Quảng Nam: Tọa đàm định hướng phát triển du lịch Điện Bàn

(Dân trí) - Chiều 24/7, tại Điện Bàn, Quảng Nam diễn ra Tọa đàm định hướng phát triển du lịch Điện Bàn - Mô hình ý tưởng cho Triêm Tây.

Chương trình do chính quyền huyện Điện Bàn phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức

Tọa đàm định hướng phát triển du lịch Điện Bàn vừa diễn ra trong ngày 24/7
Tọa đàm định hướng phát triển du lịch Điện Bàn vừa diễn ra trong ngày 24/7

Theo đó, tại buổi Tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp định hướng phát triển du lịch địa phương đã được các đại biểu đưa ra, tập trung định hướng phát triển du lịch cộng đồng với mô hình ý tưởng cho Triêm Tây - làng du lịch cộng đồng nằm ở ven sông Thu Bồn đoạn qua xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Quảng Nam).

Một góc khu lịch sinh thái ở Triêm Tây (thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam)
Một góc khu lịch sinh thái ở Triêm Tây (thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam)

Du khách tham quan làng Triêm Tây
Du khách tham quan làng Triêm Tây

Việc hình thành các khu du lịch cao cấp thường đi liền với những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời dân cư, làm thay đổi nếp sinh hoạt, ảnh hưởng đời sống của người dân địa phương. Nên nhiều năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển với thế mạnh của một mô hình du lịch nhân văn, dựa vào chính cảnh quan và đời sống văn hóa, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương. Ý tưởng phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Triêm Tây góp phần hình thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong chuỗi hành trình du lịch từ đô thị cổ Hội An, tiếp nối với các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên… ở Quảng Nam.

Du khách tham quan làng Triêm Tây

Du khách tham quan làng Triêm Tây
Nhiều hộ dân ở Triêm Tây và vùng lân cận trong huyện Điện Bàn vẫn mưu sinh hàng ngày với các nghề truyền thống như dệt chiếu, nung đất nghệ thuật ...

Được bao bọc bởi sông Thu Bồn, Triêm Tây gần như là một ốc đảo nhỏ với những cồn nổi giữa sông. Nơi đây còn giữa nguyên phong cảnh làng quê yên bình với kiến trúc nhà dân hầu như vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống với nhà ba gian, sân vườn thoáng rộng. Nhiều nhà dân vẫn còn giữ nghề truyền thống của địa phương như nghề chiếu thẻ, tráng mì lá… Lân cận Triêm Tây còn có những làng nghề vang bóng một thời ở xứ Quảng như làng nghề đúc đồng Phước Kiều, các cơ sở chạm khảm gỗ, sản xuất đất nung nghệ thuật… cùng với làng nghề ẩm thực mỳ Quảng Phú Chiêm - đặc sản xứ Quảng được công nhận kỷ lục món ngon Châu Á và bê thui Cầu mống vừa được công nhận kỷ lục món ngon Việt Nam.

Triêm Tây cho thấy tiềm năng du lịch giàu có. Song, nhiều ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, hoàn chỉnh để phát triển du lịch Triêm Tây nói riêng và Điện Bàn nói chung. Trong đó, chỉ ra những khó khăn và cũng là những thách thức như làng nằm trong vùng ảnh hưởng biến đổi khí hậu và thiên tai (lũ lụt, sạt lỡ…),du lịch cộng đồng phát triển song có tính cạnh tranh cao và đòi hỏi sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách (tích hợp thiết chế văn hóa, di tích, làng nghề…), các công trình mang tính văn hóa lịch sử trong thời gian dài không được đầu tư, chưa tạo được điểm nhấn trong không gian du lịch, người dân còn lạ lẫm với du lịch cộng đồng, các kỹ năng cơ bản còn hạn chế…

Một số ý kiến đóng góp của các đơn vị lữ hành nhấn mạnh trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng ở Triêm Tây cần rút kinh nghiệm từ những mô hình trước đó là không nên coi trọng việc bê tông hóa, hiện đại hóa; thay vào đó, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường trong cộng đồng du lịch. Đồng thời, qua khảo sát thực tế, hiện sản phẩm du lịch cộng đồng ở Triêm Tây hiện nay chưa thực sự đa dạng. Theo đó, cần khai thác các dịch vụ phục vụ du khách cùng cộng đồng dân cư trải nghiệm nghề chài lưới trên sống Thu Bồn; kết nối với các làng du lịch cộng đồng nằm cùng tuyến đường sông như làng Mộc Kim Bồng (TP Hội An), làng Trà Nhiêu (huyện Duy Xuyên)…

Trong khuôn khổ chương trình, sáng cùng ngày 24/7, ngành văn hóa địa phương tổ chức đưa báo, đài và đại diện các đơn vị lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch… khảo sát các điểm đến tiềm năng trên hành trình du lịch huyện Điện Bàn như Vinahouse Space, Khu du lịch nhà vườn Triêm Tây, các nhà nghề chiếu trẻ, tráng mỳ lá trong làng Triêm Tây, các xưởng đúc đồng ở làng Phước Kiều, các cơ sở sản xuất đất nung, chạm khắc gỗ, Bảo tàng Điện Bàn…

Khánh Hiền