Rủ nhau đi “lễ hội tình” lúc nửa đêm

(Dân trí) - Người dân Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ quan niệm, nếu được nhìn thấy tận mắt bộ gỗ sơn son mô tả bộ phận sinh sản nam nữ và cảnh quan hệ trong lễ mật sẽ được may mắn cả năm. Chính vì thế trước giờ “tháo khoán” đã có nhiều người dân du khách nô nức rủ nhau ngược về Phú Thọ…

“Nghe kể thì nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ được xem. Năm nay anh em cũng đang sắp xếp công việc thử về đó một chuyến du xuân dự lễ xem sao” – anh Nguyễn Văn Đức, Hà Nội cho biết, sắp tới anh và mấy người bạn đang bố trí công việc để về Phú Thọ xem hội Trò Trám và chứng kiến công đoạn tháo khoán cuối cùng của trò này vào lúc nửa đêm.

"Cả đời tôi chưa được đi xem lễ hội này, đợt này dù thức khuya để chầu chực nhưng tôi vẫn quyết tâm lên Phú Thọ để xem", anh Đức cho biết thêm.

Rủ nhau đi “lễ hội tình” lúc nửa đêm - 1

Năm nào cũng vậy, nhằm ngày 11 - 12 tháng Giêng, phường Trám, xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) lại nô nức với lễ hội Trò Trám. Đây là lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người Việt.

Ở Đất Phú thọ người ta nói với nhau rằng, nếu ai chưa từng xem hội Trò Trám thì cũng coi như đã đánh mất đi tuổi xuân, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Trò Trám là tiết mục mang lại tiếng cười nhất bởi những câu hò đối đáp mang đậm tín ngưỡng phồn thực như: “Gặp đây em mới hỏi chàng / Cái gì lủng lẳng một gang trong quần? - Nàng hỏi thì ta thưa rằng / Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay” hay "Đi cấy thì gốc chổng lên/ Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng". Anh đi câu thì hát: "Người ta câu diếc, câu rô/ Anh đây câu lấy một cô không chồng/ Có chồng thì nhả mồi ra/ Không chồng thì cắn, thì nuốt, thì tha lấy mồi".

“Tôi đã tham gia lễ hội nhiều năm nay. Lần đầu tiên về tham gia lễ hội, đến phần thụ lộc chỉ có duy nhất một mình tôi là khách ở nơi khác đến. Hôm nay, đông vui hơn, khách thập phương về nhiều, kín cả sân đình”, anh Thành một du khách đã có nhiều năm đến Lâm Thao dự lễ hội tháo khoán này chia sẻ.

Nghĩa, một thành viên của nhóm phượt Hà Nội cũng đang chuẩn bị lên kế hoạch cho cả nhóm về Lâm Thao để được qua đêm cùng các nam thanh nữ tú của Phường Trám và chờ thời khắc “tình phộc” vào lúc nửa đêm. Nghĩa bảo rằng, anh đã một vài lần về dự hội “tháo khoán” , nhưng trong nhóm nhiều người chưa đi nên háo hức lắm.

Rủ nhau đi “lễ hội tình” lúc nửa đêm - 2

Để chuẩn bị cho công tác hậu cần ăn ngủ nghỉ, nhóm của đức đã lên kế hoạch đặt phòng nghỉ tại thị trấn để tiện đi lại. Về phương tiện tất cả anh em đều phượt bằng xe máy. “Đường từ Hà Nội lên Phú Thọ chỉ mất khoảng 3 tiếng đi xe máy nên dự kiến chúng tôi sẽ về lễ hội trước nửa ngày” – Nghĩa cho biết thêm.

Người dân ở đây cho biết, ngày trước lễ hội này chỉ được người dân trong vùng biết đến, nhưng dần dần mỗi năm đến hội, lượng du khách lại ngày càng tăng, điều này có thể xuất phát từ chính sự độc đáo của lễ hội.

Miếu Trám rộng chừng 10 m2 với mái ngói, tường gạch, vì kèo, cột trụ bằng gỗ trạm trổ tứ linh... Miếu Trò đóng cửa quanh năm, chỉ mở cửa đúng vào đêm 11 rạng sáng ngày 12 tháng Giêng. Trong miếu thờ linh vật (dân gian gọi là Nõ - Nường) của tín ngưỡng phồn thực, "Nõ - Nường" được đặt trong hòm nhỏ, hòm nhỏ đặt trong hòm to và được khóa thật cẩn thận, chìa khóa do ông Từ coi giữ. Miếu thờ được dựng giữa một khoảnh đất rộng trên 1000 m2, có cây sanh, cây si và cả cây đa trùm bóng mát rượi. Sự giữ gìn "nõ nường" được người Tứ Xã tôn nghiêm, trân trọng, thành kính. Những bậc cao niên ở đây kể lại, các cụ già kể lại, việc thờ “Nõ – Nường” ở miếu Trò có từ thời Hùng Vương, linh vật được cất giữ cẩn thận và chỉ lấy ra một lần duy nhất trong năm, vào đúng đêm “linh tinh tình phộc”. Không một ai, kể cả ông từ được phép mang nó ra khỏi khán thờ nếu đó không phải là đêm 11 tháng Giêng.

Nhiều du khách đã từng đến dự lễ tháo khoán ở đây kể lại, có lẽ chả có lễ hội nào lại chỉ “đặc sắc” về đêm như này, sau hoạt cảnh trò Trám diễn ra lúc 22h đêm, khi đó có hàng nghìn người lại chờ đợi thời khắc 0h làm lễ. Khi đó có hàng nghìn người xô đẩy, chen nhau tìm chỗ thuận tiện để chứng kiến nghi lễ. Bởi họ quan niệm, nếu được nhìn thấy tận mắt bộ gỗ sơn son mô tả sinh thực khí nam, sinh thực khi nữ (bộ phận sinh sản nam và nữ) và cảnh quan hệ trong Lễ mật sẽ được may mắn cả năm... Khi đó, khán giả trong làng “như lên đồng”, say mê soảng khoái... Nếu ai còn chút gượng gạo bởi câu từ “táo bạo” chắc chắn không phải người làng này.

Đây cũng là nơi duy nhất ở nước ta còn có lễ hội tái hiện lại cảnh giao hợp của hai bộ phận sinh sản đàn ông, đàn bà. Theo quan niệm của người dân trong làng, bộ gỗ sơn son mô tả sinh thực khí nam, sinh thực khí nữ đang thờ tại ngôi miếu Trò được dân làng gọi là “vật linh”. Bởi họ tin rằng, đó là hai vật sinh tồn, nếu đêm “lễ mật”, hai vật đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt... “Vật linh” luôn được gìn giữ tôn nghiêm, cẩn thận, “ngăn bí mật” và chiếc hòm luôn được khóa kín, chỉ được đưa ra vào “giờ thiêng” - 0h đêm 11 rạng 12 tháng Giêng. Hai người được chọn cầm hai vật linh diễn cảnh giao hợp trong Lễ mật phải được lựa chọn, có sức khỏe, đạo đức tốt.

Rủ nhau đi “lễ hội tình” lúc nửa đêm - 3

Anh Thành cho biết, ngay từ chiều, người xóm Trám đã náo nức đón khách. Không xuất hiện một thứ dịch vụ, kể cả hàng quán ăn uống, thu vé giữ xe. Bạn bè, du khách có thể tự nhiên vào dự bữa cơm chiều và trò chuyện với bà con ven Miếu Trò như đến nhà người thân. 19 giờ, làng đã náo nức bước chân vào hội, từ phía ao, từ sau miếu, từ phía chợ, người làng và người muôn phương kéo đến. Đông lắm, nhưng không lộn xộn.

Theo phong tục từ thuở xưa, vào giờ tháo khoán, ngoài rừng trám, các đôi trai gái và dân làng được tự do làm mọi chuyện và người nữ phải giữ một vật của người nam để làm tin như khăn đội đầu. Cô nào mang thai trong dịp đó là lễ hèm của làng thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn thôn. Thôn sẽ đứng ra lo liệu tổ chức lễ cưới cho họ và không phải nộp khoản tiền cheo.

Những đứa trẻ được sinh ra từ đêm “linh tinh tình phộc” đều được làng chấp nhận vì họ cho rằng chúng sẽ mang lại sự phồn vinh cho cả làng.

Hữu Thắng