Quảng Nam phấn đấu phát triển du lịch bền vững

(Dân trí) - Nhằm thảo luận những vấn đề cấp thiết giúp Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch một cách bền vững, ngày 24/9, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch.

Tham dự buổi hội thảo có đồng chí Lê Hoài Trung – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam; đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Nguyễn Chín – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam; đại diện văn phòng UNESCO Hà Nội; đại diện văn phòng ILO; văn phòng FIDR; cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Chương trình nghệ thuật chào mừng nhằm quảng bá hình ảnh Quảng Nam.
Chương trình nghệ thuật chào mừng nhằm quảng bá hình ảnh Quảng Nam.

Quảng Nam là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, nơi sở hữu hai di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Đây là mảnh đất có bề dày về văn hóa, sớm có sự giao lưu giữa các nền văn hóa Chăm, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, và một số nước phương Tây.

Sở hữu những tài sản vô giá, một trong những thách thức lớn với tỉnh Quảng Nam là phải tìm ra phương án bảo tồn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tiền nhân để lại, đồng thời duy trì tính đa dạng văn hóa hiện có. Do vậy, phương thức phát triển du lịch bền vững và chuyên nghiệp sẽ là thách thức quan trọng của tỉnh Quảng Nam để bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế- xã hội, nhưng Quảng Nam nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các Bộ, Ban, Ngành và UNESCO. Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999, tiếp đến, năm 2009, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm tiếp tục nhận được vinh dự này. Ngoài ra, sự giúp đỡ của nhiều nước như Nhật Bản, Italia, Đan Mạch, Luxembourg, Hoa Kỳ, Hà Lan, Canada, Đức, giúp các địa danh trên được biết tới rộng rãi hơn.

Báo cáo tham luận.
Báo cáo tham luận.

Trong giai đoạn 1997-2014, hai di sản văn hóa trên nhận khoảng 79.5 tỷ Đồng từ các tổ chức quốc tế cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Riêng Khu di tích Mỹ Sơn nhận được tổng giá trị tài trợ khoảng 75 tỷ đồng của các tổ chức: UNESCO, JICA (Nhật Bản), Lerici Foundation (Ý), America Exress (Mỹ)… Đô thị cổ Hội An nhận được tổng giá trị tài trợ gần 4,4 tỷ đồng của các tổ chức: JICA, Taisei (Nhật Bản); Đại sứ quán Canada; Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ; Quỹ công chúa Hà Lan.

Trong 5 năm gần đây 2009-2014, Quảng Nam tiếp tục nhận được nhiều dự án hỗ trợ phát triển du lịch, dựa vào khai thác văn hóa địa phương để phát triển du lịch bền vững, qua đó cải thiện sinh kế cho cư dân khu vực nông thôn, miền núi. Đó là những trợ giúp về xây dựng chiến lược, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Tiêu biểu là các dự án tài trợ thông qua các tổ chức UNESCO, ILO, FIDR.

Phố cổ Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Internet.
Phố cổ Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Internet.

Với sự hỗ trợ nỗ lực, trong giai đoạn 1999-2014, lượng khách du lịch tới Quảng Nam tăng hơn 12 lần, từ hơn 300.000 lượt khách vào năm 1999 lên hơn 3.680.000 lượt khách năm 2014. Quảng Nam đã nhận được nhiều giải thưởng về du lịch và môi trường, tiêu biểu năm 2013, Tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler của Mỹ bình chọn Hội An là điểm du lịch yêu thích thứ 2 ở Châu Á (sau thành phố Kyoto - Nhật Bản), Tạp chí Huffington Post (Mỹ) cũng giới thiệu Hội An là một trong 7 điểm đến đặc sắc và thu hút khách du lịch nhất khi tới Việt Nam, Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat) bình chọn Hội An là thành phố cảnh quan Châu Á...

Dù có nhiều di sản phong phú, nhưng Quảng Nam đang đứng trước những thách thức lớn. Với 1 tỉnh sở hữu khoảng 350 di tích các loại cùng những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đặc biệt hai di sản văn hóa thế giới vốn nhạy cảm với biến đổi khí hậu như Mỹ Sơn và Hội An, công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Kinh nghiệm của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng với công tác bảo tồn văn hóa, sự phát triển bền vững của ngành du lịch Tỉnh.

Buổi hội thảo đề xuất những vấn đề cần thiết giúp Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch bền vững. UBND tỉnh Quảng Nam hi vọng hội thảo sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực, không chỉ góp phần quan trọng về việc sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để Quảng Nam tiếp tục nhận được sự trợ giúp của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trong sự nghiệp bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch, đồng thời góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa của Quảng Nam, một bộ phận hữu cơ của di sản văn hóa Việt Nam và của nhân loại.

 

Việt Hà