“Rùng mình” với những hủ tục ma chay chỉ có ở Việt Nam

(Dân trí) - Đẽo sọ, phơi xác người chết, chôn sống con theo mẹ,… đó mới chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn những luật tục của đồng bào dân tộc được hình thành từ xa xưa. Có những hủ tục còn tồn tại đến ngày nay, khiến nhiều người chỉ mới nghe đến đã phải rùng mình khiếp sợ.

Mẹ chết, con bị chôn sống

"Dọ-tơm-amí" là hủ tục của tộc người Bana và Jrai ở Tây Nguyên. Theo tục lệ này, nếu người mẹ chẳng may chết khi vượt cạn thì trẻ sơ sinh phải chết theo. Ngay cả những đứa trẻ đang trong giai đoạn bú sữa mà người mẹ qua đời thì cũng bị chôn sống cùng hoặc bỏ mặc giữa rừng.

Chị Hồ Thị Phúc, (ngoài cùng bên trái) là một nạn nhân được cứu thoát từ hủ tục chôn con. (Ảnh: danviet)
Chị Hồ Thị Phúc, (ngoài cùng bên trái) là một nạn nhân được cứu thoát từ hủ tục chôn con. (Ảnh: danviet)

Người dân nơi đây thừa nhận "dọ-tơm-amí" là có thật chứ không phải lời đồn, nhưng hủ tục có từ bao giờ thì không ai biết. Đây là hủ tục truyền đời, nên dù gia đình không muốn thì áp lực từ phía dân làng khiến cha và người thân của đứa bé cũng không dám đấu tranh bảo vệ con.

Những người già từng chứng kiến tục "dọ-tơm-amí" giải thích, nguyên nhân của hủ tục này là do cuộc sống nơi núi rừng xưa kia có nhiều khó khăn, khắc nghiệt. Nếu mẹ chết, con không được bú mẹ rồi cũng sẽ chết đói. Người ta tin rằng, chôn đứa bé theo mẹ, cùng nhau sang thế giới bên kia sẽ được mẹ chăm sóc tốt hơn.

Tuy nhiên hiện nay, cũng có một bộ phận người dân tự nhận thức được việc làm này là sai trái nên đã đấu tranh nhằm xóa bỏ hủ tục, cứu những đứa trẻ khỏi cái chết oan uống.

Đẽo sọ người chết

Ở Ninh Thuận, cộng đồng Chăm Bàlamôn có tục đẽo sọ người chết thành những đồng xu nhỏ để nhập vào đá, gửi ước nguyện sẽ được vĩnh hằng và bất tử.

Tục cũng quy định người chết dưới 15 tuổi chỉ chôn, không được thiêu. Với người từ 15 tuổi trở lên, người Chăm chia thành hai trường hợp: Chết bình thường (vì bệnh, vì già cả) sẽ được thiêu tươi; và chết không bình thường (vì tai nạn xe cộ, vì thú dữ, chết vào ngày hết trăng, mùng một) sẽ được thiêu khô.

Khoảng nửa giờ sau khi lửa thiêu sạch thi hài, thầy cúng cùng với người con cả của người chết lấy rựa chặt đầu thi hài và móc hộp sọ. Những người khéo tay sẽ đem hộp sọ gọt giũa thành chín mảnh xương đối với nữ, bảy mảnh đối với nam. Hình thù mỗi mảnh nhỏ bằng đồng xu, được cất giữ trong một cái hộp để thờ tự. Sau khoảng thời gian 5 - 10 năm, hoặc chờ đủ 15 - 20 năm sẽ đem làm lễ nhập Kut bên tộc họ mẹ.

Xương sọ người chết được đẽo thành hình đồng xu. (Ảnh: Internet)
Xương sọ người chết được đẽo thành hình đồng xu. (Ảnh: Internet)

Kut là nơi thờ cúng chung của dòng họ theo chế độ mẫu hệ. Mỗi người Chăm từ khi sinh ra đến lúc chết đi đều mang tâm niệm phải trở về yên nghỉ bên mảnh đất của dòng họ mẹ, được làm lễ nhập Kut và hóa kiếp với tổ tiên dòng họ.

Trải qua hàng trăm năm, người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận vẫn giữ tục lệ cổ xưa, coi đó là cách thể hiện sự kính trọng đối với người đã khuất. Để các nghi thức trở nên nhẹ nhàng hơn, hiện nay, mỗi hộp sọ người chết chỉ chọn lấy một mảnh xương trán đẽo thành một đồng xu duy nhất, còn tất cả những phần xương cốt khác đều được đem hỏa thiêu. Họ tin rằng ngọn lửa thiêu chỉ làm cháy phần xác, phần hồn vẫn còn, nếu được nhập Kut sẽ trở nên bất tử.

