Sập đá “khổng lồ” trong ngôi thánh đường 120 năm tuổi

(Dân trí) - Nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) hiện đang lưu giữ chiếc sập đá cổ, to lớn bậc nhất Việt Nam và có tuổi đời hàng trăm năm.

Quần thể Nhà thờ Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng khắp trong và ngoài nước với kiến trúc nghệ thuật phương Đông độc đáo. Nơi đây từng được xem là “kinh đô công giáo” của Việt Nam.

Người chủ trì xây dựng nhà thờ là Linh mục Phêrô Trần Lục (Cụ Sáu), các giáo dân Phát Diệm cùng nhau thi công trong vòng 20 năm mới xong công trình. Vật liệu chính xây dựng nhà thờ là gỗ và đá được đưa từ nước Lào, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình về xây dựng.

Tháp chuông (Phương Đình) nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) nơi đặt chiếc sập đá khổng lồ và có tuổi đời trăm năm.
Tháp chuông (Phương Đình) nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) nơi đặt chiếc sập đá "khổng lồ" và có tuổi đời trăm năm.

Quần thể nhà thờ (nằm trên diện tích đất dài 234m, rộng 117m) gồm nhiều công trình khác nhau như: Ao hồ, Phương Đình, Nhà thờ lớn, 5 nhà thờ nhỏ, hang đá nhân tạo… Nét độc đáo của nhà thờ Phát Diệm ở chỗ, là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam.

Trải qua hơn 100 năm, quần thể nhà thờ Phát Diệm vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp cổ kính, giống với ngôi đình của mỗi làng quê Việt Nam. Quần thể kiến trúc nhà thờ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa năm 1988.

Trong khuôn viên nhà thờ Phát Diệm có Tháp chuông (Phương Đình) được xem là một công những công trình mang tính nghệ thuật cao. Phương Đình được xây dựng hoàn toàn bằng đá, hoàn thành năm 1899 với chiều ngang 21m, chiều dọc 17m cao 25m.

Phương Đình có 3 tầng, ở tầng trệt được chia làm 3 lòng và trung tâm mỗi lòng có một sập đá. Sập đá ở lòng giữa lớn nhất và được xem là một trong những sập đá lớn và cổ còn lại ở Việt Nam hiện nay.

Phương Đình được xây dựng bằng đá, chạm khắc rất tinh xảo, 3 lòng trong tầng trệt có 3 sập đá cổ, rất lo lớn. Trong đó, sập ở gian giữa là lớn nhất.
Phương Đình được xây dựng bằng đá, chạm khắc rất tinh xảo, 3 lòng trong tầng trệt có 3 sập đá cổ, rất lo lớn. Trong đó, sập ở gian giữa là lớn nhất.

Theo ghi nhận của Dân trí, sập đá này là một khối đá khổng lồ có chiều dài 4,2m, rộng 3,2m và dày 0,3m. Toàn bộ sập đá nằm chiếm gọn gần hết lòng trong tâm của Phương Đình. Phía trước sập đá là mặt tiền của Phương Đình, mặt này sập đá có bậc tam cấp. Phía sau sập giáp với lăng mộ của Cụ Sáu.

Bề mặt của chiếc sập này là một mặt phẳng nhẵn, do thời gian dài nên trên mặt sập đã nổi màu đá xanh sáng bóng. Các phía bên hông sập đá được trạm khắc các hoa văn tinh xảo. Việc trạm khắc hoa văn trên sập trước kia đều được đục đẽo thủ công, tuy nhiên có độ tinh xảo và mang giá trị nghệ thuật trạm khắc đá cao.

Nhiều du khách đến tham quan nhà thờ Phát Diệm vô cùng ngưỡng mộ trước cách xây dựng tài tình của cha ông xưa. Đặc biệt là việc di chuyển những khối đá khổng lồ để lắp ghép, xây dựng thành ngôi thánh đường (trong đó có Phương Đình) có một không hai ở Việt Nam này.

Đặc biệt là việc di chuyển đưa được chiếc sập đá “khổng lồ” vào vị trí ngay giữa Phương Đình (Trung tâm của tháp chuông). Chiếc sập này nặng cả chục tấn, trước kia không dùng đến máy móc nhưng những người thợ xây dựng vẫn di chuyển được tảng đá khổng lồ này.

Sập đá khổng lồ là này khối đá có chiều dài 4,2m, rộng 3,2m và dày 0,3m.
Sập đá "khổng lồ" là này khối đá có chiều dài 4,2m, rộng 3,2m và dày 0,3m.
Du khách tham quan sập đá khổng lồ có tuổi đời hàng trăm năm.
Du khách tham quan sập đá "khổng lồ" có tuổi đời hàng trăm năm.

Anh Bùi Văn Phan, quê tỉnh Thanh Hóa đến tham qua nhà thờ chia sẻ: “Những khối đá to lớn được xếp lên nhau rất chắc chắn mà không cần đến chất kết dính. Kỹ thuật xây dựng nhà thờ Phát Diệm tài tình như xây thành nhà Hồ ở Thanh Hóa vậy. Những người thợ khi ấy không có máy móc nhưng vẫn đưa được những khối đá to xếp chồng lên nhau rất chặt chẽ.

Những khối đá to, rộng lớn như chiếc sập đá ở Phương Đình này để đưa về được đến đây phải tốn rất nhiều công sức và thời gian nhưng những người thợ xưa vẫn làm được điều đó bằng chứng là có di sản để lại này nay. Tôi chưa thấy có chiếc sập đá nào ở Việt Nam to lớn như chiếc sập đá này. Các cụ xưa xây nhà thờ thật tài tình”.

Tương truyền thì chiếc sập đá “khủng” ở Phương Đình tại nhà thờ Phát Diện này chính là chiếc sập rồng của nhà vua thời nhà Hồ (1400 – 1407) ở thành Tây Giai, tỉnh Thanh Hóa. Nếu đúng như vậy thì sập đá cổ này đã có niên đại trên 600 năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tài liệu nào chứng minh về nguồn gốc trên.

Mặt của 1 trong 3 chiếc sập đá ở Phương Đình đã được mài nhẵn, sáng bóng. Bốn bên được chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Mặt của 1 trong 3 chiếc sập đá ở Phương Đình đã được mài nhẵn, sáng bóng. Bốn bên được chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Người dân và du khách ngồi nghỉ trên sập đá lớn ở Phương Đình.
Người dân và du khách ngồi nghỉ trên sập đá lớn ở Phương Đình.

Trước kia, sập đá là nơi dâng lễ của nhà thờ Phát Diệm vào mỗi dịp lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh, Tuần lễ vượt qua... Hiện chiếc sập đá khổng lồ này đã được ngăn một hàng rào bảo vệ, không cho du khách ngồi lên trên để tránh sự xuống cấp và hư hỏng. Sập đá khổng lồ này là địa chỉ tham quan hấp dẫn với nhiều du khách muốn tìm hiểu về kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và chạm khắc đá cổ xưa của các nghệ nhân làng đá xưa ở Việt Nam.

Thái Bá