữa thành phố hiện đại, xô bồ
Ngoài phần lễ, ban tổ chức còn xây dựng nhiều chương trình hội hè nhằm thu hút giới trẻ và trẻ em
Ngoài phần lễ, ban tổ chức còn xây dựng nhiều chương trình hội hè nhằm thu hút giới trẻ và trẻ em

Nhằm phổ biến rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống, ban tổ chức tặng hàng nghìn vé mời cho người dân thành phố yêu thích các giá trị cổ truyền đến thưởng thức không gian tết xưa. Vé mời dành cho 2 người/phiếu, bao gồm vé vào cổng, phiếu ăn uống, phiếu tham gia trò chơi và phiếu xổ số vui xuân... Bạn đọc có nhu cầu nhận vé mời, vui lòng đến Văn phòng báo điện tử Dân trí tại TPHCM; địa chỉ: 294 – 296 đường Trường Sa, P.2, Q.Phú Nhuận, TPHCM.

Với lễ hội xuân, các nhà làm văn hóa TPHCM muốn tái hiện một không gian tết xưa với những hình ảnh truyền thống của tết như ông đồ cho chữ, hái lộc đầu xuân, khung cảnh chợ quê, những chòi ẩm thực, thả đèn cầu phúc…

Ngoài ra, để tạo nên không khí lễ hội, ban tổ chức còn xây dựng nhiều trò chơi dân gian nhằm thu hút trẻ em tham gia và tạo khung cảnh náo nhiệt cho ngày xuân. Các chương trình ca nhạc, xiếc, ảo thuật, múa lân, biểu diễn võ thuật cổ truyền Nam Huỳnh Đạo… cũng được lồng ghép vào đây để tạo sự sôi động và cuốn hút du khách.

Ngoài các hoạt động lễ hội tết, ban tổ chức cũng muốn du khách được tham quan, trải nghiệm, hiểu hơn về các giá trị văn hóa của dân tộc thông qua các chuyên đề triển lãm như: triển lãm ảnh “Di sản Văn hóa TPHCM ”; trưng bày Áo dài xưa và nay, Áo dài vẽ…

Năm nay, lễ hội Xuân Di Sản Văn Hóa tiếp tục được tổ chức tại bảo tàng Áo dài tọa lạc trên đường Long Thuận, phường Long Phước, quận 9, TPHCM. Với tư liệu áo dài phong phú tại đây, du khách sẽ có cơ hội thưởng lãm những bộ áo dài truyền thống Việt Nam từ xưa đến nay, đặc biệt là những bộ áo dài vẽ được thiết kế một cách sáng tạo, độc đáo theo những chủ đề khác nhau, tạo nên một bức tranh toàn diện về hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam – niềm tự hào về trang phục của dân tộc do nhà thiết kế Sĩ Hoàng thực hiện.

Tái hiện không gian tết xưa tại Sài Gòn - 3
Lễ hội Xuân Di Sản Văn Hóa được tổ chức tại Bảo tàng Áo dài nên du khách còn được tham quan các kiểu áo dài của dân tộc từ xưa đến nay và các áo dài kiểu cách tân rất thời trang
Lễ hội Xuân Di Sản Văn Hóa được tổ chức tại Bảo tàng Áo dài nên du khách còn được tham quan các kiểu áo dài của dân tộc từ xưa đến nay và các áo dài kiểu cách tân rất thời trang

Đến đêm, ngoài các gian hàng trò chơi, du khách còn được phục vụ các chương trình nghệ thuật truyền thống như biểu diễn thời trang Áo dài, cải lương… Những trích đoạn cải lương đã đi vào lòng người một thuở như: Gánh cải Trạng Nguyên, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Xa phu đi sứ, Bên cầu dệt lụa…. sẽ được phục vụ suốt kỳ lễ hội.

Việt Khuê - Phạm Nguyễn