Ám ảnh hủ tục “ma trùng”

Ở hai thôn Xuân Thiên Thượng và Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân bao đời nay còn lưu truyền một hủ tục rùng rợn, gọi là tục “ma trùng”.

Theo hủ tục này, khi không may trong họ tộc có người chết trùng với thời điểm người thân đột nhiên sinh bệnh nặng, thì con cháu trong gia đình người bệnh sẽ chuẩn bị xăng dầu, cuốc xẻng đi xới tung mộ người chết để yểm bùa chú. Phải qua 49 ngày hoặc tròn một năm thì người chết mới có thể bình thản nghỉ ngơi, người sống không đổ oan cho người chết được nữa.

Quan niệm lạc hậu này kéo theo hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng tới việc thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa của người dân. Việc canh chừng mồ mả luôn khiến người thân của người đã qua đời phải lo lắng, bất an. Trong vài năm trở lại đây, chính quyền xã Vinh Xuân nói riêng và Thừa Thiên - Huế nói chung đã tích cực nỗ lực hướng đến thay đổi nhận thức của người dân.

Phơi xác chết hàng chục ngày rồi mới mai táng

Theo phong tục của người Mông ở Hà Giang và Mường Lát - Thanh Hóa, khi có người chết, gia đình không bỏ vào quan tài ngay mà để người chết nằm ở bên ngoài từ 5 đến 7 ngày. Cả gia đình vẫn giữ lối sinh hoạt thường ngày, đút cơm, cho nước vào miệng người đã khuất. Sau nhiều ngày, thức ăn lên men, thậm chí ruồi nhặng bâu đen quanh mặt người chết, họ vẫn tiếp tục đút cơm như thế.

Hủ tục rùng rợn của người Mông đã tồn tại hàng thế kỷ.(Ảnh: Internet)
Hủ tục rùng rợn của người Mông đã tồn tại hàng thế kỷ.(Ảnh: Internet)

Thêm vào đó, hằng ngày, người sống khiêng người chết ra sân, đặt ngửa lên tấm ván đã chuẩn bị sẵn để người chết được "ngắm" mặt trời. Dù mưa to hay nắng cháy thì phải khi mặt trời mọc mới được khiêng người chết vào nhà.

Tùy vào người chết có bao nhiêu con, người nhà sẽ đem “phơi nắng” từng đó ngày. Có người đưa ra một hai ngày, nhưng có người đưa ra hàng tuần trời, kể cả chân tay, đầu, tóc… rời ra thì họ vẫn phải “cúng” cho đúng ngày, đúng tục.

Gần đây, người Mông không còn còn phơi xác người chết hàng chục ngày như xưa nữa, nhưng tục này vẫn được duy trì. Theo đó, tùy theo số con, cháu đông hay ít mà người sống phơi xác người chết từ 1-3 ngày rồi sẽ mang đi mai táng.

“Sinh đôi, giết một”

Người J’rai ở Gia Lai có quan niệm, chỉ có người phụ nữ bị ma ám, bị trời phạt mới đẻ sinh đôi. Nếu “chẳng may” sinh ba thì quả thật đó là một sự ghê rợn, là nỗi kinh hoàng với người dân trong làng. Nếu để đứa trẻ sống thì chắc chắn nó sẽ mang họa.

Để diệt trừ “tai họa” đó, anh em họ hàng và người dân trong làng sẽ kéo đến mang đứa bé vào rừng chôn sống để “con ma” không còn biết đường quay về, và cũng đồng thời để tạ tội với thần linh. Bởi điều này, hàng trăm năm qua đã có biết bao bé sơ sinh bị tước đoạt quyền được sống ngay khi vừa mới chào đời.

Già H’Blâm – người có công “chặt đứt” hủ tục rùng rợn của đồng bào mình.
Già H’Blâm – người có công “chặt đứt” hủ tục rùng rợn của đồng bào mình.

Tuy nhiên, hủ tục này đã bị phá bỏ cách đây hơn chục năm nhờ vào công của già H’Blâm (nay đã hơn 70 tuổi). Khi một gia đình định tiến hành hủ tục này, già H’Blâm đã nhất quyết can ngăn, thuyết phục hàng trăm con người đang có ý định chôn sống đứa bé để họ từ bỏ việc làm sai trái của mình. Sau buổi nói chuyện, dân làng đã chịu ra về và để cho đứa bé sống. Cũng từ đó, tục lệ này dần mất đi.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp