Ra quân chấn chỉnh hoạt động du lịch “chui”, chèn ép du khách

(Dân trí) - Xử lý hướng dẫn viên du lịch “chui”, kiểm tra các cơ sở lưu trú không đạt chuẩn, ra quân chấn chỉnh các hành vi chèo kéo, chèn ép, bắt chẹt du khách… là những hoạt động sẽ được triển khai đồng loạt tại nhiều địa phương nhằm nâng cao chất lượng điểm đến, cũng như thu hút hiệu quả khách du lịch.

Sẽ xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, bắt chẹt du khách

Thông tin trên được đưa ra trong hội nghị tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên du lịch, tổ chức sáng nay (21/4) tại Hà Nội. Ông Ngô Hoài Chung, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, năm 2016 được coi là một năm thành công của du lịch Việt Nam khi lần đầu tiên lượt khách quốc tế cán mốc 10 triệu lượt, cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, lượng khách nội địa cũng đạt con số ấn tượng với 62 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng tăng khoảng 18,6 %. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành tại một số tỉnh, thành trong thời gian qua cho thấy tình trạng các tour du lịch giá rẻ, việc “chặt chém”, chèn ép du khách hay một số doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên, người nước ngoài để hướng dẫn cho du khách vẫn còn tồn tại, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng lớn đến chất lượng và hình ảnh du lịch Việt Nam.

Ông Ngô Hoài Chung khẳng định sẽ tiến hành thanh tra, rà soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp lữ hành không đảm bảo điều kiện hoạt động. (Ảnh: Hà Trang)
Ông Ngô Hoài Chung khẳng định sẽ tiến hành thanh tra, rà soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp lữ hành không đảm bảo điều kiện hoạt động. (Ảnh: Hà Trang)

Ông Chung cũng cho biết, để chấn chỉnh tình trạng trên ngay trong tháng 4 này, phía Tổng cục Du lịch phối hợp với các sở, ban ngành sẽ tổ chức đoàn kiểm tra đầu tiên tại Hà Nội. Trong đó, tiến hành thanh tra, rà soát toàn bộ các công ty lữ hành và hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn. Đồng thời, kiểm tra, xem xét hồ sơ pháp lý, nguồn nhân lực của các công ty có đáp ứng, đảm bảo các yêu cầu thực tiễn hay không? Việc chèn ép, bắt chẹt du khách có xảy ra không? “Nếu doanh nghiệp có thiếu sót, chưa đầy đủ thì chúng tôi đưa ra khuyến cáo, gia thời hạn để khắc phục. Nếu quá thời hạn, không đáp ứng được thì kiên quyết thu hồi, chấn chỉnh yếu kém, nâng cao hoạt động lữ hành, phục vụ du khách”, ông Chung khẳng định.

Trong khi đó, đại diện Sở du lịch Hà Nội cũng cho hay, từ ngày 24 – 27/4 sẽ thanh, kiểm tra 20 đơn vị lữ hành không nộp báo cáo tình hình hoạt động trong năm; đồng thời sẽ thanh tra, kiểm tra vào hoạt động hướng dẫn viên tiếng Hàn, tiếng Trung và bán hàng rong chèn ép khách khu vực phố cổ. Hoạt động này nhằm chấn chỉnh nâng cao hình ảnh du lịch Thủ Đô cũng như thu hút khách du lịch đến Hà Nội.

Ông Nguyễn Tiến Đạt – PGĐ công ty TransViet cho rằng hoạt động thanh, kiểm tra nâng cao chất lượng du lịch Việt phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ. (Ảnh: Hà Trang)
Ông Nguyễn Tiến Đạt – PGĐ công ty TransViet cho rằng hoạt động thanh, kiểm tra nâng cao chất lượng du lịch Việt phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ. (Ảnh: Hà Trang)

Chia sẻ với Pv Dân trí, ông Nguyễn Tiến Đạt – PGĐ công ty TransViet cho biết, các doanh nghiệp lữ hành ủng hộ đợt ra quân, chấn chỉnh nâng cao chất lượng ngành du lịch. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp hoạt động lữ hành quá nhiều, trong đó nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đáp ứng được nhu cầu, làm ăn “chộp giật” đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của hoạt động lữ hành Việt Nam. Việc thanh tra, rà soát đối với các hoạt động, doanh nghiệp này đáng lẽ phải được các cơ quan chức năng tiến hành một cách thường xuyên, định kỳ. “Thời gian vừa qua, chúng ta đã nghe nói quá nhiều đến những hình ảnh chưa đẹp của du lịch Việt như: Hướng dẫn viên người Trung Quốc, tour du lịch 0 đồng, hay tình trạng một số doanh nghiệp bỏ rơi, chèn ép du khách, rồi việc ứng xử kém văn minh khi đi du lịch… Tất cả đã tạo ra một hình ảnh xấu xí, làm cho du khách có cái nhìn thiếu thiện cảm về hình ảnh Việt Nam. Tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay trong việc chấn chỉnh, tạo ra môi trường lành mạnh cho các hoạt động du lịch”, ông Đạt nói.

Đại diện các địa phương cho biết, trước khi tổ chức thanh kiểm tra, đoàn sẽ thông báo đầy đủ quy trình tới doanh nghiệp du lịch để các doanh nghiệp tự rà soát, điều chỉnh. Việc xử lý liên ngành sẽ là giải pháp cuối cùng nếu các doanh nghiệp này vẫn cố tình vi phạm.

Hà Trang